Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Quần thể di tích lịch sử sẵn sàng cho các hoạt động đón du khách về dự Lễ hội kỷ niệm 139 năm Khởi nghĩa Yên Thế

Quần thể di tích lịch sử sẵn sàng cho các hoạt động đón du khách về dự Lễ hội kỷ niệm 139 năm Khởi nghĩa Yên Thế

Đứng dưới tượng đài uy nghi của vị anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt khởi nghĩa Yên Thế, mỗi người dân Yên Thế hay du khách thăm quan đều cảm nhận được âm vang và hào khí đấu tranh bất diệt của Cuộc khởi nghĩa Yên Thế ngày nào. Lịch sử của Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã đi qua được 139 năm. Yên Thế đang từng bước thay da, đổi thịt từng ngày trên tất cả các mặt từ kinh tế, đến văn hoá - xã hội… nhưng di tích lịch sử của Cuộc khởi nghĩa Yên Thế vẫn còn đó như bản anh hùng ca bất diệt về lòng yêu nước.

Lễ hội Yên Thế được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 17/3 dương lịch

Quần thể Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt khởi nghĩa Yên Thế nằm ở trung tâm thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế. Ngay khi đặt chân lên địa bàn của thị trấn Phồn Xương, mỗi chúng ta như cảm nhận rõ những âm vang và lời thề một lòng đánh đuổi thực dân Pháp của đội quân “Hùm thiêng Yên Thế”, bởi các con phố dẫn tới Khu di tích đều được Nhân dân Yên Thế đặt bằng tên của các vị thủ lĩnh anh hùng và nhiều tướng tài của nghĩa quân Yên Thế, đó là: Phố Hoàng Hoa Thám, phố Bà Ba (bà Ba Cẩn, vợ ba Đề Thám), phố Cả Trọng, Cả Dinh (các con của Hoàng Hoa Thám), phố Đề Nắm (một vị tướng nghĩa quân)… 

Nghi thức tâm linh (phần lễ) được tổ chức tại khu tượng đài linh thiêng anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám

Trong quần thể Khu di tích, nổi bật ở trung tâm là Tượng đài Hoàng Hoa Thám đứng uy nghi ngay trước Nhà trưng bày (toàn bộ tượng đài cao hơn 10m, gồm có phần tượng bằng chất liệu Đồng chân dung vị thủ lĩnh và bệ tượng), phía trước Tượng đài là Đền Thề, nơi nghĩa quân Yên Thế tổ chức rước sách, tế lễ và cắt máu ăn thề làm lễ xuất quân đánh Pháp. Trong các nghi lễ Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân tổ chức ở Đền Thề thường gồm các nghi lễ chính, đó là: Lễ cầu may (Hoàng Hoa Thám tổ chức thăm viếng các thân nhân tử sĩ của nghĩa quân); Lễ cầu siêu (Hoàng Hoa Thám mời tăng ni đến làm lễ cho các tử sĩ); Lễ tế cờ (thể hiện quyết tâm đánh giặc của nghĩa quân). Phía sau Tượng đài là Nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của Cuộc khởi nghĩa Yên Thế như súng kíp, mã tấu... cùng các đồ dùng sinh hoạt như mâm đồng, bình lọ, ấm, chén uống nước… của nghĩa quân. Các hiện vật đã phần nào mô tả được cuộc sống, chiến đấu đầy những khó khăn, gian truân của nghĩa quân anh hùng một lòng nặng tình nước non theo vị Thủ lĩnh áo vải đánh giặc. Bên cạnh hình ảnh và các hiện vật của Cuộc khởi nghĩa tại Nhà trưng bày còn ghi câu nói nổi tiếng của Hoàng Hoa Thám: "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng".

Đối diện với Đền Thề là Đồn Phồn Xương, Đồn được Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân xây dựng năm 1892, trấn giữ con đường độc đạo đi vào căn cứ nghĩa quân. Trước Đồn là một hồ nước. Đồn rộng khoảng hơn một mẫu gồm luỹ trong và luỹ ngoài. Vòng luỹ ngoài đắp sát lũng đồi và chạy quanh chân đồi, đỉnh đồi, chỗ dày 0,80m, cao 4 m. Vòng luỹ trong bao quanh lấy khu vực đồi theo hình chữ nhật; tường phía Đông dài 71m, phía Bắc dài 85m, chân dày 2m, cao 3m. Phía trong luỹ có ba cấp để bắn ở ba tư thế khác nhau: Đứng, quỳ, nằm. Phía trong có ụ chắn trổ lỗ châu mai và trạm gác. Qua cách thức bố trí xây dựng Đồn có thể thấy rõ tư duy quân sự nhạy bén của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa binh trong chiến đấu chống giặc Pháp. Từ Đồn Phồn Xương, với địa thế trên cao có thể bao quát tầm nhìn khu vực rộng lớn nhiều chiến luỹ thông nhau tạo ra thế liên hoàn để đánh giặc và ứng cứu khi giặc tấn công. Đây cũng là trung tâm chỉ đạo đường lối chiến lược, chiến đấu của Nghĩa quân. Bên cạnh Đồn Phồn Xương còn có các đồn: Hồ Chuối (cách khoảng 1.000m), Am Đông, Trại Cọ, đồn Hom…

