Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Sơn Động: Đưa sản phẩm OCOP đến với du khách

Sơn Động: Đưa sản phẩm OCOP đến với du khách

Cùng với thu hút đầu tư vào du lịch, huyện Sơn Động (Bắc Giang) có nhiều chính sách định hướng, khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP gắn với các di tích. Hướng đi này không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh, thị trấn Tây Yên Tử liên kết với người dân cung cấp nguyên liệu đầu vào để chế biến sản phẩm gắn với lợi thế địa phương. Đến nay các sản phẩm: Mật ong Tây Yên Tử, măng mai, nấm lim xanh và rượu nấm lim xanh đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng tỉnh công nhận đạt OCOP, trong đó mật ong được công nhận 4 sao, còn lại là 3 sao. 

Gian trưng bày các sản phẩm của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh.

Được biết, ngay sau khi có chứng nhận OCOP, HTX quan tâm quảng bá, giới thiệu tại nhiều điểm du lịch của huyện, tỉnh và các địa phương khác như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Qua đó tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường, được nhiều người đặt hàng. 

Ví như dịp Tết Nguyên đán vừa qua, HTX cung cấp ra thị trường hơn 1,5 tấn măng mai khô. “HTX đang khảo sát diện tích trồng tre tại các địa phương trong huyện và một số khu vực ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) để tạo nguồn nguyên liệu. Quan tâm nâng hạng các sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Với lợi thế có nhiều điểm du lịch nên đây là cơ hội lớn để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, làm quà tặng cho du khách”, ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh cho biết.

Theo thống kê, huyện Sơn Động có 7 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó rượu men lá Thảo Mộc Linh, rượu men lá Như Bảo, nấm lim xanh Tây Yên Tử, măng mai khô, rượu nấm lim xanh, mật ong rừng Sơn Động đạt 3 sao; mật ong Tây Yên Tử đạt 4 sao. Đáng chú ý các sản phẩm đều được đánh giá cao. Tiêu biểu như sản phẩm mật ong và nấm lim xanh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh được Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam bình chọn, trao danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Cùng với tập trung nâng hạng các sản phẩm đã được công nhận, năm 2022, UBND huyện ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP, trong đó ưu tiên những sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng lợi thế như: Dược liệu, gà, miến dong, hương nến, trà nấm lim xanh... Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tuấn Đạo nói: “Toàn xã có hơn 4 ha cây dong riềng và đang quy hoạch vùng trồng thêm 17 ha. Để miến dong được xếp hạng OCOP trong năm nay, cùng với lựa chọn giống tốt, chúng tôi hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng tốt nhất".

Từ những tiềm năng, lợi thế, huyện Sơn Động coi phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch là nhiệm vụ trọng tâm. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI xác định hai chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: Tập trung phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng về du lịch; ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch. 

Theo đó, huyện phấn đấu mỗi năm xây dựng 1 đến 3 sản phẩm OCOP; đến năm 2025 có thêm 10 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, 4 sao; thu hút trên 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó 40 nghìn khách lưu trú. Nhằm thực hiện mục tiêu trên, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 36 về phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch cộng đồng. 

Trước mắt, năm 2022, UBND huyện dành 1 tỷ đồng hỗ trợ 5 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng tổ dân phố Mậu (thị trấn Tây Yên Tử); tổ chức tập huấn, học tập mô hình, hỗ trợ hạ tầng, công trình nhà vệ sinh, nhà tắm ngâm thuốc lá người Dao. 

Đồng thời mời gọi thu hút đầu tư xây dựng dự án công viên rừng sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí với quy mô 1 nghìn ha thuộc sườn Tây dãy núi Yên Tử; quy hoạch khu nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm Đồng Cao. Bên cạnh đó, bảo tồn nghề thêu ren, lễ cấp sắc, trang phục, chữ viết, tiếng nói của người Dao và một số tập quán sinh hoạt của dân tộc Tày, Nùng.

Để phát triển sản phẩm OCOP, hằng năm, huyện sẽ trích ngân sách nhằm khuyến khích các chủ thể sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh với định mức 100 triệu đồng/sản phẩm đạt 3 sao; 130 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao và 200 triệu đồng/một sản phẩm đạt 5 sao. 

Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động cho biết: “Để triển khai hiệu quả chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, các tổ chức thấy được giá trị kinh tế, nhân văn khi tham gia. Huyện ưu tiên nguồn lực xây dựng các điểm du lịch, trưng bày các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương. Thu hút tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh mở các tour du lịch đến huyện”.

Theo CTTĐT Sơn Động
Lượt xem: 1347