Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Những công trình tạo cú hích cho du lịch Bắc Giang

Những công trình tạo cú hích cho du lịch Bắc Giang

Thật khó diễn tả thành lời khi những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển du lịch. Ngoài việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá đặc trưng, sự thành công của Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc đưa du lịch Bắc Giang vào bản đồ du lịch Việt Nam.

Sừng sững, uy nghiêm, sườn Tây Yên Tử đẹp tựa bức tranh thủy mặc với sự đầu tư bài bản về quy mô, kiến trúc - nơi lưu giữ dấu tích về con đường hoằng dương phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. 

Với kiến tạo mang giá trị lịch sử to lớn, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử là minh chứng cho sự quyết tâm đưa du lịch Bắc Giang trở thành biểu tượng du lịch, góp phần kích cầu, đẩy mạnh tăng trưởng GDP.

Kỳ 1: Tây Yên Tử - công trình lưu giữ dấu chân Phật hoàng

Tây Yên Tử đẹp tựa bức tranh thuỷ mặc.

Tây Yên Tử đẹp tựa bức tranh thuỷ mặc.

Tây Yên Tử - lung linh huyền tích

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, Bắc Giang làm mê đắm lòng người với vẻ đẹp thuần túy, hoang sơ vốn có. Cùng với bề dày lịch sử văn hóa, đây còn là nơi lưu giữ hàng trăm di tích, di tích quốc gia, cụm di tích quốc gia đặc biệt… 

Bên cạnh những di bảo vô giá như mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, mộc bản chùa Bổ Đà, Bắc Giang còn là nơi lưu giữ dấu tích về con đường hoằng dương phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông - sườn Tây Yên Tử.

Trong tâm trí của con dân nước Việt, Trần Nhân Tông không chỉ là vị hoàng đế anh hùng với kỳ tích hai lần chiến thắng quân Nguyên mà Ngài còn là vị tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, mang tư tưởng hòa nhập đạo với đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam.

Không chỉ là nơi ghi dấu ấn của Phật hoàng Trần Nhân Tông, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, đã có nhiều nhà sư chọn con đường lên Yên Tử từ phía Tây để tu hành, dựng chùa, xây tháp, phát đạo… Nhờ đó, theo thống kê, nơi đây hiện có khoảng 130 di tích lớn nhỏ, trong đó nhiều di tích được đánh giá vô cùng giá trị và có liên quan chặt chẽ tới thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng)…

Với hệ thống các chùa tháp, di tích lịch sử - văn hóa, sự kỳ vỹ của núi rừng Tây Yên Tử càng cho thấy sự huyền bí cần được gây dựng, khai phá. Đau đáu nỗi niềm đó, tháng 3/2014, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử với mong muốn lưu giữ những giá trị văn hóa -tâm linh vô giá và đưa Tây Yên Tử trở thành một biểu tượng mới của du lịch Bắc Giang.

Dự án có tổng diện tích 13,8ha thuộc khu vực Đồng Thông, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động với 4 cụm chùa độc lập gồm: Chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy), các điểm chùa có cao độ từ 145m đến điểm cao nhất gần 1.000m, kết nối với chùa Đồng, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử, cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ, hệ thống giao thông, cáp treo... đồng bộ.

Nói về sức hút du lịch Tây Yên Tử, lãnh đạo huyện Sơn Động chia sẻ, cùng với Đông Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh, Tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang đã tạo nên quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, có sức hút lớn đối với du khách. Công trình sau khi hoàn thiện, lượng khách thập phương về chiêm bái rất đông. Không chỉ mang đậm giá trị lịch sử - văn hoá, với sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, du khách có thể rút ngắn được thời gian lên đỉnh chùa Đồng thay vì con đường độc đạo ở sườn Đông Yên Tử như trước kia.

Tây Yên Tử - biểu tượng du lịch Bắc Giang

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, kinh di phật hoán, tuế nguyệt phong sương, ngày nay Tây Yên Tử được phục dựng nhưng vẫn giữ nguyên được bản sắc với những chứng tích lịch sử vô giá. 

Sự thành công của dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Tây Yên Tử không chỉ được đánh giá cao về mặt kiến trúc, quy mô mà còn được ghi nhận là một trong những công trình văn hoá tâm linh có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm thay đổi ngành du lịch Bắc Giang.

Du khách tham quan khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử.

Du khách tham quan khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử.

Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết: “Bắc Giang xác định Tây Yên Tử là một điểm nhấn về du lịch của tỉnh và cũng là khởi đầu cho sự phát triển du lịch Bắc Giang. Đây là dự án được Nhà nước hết sức quan tâm, đặc biệt về giao thông, sau khi có Tây Yên Tử, Nhà nước đã rót vốn để đầu tư xây dựng con đường Tây Yên Tử từ thành phố Bắc Giang kết nối với tỉnh Quảng Ninh”.

Ông Trần Minh Hà cũng cho biết, trước đây khu vực này cực kỳ khó khăn về giao thông, những cánh rừng nguyên sinh còn nguyên sơ, người dân không có cơ hội phát triển kinh tế. Sau khi có con đường, cả một vùng kinh tế đã được đánh thức.

“Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử là một trong những công trình ấn tượng, có kiến trúc độc đáo, được UBND tỉnh Bắc Giang xác định là công trình trọng điểm của tỉnh, mọi cấp, mọi ngành đều vào cuộc để hỗ trợ tối đa cho việc đầu tư xây dựng công trình. Đặc biệt khi khai trương tuyến cáp treo, việc di chuyển từ Yên Tử lên chùa đồng đi bên Bắc Giang sẽ nhanh hơn, nguyên sơ hơn. Hiện nay, tại Tây Yên Tử đã đầu tư được khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, tới đây sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2. Quan điểm nhất quán của tỉnh Bắc Giang đó là xây dựng các công trình phục vụ du lịch nhưng không được làm ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường. Đặc biệt là hệ thống rừng nguyên sinh phải được đảm bảo”, ông Trần Minh Hà nhấn mạnh.

Cáp treo Tây Yên Tử.

Cáp treo Tây Yên Tử.

Ghi nhận sự thành công của dự án, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Dự án khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử là một trong những công trình làm thay đổi ngành du lịch tỉnh Bắc Giang hiện nay. Năm 2019, khi dự án mới hoàn thành giai đoạn 1 đã thu hút được hàng trăm nghìn du khách đến tham quan, chiêm bái, góp phần tăng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 2 triệu lượt, tăng 25% so với năm 2018. Chỉ 7 ngày đầu Xuân Canh Tý - 2020 (trước khi có dịch Covid-19), Dự án đã thu hút được trên 30.000 du khách đến thăm”.

“Hiện Dự án đang trong quá trình tiếp tục đầu tư xây dựng, đồng thời tỉnh Bắc Giang cũng đang phối hợp cùng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương lập hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) để đề nghị UNESCO vinh danh vào năm 2023. Cùng với đó, tỉnh cũng đang quan tâm khôi phục lại hệ thống di tích dọc theo con đường Hoằng dương Phật pháp của các Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử từ chùa Vĩnh Nghiêm đến chùa Đồng Yên Tử; khi hoàn thành chắc chắn Dự án khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử sẽ phát huy tối đa hiệu quả”, ông Lê Ánh Dương cho biết thêm.

Theo Báo Bắc Giang
Ngày cập nhật: 24/12/2020 Lượt xem: 613