Những ngày tháng 6 này, tại một phố ẩm thực ở thị Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), cách biên giới Việt - Trung gần 20km, quả vải thiều của Việt Nam được bán với giá 40 tệ (khoảng 130 nghìn đồng)/kg, gấp 4 lần giá nhập tại vườn.
Ghi nhận ở "Thuỷ quả thành" Trung Quốc
Sau khi tiến hành thông quan thành công xe hàng container chở vải thiều vào Trung Quốc, qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, điểm đến của hầu hết các lái xe sẽ là Trung tâm Hoa quả thị Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
Nơi đây còn có biệt danh là Thủy quả thành (tức thành phố hoa quả), cách biên giới Việt - Trung khoảng 10km.
Theo khảo sát, giá vải thiều Việt Nam tại đây được thu mua với giá 60 nghìn đồng/kg; gấp đôi với giá thu mua tại vườn ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Từ đây, quả vải thiều cùng nhiều loại nông sản, hoa quả khác của Việt Nam sẽ được các thương nhân Trung Quốc phân phối sâu vào nội địa.
Tại một phố ẩm thực cách "Thuỷ quả thành" 7km (cách biên giới Việt - Trung gần 20km), giá vải tăng lên khoảng 40 nhân dân tệ/kg (khoảng 130 nghìn đồng), gấp 4 lần giá nhập tại vườn.
Sạp hàng bày bán quả vải thiều Việt Nam của bà Mã Thị Hoa. Ảnh: Trần TuấnBà Mã Tiểu Hoa, chủ một sạp hoa quả tại phố ẩm thực kể với phóng viên, bà nhập lô vải thiều từ trung tâm hoa quả Bằng Tường lúc sáng sớm.
"Dãy hàng hoa quả dài hơn 200m tại phố ẩm thực này đều cùng một mức giá 40 nhân dân tệ cho 1 kg vải Việt Nam, không hơn không kém. Mức giá này thay đổi theo ngày, phụ thuộc vào nguồn cung từ Lục Ngạn và các địa phương khác ở Việt Nam.
Tuần tới, vào chính vụ, giá vải có thể hạ đôi chút, song không thể dưới mức 30 NDT (khoảng 110.000 đồng) một kg", người phụ nữ có 10 năm kinh nghiệm buôn hoa quả tại khu phố này cho biết.
Vừa nói chuyện với phóng viên, khi có khách đi ngang qua, bà Mã rao hàng: "Mua đi, mua vải đi. Vải Việt Nam đầu mùa bao ngọt. Vài tiếng nữa hết hàng, muốn ăn thì trưa mai mới có...".
Vải thiều Việt Nam bày bán tại khu phố ẩm thực thị Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Ảnh: Trần TuấnỞ một góc khác, ông Lôi Sơn - chủ một sạp hoa quả cho biết, tại nhiều tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu..., quả vải là món ăn cao cấp của giới nhà giàu, được khách hàng đón chờ.
"Đi sâu vào nội địa, giá vải Việt Nam còn cao hơn nữa", ông Lôi Sơn cho hay.
Mặt hàng được ưu tiên xuất khẩu
Trung tá Trịnh Quang Hưng - Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết, từ trước vụ vải, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã lên biên giới, phối hợp với giới chức Lạng Sơn tìm hiểu năng lực thông quan.
"Hiện tại, quả vải là mặt hàng được ưu tiên xuất khẩu do nhanh chín. Đó cũng là một trong các nỗ lực tăng nhanh lượng thông quan ở Lạng Sơn", trung tá Trịnh Quang Hưng nói.
Hiện, các lực lượng ở cửa khẩu, phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thống nhất “công thức” ưu tiên thứ tự như sau: 40% xe nông sản nhanh chín, 30% xe chở hàng hóa khác, 30% xe container rỗng.
Container vải thiều Bắc Giang phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Trần TuấnCác lực lượng chức năng tại cửa khẩu Tân Thanh đã chuẩn bị phương án tiếp nhận, làm thủ tục cho 100 - 200 xe vải thiều/ngày lên cửa khẩu, đảm bảo thông thương nhanh chóng, công khai, minh bạch, tránh ùn ứ nông sản.
Theo Báo Lao động