Gần đây, Bắc Giang đã quan tâm phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Mục tiêu nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ, phát huy tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả từ loại hình du lịch này mang lại chưa tương xứng với tiềm năng.
Tiềm năng lớn, rõ định hướng
Bắc Giang có vùng chuyên canh trái cây tập trung ở 2 huyện: Lục Ngạn, Lục Nam cùng hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề truyền thống, làng quan họ cổ với nét văn hóa riêng và các danh thắng, hồ đập, rừng nguyên sinh…
Về ẩm thực, Bắc Giang có nhiều đặc sản như: Vải thiều, cam, bưởi Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, rượu làng Vân, xôi trứng kiến Sơn Động… hấp dẫn du khách, rất thuận lợi cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch thiên nhiên - nông nghiệp sinh thái - văn hóa cộng đồng.
Chợ tình Tân Sơn, xã Tân Sơn (Lục Ngạn) diễn ra ngày 12 tháng Giêng hằng năm thu hút nhiều du khách. |
Toàn tỉnh hiện có 11 khu, điểm du lịch được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh và điểm du lịch, gồm: Chùa Bổ Đà, điểm du lịch sinh thái Trường Đại học Nông-Lâm (Việt Yên); chùa Vĩnh Nghiêm, điểm du lịch Sân golf dịch vụ (Yên Dũng); khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, điểm du lịch cộng đồng bản Ven (Yên Thế); khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam); di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang); cụm di tích cây dã hương, đình, đền chùa xã Tiên Lục (Lạng Giang); điểm du lịch Làng Văn hóa Đông Bắc, huyện Lục Ngạn.
Giai đoạn 2016-2020, các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế thành lập hơn 10 HTX có hoạt động du lịch và 3 điểm DLCĐ. Cụ thể như Sơn Động xây dựng điểm DLCĐ tại thôn Nà Ó, xã An Lạc với 7 hộ tham gia. Tại Lục Ngạn vào mùa vải thiều, cam, bưởi, nhiều HTX, nhà vườn ở các xã: Thanh Hải, Tân Sơn, Quý Sơn liên kết với doanh nghiệp (DN) lữ hành xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đưa hàng nghìn lượt du khách về trải nghiệm.
Tại Yên Thế, HTX Thân Trường xây dựng điểm DLCĐ bản Ven, xã Xuân Lương với hơn 20 hộ thành viên. Chị Lý Thị Hợi, Giám đốc HTX cho biết HTX đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng 7 nhà sàn cộng đồng, 3 khu chức năng, vườn và xưởng sản xuất chè cùng nhiều hạ tầng thiết yếu khác. Hiện HTX có thể đón 1,5 nghìn khách/ngày (phục vụ ăn trưa) và 500 khách lưu trú qua đêm.
Theo ông Dương Hồng Cơ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa , Thể thao và Du lịch, hoạt động DLCĐ bước đầu đã đem lại thu nhập cho các HTX và người dân địa phương. Dù vậy, DLCĐ của Bắc Giang vẫn mang tính tự phát, chưa bền vững. Lý do là chưa có sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực đúng mức của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân nơi có khu, điểm du lịch.
Bên cạnh đó, các HTX, đặc biệt là cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch thiếu liên kết, chưa phát huy được những kiến thức, kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động sau khi được tập huấn, học tập mô hình DLCĐ tại tỉnh bạn.
Chính quyền hỗ trợ, DN, HTX và cộng đồng chung tay
Để khai thác tiềm năng du lịch, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đường vào điểm du lịch Bản Ven. |
Nội dung nêu rõ quan điểm phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng, sự quản lý thống nhất của chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy mạnh mẽ vai trò của DN, cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch.
Trong đó quan tâm phát triển DLCĐ để khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch phong phú, đặc sắc của địa phương, góp phần bảo vệ, phát huy tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Ngày 28/6/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 112-NQ/TU của Tỉnh uỷ. Đồng thời ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển DLCĐ (tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, các huyện, TP) và kế hoạch tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Mục đích hỗ trợ người dân kỹ năng, một số trang thiết bị phục vụ du khách; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, các điểm đón khách tham quan, xúc tiến thu hút đầu tư để phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch nông thôn, nông nghiệp sinh thái, làng bản tại các điểm có tiềm năng phát triển DLCĐ.
Hết năm 2021, 10/10 huyện, TP đã ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 112-NQ/TU của Tỉnh ủy và kế hoạch triển khai của UBND tỉnh. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động du lịch trong năm 2020 và 2021 gặp khó khăn. Lượng khách đến Bắc Giang chỉ đạt khoảng 400 nghìn người, bằng 40% so năm 2019.
Để loại hình DLCĐ của Bắc Giang phát triển bền vững, hiệu quả, vừa qua, UBND đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển DLCĐ tỉnh giai đoạn 2022 - 2030, với những định hướng, mục tiêu, giải pháp, quảng bá theo từng giai đoạn và mức hỗ trợ cụ thể cho 35 điểm thuộc các mô hình phát triển DLCĐ. Tổng kinh phí thực hiện hơn 150 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện và các HTX.
Bảo tồn và phát triển sự độc đáo, riêng có
Theo PGS. TS Bùi Thanh Thủy, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, Bắc Giang nên hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ nhằm khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp đầu tư vận hành các cơ sở lưu trú, ăn uống, dịch vụ tham quan, tìm hiểu truyền thống văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa.
DLCĐ là một công cụ xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH ở những vùng khó khăn. Loại hình này được xác định là một hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển du lịch nói chung, du lịch tại các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nói riêng. Nó thoả mãn ba yếu tố chân kiềng, đó là: Phát triển kinh tế, xã hội và môi trường tự nhiên. Với tiềm năng sẵn có, Bắc Giang hoàn toàn có thể phát triển DLCĐ, biến sản phẩm du lịch này thành “công cụ” làm giàu”. PGS. TS Bùi Thanh Thủy, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. |
Xây dựng chính sách đặc thù cho từng điểm, khu vực phát triển; chính sách thu hút đầu tư du lịch; chính sách khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống.
Bảo tồn và phát triển sự độc đáo riêng có của từng thôn bản, về di tích, danh thắng, về nếp sống và các ngành nghề thủ công truyền thống. Định hướng, khuyến khích làng nghề sản xuất các vật phẩm lưu niệm, mỹ nghệ, tránh sao chép.
Tăng cường phối hợp hoạt động liên ngành trong kiểm tra, giám sát nhằm khai thác hiệu quả nền văn hóa đa dạng các dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa của họ, đồng thời đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa giữa du khách và cộng đồng để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cải thiện đời sống, tạo cơ hội việc làm cho cư dân bản địa.
Định hướng, cơ chế đã rõ, kỳ vọng tỉnh và các địa phương sớm thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ DLCĐ. Chú trọng sử dụng và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ tham gia DLCĐ.
Bên cạnh đó, DN, HTX và thôn, bản cần chung tay khai thác các hoạt động giáo dục cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân. Đẩy mạnh liên kết du lịch với các tỉnh, hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch ở quy mô cấp vùng. Kết nối với các địa phương khác để tăng dòng khách, tạo hệ thống sản phẩm hỗ trợ và giảm chi phí cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Theo Báo BG