Di tích Đồn Phồn Xương

Với hệ thống đồn luỹ được bố trí kiên cố, đây là nơi vị thủ lĩnh áo vải đã từng làm khốn đốn giặc Pháp. Thăm quan Đồn Phồn Xương cho ta những cảm nhận sống động về tinh thần yêu nước, quyết tâm chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế. Khởi nghĩa Yên Thế kéo dài từ năm 1884 đến năm 1913 thì bị giặc Pháp đàn áp rồi thất bại. Tuy nhiên, đây là Cuộc khởi nghĩa kéo dài nhất trong lịch sử chống Pháp diễn ra cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, là biểu tượng thiêng liêng về lòng yêu nước, tinh thần quật khởi của Nhân dân Yên Thế cũng như dân tộc Việt Nam trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp trong thời kỳ trước khi có Đảng.

Với những vai trò to lớn của Cuộc khởi nghĩa Yên Thế và giá trị của hệ thống di tích có liên quan, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận "Di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế" là Di tích Quốc gia đặc biệt. Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã được nâng cấp, trùng tu ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn (như: Tượng đài người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám được thay từ chất liệu xi măng cốt thép thành chất liệu Đồng; đầu tư xây dựng Đình Ba tầng mái; đầu tư nâng cấp Nhà trưng bày, sân và các công trình thiết yếu khác...). Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thăm quan, thưởng ngoạn của du khách thập phương.

Để tưởng nhớ những cống hiến và hy sinh xương máu của vị thủ lĩnh tài ba và nghĩa quân cho nền độc lập của dân tộc; năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cuộc khởi nghĩa Yên Thế, được sự cho phép của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Bắc, Lễ hội Yên Thế đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Yên Thế tổ chức. Từ đó đến nay hàng năm vào dịp kỷ niệm Cuộc khởi nghĩa Yên Thế 16/3, Lễ hội đều được tổ chức trong các ngày 15, 16 và 17/3 (Dương lịch) với phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức vào chiều 15 và sáng 16/3 (gồm lễ dâng hương tưởng niệm các nghĩa sĩ hy sinh trong Cuộc khởi nghĩa Yên Thế, lễ tế cờ, lễ phóng ngư, phóng điểu...). Phần hội diễn ra cả trước và trong Lễ hội với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao truyền thống kết hợp với hiện đại (như: Hội diễn văn nghệ quần chúng, thi mặc trang phục dân tộc đẹp, hội trại truyền thống, chọi dê, cưỡi ngựa bắn nỏ, bóng đá nam, bóng đã nữ, bóng bàn, cờ tướng, cờ người, đẩy gậy, kéo co, võ dân tộc,...).

Các hoạt động Văn hóa, văn nghệ, TDTT được tổ chức ngay từ những ngày đầu năm 2023
để hướng tới kỷ niệm 139 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế

Nhân dịp kỷ niệm 139 năm Cuộc khởi nghĩa Yên Thế, ngày 14/12/2022 vừa qua UBND huyện Yên Thế đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND về tổ chức Lễ hội Yên Thế năm 2023. Thông qua việc tổ chức Lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các giá trị tốt đẹp về văn hóa, kinh tế, xã hội, tiềm năng du lịch của huyện và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, góp phần phát triển du lịch và thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2023 và những năm tiếp theo. Đây là sự kiện văn hóa đặc biệt, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta, qua đó bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Bằng sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền huyện Yên Thế; chúng ta tin tưởng rằng các hoạt động tại Lễ hội kỷ niệm 139 năm khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884-16/3/2023) sẽ được tổ chức thành công tốt đẹp, bảo đảm trang nghiêm về phần nghi lễ, đa dạng và phong phú về phần hội, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân và du khách thập phương về thăm quan, dự Lễ hội./.

Theo yenthe.bacgiang.gov.vn

Lượt xem: 922