Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Phát huy tiềm năng, thế mạnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bắc Giang

Phát huy tiềm năng, thế mạnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bắc Giang

Bắc Giang là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, là một bộ phận không thể tách rời của vùng văn hóa Kinh Bắc. Trong suốt chiều dài của lịch sử, Bắc Giang luôn được coi là phên dậu ở phía Bắc của kinh thành Thăng Long. Ngày nay, Bắc Giang nằm trên trung lộ của tuyến kinh tế trọng điểm phía Đông Bắc, kết nối Lạng Sơn với Bắc Ninh, Hà Nội, là giao điểm của tuyến kinh tế nối vùng Tây Bắc với Đông Bắc từ Lào Cai đến Hà Nội và Quảng Ninh.
Toàn tỉnh hiện có số dân gần 1,6 triệu người với 20 dân tộc anh em sinh sống, đồng bào các dân tộc trong tỉnh có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú với nhiều truyền thống, bản sắc văn hóa độc đáo còn được lưu giữ đến ngày nay. Bắc Giang cũng là một trong những tỉnh có hệ thống di sản văn hóa đậm đặc thuộc tốp đầu so với cả nước. Qua điều tra, thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 di tích, trong đó có gần 700 di tích đã được xếp hạng. Có 2 di tích Quốc gia đặc biệt là Chùa Vĩnh Nghiêm và 23 điểm di tích Cuộc Khởi nghĩa Yên Thế. Có 3 di sản là Quan họ, Ca trù, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã có 11 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia với nhiều loại hình đặc sắc như: Dân ca Cao Lan, dân ca Sán Chí; nghi lễ Then của dân tộc Tày, Nùng; Lễ hội Thổ Hà, Lễ hội Suối Mỡ… Cùng với đó, toàn tỉnh cũng có trên 500 lễ hội diễn ra liên tục vào dịp Xuân Thu nhị kỳ trên khắp các làng quê.

Khu du lịch Suối Mỡ (Lục Nam). 
Những truyền thống, bản sắc văn hóa đặc sắc đó luôn hòa quyện và gắn liền với không gian cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với các khu vực như Hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn), khu Đồng Cao (huyện Sơn Động); dãy núi Nham Biền (huyện Yên Dũng) và đặc biệt là sườn Tây dãy núi Yên Tử kéo dài gần 100 km trên địa bàn các huyện từ Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Trong khu vực Tây Yên Tử đã phát hiện một hệ thống di tích với trên 230 điểm, trong đó có nhiều điểm di tích gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử… Những yếu tố địa văn hóa đó chính là những nhân tố quyết định tạo ra tiềm năng, thế mạnh to lớn để phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch văn hóa - tâm linh - sinh thái trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Nhận thức được những tiềm năng, thế mạnh đó, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ (2010-2015), Đảng bộ tỉnh đã xác định Chương trình phát triển du lịch là một trong năm Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh, qua đó nhằm tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư các nguồn lực để phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có của địa phương.

Khu du lịch sinh thái Khe Rỗ (Sơn Động)
Thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy, từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh, ngành VHTTDL và cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố trong tỉnh đã xây dựng nhiều Kế hoạch, Đề án để tập trung phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, từng bước đưa Bắc Giang dần dần trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước tới thăm.
Tháng 12/2013, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng bảo tồn tổng thể hệ thống di tích và danh thắng Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang nhằm bảo tồn các lễ hội, các di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, phát huy giá trị hệ thống di tích, danh thắng để phục vụ phát triển du lịch. Theo đó, tỉnh xác định 9 khu vực trọng tâm để bảo tồn gồm: Khu Đồng Thông, rừng Khe Rỗ (huyện Sơn Động), chùa Am Vãi, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn), khu Suối Mỡ, suối Nước Vàng (huyện Lục Nam), Chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (huyện Yên Dũng). Trong đó, riêng khu Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động được xác định là khu trung tâm bảo tồn, giới thiệu về danh thắng Tây Yên Tử gắn với khu du lịch tâm linh gồm các điểm chùa như chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, có hệ thống cáp treo kết nối với Chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử với tổng diện tích bảo tồn khoảng 2.000 ha. Trong đó, riêng quy hoạch khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử là 500 ha.
 
Hiện tại, khu du lịch này đang được UBND tỉnh tập trung mời gọi đầu tư với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, các công trình xây dựng cũng đang được tích cực triển khai để kịp khánh thành hạng mục đầu tiên vào dịp đầu xuân năm 2017, đồng thời UBND tỉnh cũng đã giao cho các ngành chức năng xây dựng đề án chính thức tổ chức Lễ hội Tây Yên Tử của tỉnh Bắc Giang và lễ hội lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào tháng Giêng năm 2018. 
Hạ tầng Khu du lịch Đồng Thông (Sơn Động)
Cũng từ năm 2013 đến nay, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung đầu tư các nguồn lực xây dựng tuyến đường 293 từ TP. Bắc Giang dọc theo sườn Tây Yên Tử nối với các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Tuyến đường có chiều dài từ thành phố Bắc Giang đến khu Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động vào khoảng 80 km, số vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng. Hiện tại, những công đoạn cuối cùng của con đường đang được gấp rút hoàn thành để phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển du lịch khu vực sườn Tây Yên Tử. Khi con đường chính thức được đưa vào sử dụng sẽ trở thành tuyến đường “Tâm linh” và cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại, công nghiệp, dịch vụ được xây dựng dọc theo hai bên tuyến đường theo Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt sẽ có ý nghĩa to lớn để đánh thức tiềm năng phát triển du lịch nói riêng cũng như phát triển KT-XH của tỉnh Bắc Giang nói chung.
Để tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2016-2020, ngày 30/3/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh, ngành VHTTDL cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy nhằm hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong đó tập trung phát triển dọc tuyến đường 293 và khu vực Tây Yên Tử, đưa khu vực này trở thành khu du lịch trọng điểm.
Với tinh thần quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự hưởng ứng tham gia tích cực, đồng bộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự nghiệp phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, chắc chắn rằng trong tương lai không xa Bắc Giang sẽ là điểm đến hấp dẫn và là điểm nhấn rõ nét trên bản đồ du lịch của cả nước. 
Dương Hồng Cơ (Phó Giám đốc Sở VHTTDL)

Ngày cập nhật: 12/09/2016 Lượt xem: 541