Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm qua khối tư liệu mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm

Sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm qua khối tư liệu mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm có tên Nôm là chùa Đức La nằm ở thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang do tam tổ Trúc Lâm (Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa tôn giả, Huyền Quang Lý Đạo Tái) xây dựng thành thiền viện, chốn tùng lâm đào luyện tăng đồ từ cuối thế kỷ 13 và đến nay giữ vai trò là chốn tổ.

          Nằm ở ngã ba sông Lục Nam và sông Thương, còn gọi là ngã ba Phượng Nhãn (ngã ba Mắt Phượng), đây là vị thế rất đẹp có long, phượng chầu về, bên trái có sông Lục Nam, bên phải là núi Đèo Giẻ, phía sau có núi có Cô Tiên, trước mắt là thông Thanh Long, phía ngoài là thôn Thanh Long là ngã ba Phượng Nhãn, tiếp nữa là nơi hội tụ của 6 con sông hợp thành dòng sông Lục Đầu Giang, thực là nơi sơn thủy hữu tình. Theo tấm bia san khắc tại chùa cho biết, nơi đây vào thời Lý đã có ngôi cổ tự, chùa ấy có tên Chúc Thánh, đến thời Trần đổi là Vĩnh Nghiêm ( với ý nghĩa là nơi mãi mãi tôn nghiêm). Dấu tích của chùa thời Lý, thời Trần còn thấy được qua các di vật như: chân tảng đá hoa sen, những mảnh đất nung lá đều có hình con phượng…

 

          1.Sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm qua khối tư liệu Hán Nôm tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)

          Chùa Vĩnh Nghiêm ra đời trên cơ sở một ngôi chùa thời Lý. Ba vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm đã lấy nơi đây khai tràng thuyết pháp giảng đạo, lập tổ thống nhất giáo hội theo dòng Trúc Lâm. Kinh Đô Phật giáo Trúc Lâm đóng ở núi Yên Tử, còn chùa Vĩnh Nghiêm với vai trò là nơi đào luyên tăng ni cua Thiền phái trong cả nước. Tại ngôi chùa này, cả ba vị sư tổ của thiền phái Trúc Lâm là Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang đã về đây thuyết pháp, truyền thừa. Thiền phái Trúc Lâm ra đời lấy phương pháp tu hành “thiền tâm” là chính, giáo lý nằm trong sách “Khóa hư lục” và bài kệ “ Cư Trần lạc đạo”  của Trần Nhân Tông, bài này hiện vẫn còn ở kho báu ván in lưu giữ tại Chùa. Nội dung quốc âm như sau:

                             Cư Trần lạc đạo thả tùy duyên

                             Cơ tắc san hề, khốn tắc miên

                             Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

                             Đối Cảnh vô tâm mặc vấn thiền.

          Nghĩa là:

                             Ở đời theo đạo cũng tùy duyên

                             Đói thời ăn nhé, mệt nghỉ liền

                              Trong nhà có của thôi đừng kiếm

                             Vô tâm trước cảnh chớ hỏi thiền.

          Bài thơ là sự phá bỏ lối tu hành khổ hạnh tu cho cá nhân mình, nó mở ra hướng tu mới, đó là tu ở tâm – tâm là Phật, Phật là tâm. Lối tu ấy ở núi non cũng được mà xuống tận nhà dân cũng chẳng sao. Phật tới tận tâm người mới quý, kết nhân tâm lại thành một kết đoàn Phật giáo mới là trọng, là đạo, việc đạo cũng là việc của dân, việc quốc gia.

          Để quảng giáo tư tưởng này, Trần Nhân Tông đã giáo huấn mọi người nên dùng quốc ngữ ( chữ Nôm) và lấy quốc ngữ để truyền đạo. Về việc này ở Chùa nay vân còn tác phẩm “ Trần triều thiền tâm chỉ nam truyền quốc tâm quốc ngữ hạnh của Chân Nguyên Thiền sư”. Ý nghĩa của bài này là dùng quốc ngữ ( chữ Nôm) nói rõ những vấn đề căn bản của Thiền Tông để dễ nhập tâm, nhập thế để mọi người dễ theo, chứ cứ dùng âm chữ Nho, chữ Phạm thì mấy ai biết. Tất nhiên, việc tụ tập mở rộng thì các vị tăng ni và mọi người cũng phải tham cứu các kinh khác gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc, điều này trong lời dẫn bộ “ Yên Tử Nhật Trình” ( dẫn) nói rằng: “ Núi Yên Tử là nơi nhà Trần sáng lập ra “ Thiền Tông Chỉ Nam” được sử dụng phổ biến trong việc truyền tâm. Tự dẫn: cũng nghe thấy rằng: trước đây vào thời Hán, An Kỳ Sinh là bậc chân nhân đã chọn nơi ở của mình trên núi này để mà luyện tập khiến cho mình sau này được thành tiên, dấu tích vô cùng linh ứng”.

          Đến thời Trần, các trạng nguyên, tể tướng cùng các vị cao tăng, danh sĩ đã lánh đời để lòng ngộ đạo, đã cùng nhau tới núi này một lòng để tu theo đạo thiền để tìm thấy con đường tắt. Vì thế cho nên từ bậc đế vương cho đến danh sỹ đều tức cảnh mà làm thơ ca ngợi việc đó, làm phù, làm lời ca, đoản khúc, trường thiên… Không ai là không khen ngợi cảnh đẹp tuyệt trần vào bậc “ Đệ nhất trời Nam”. Buồn thay, nhà Trần đã sáng lập nên các chùa Phật để làm nơi tịnh xá, mà vật đổi sao dời, đến nay đã bị đổ nát hết. Vả lại nhìn vào trời đất khí số, phế tất có hưng, nay Tăng Thanh Minh ở chùa Hoa Yên vốn là người Phù Lãng đã ứng viên duyên tới nơi này, tùy theo sức lực mà trù hoạch công việc.

          Vào năm Gia Long thứ tư (1851) tăng chùa là Tuệ Thân trụ trì chùa Hoa Yên cùng với thầy trò in sách để lưu truyền. Đến nay lại bị mất đi không còn giữ được nguyên bản. Thiết nghĩ, các vua Trần đều mộ đạo, quả thực là hiếm thấy có người hiểu rõ được bản truyền ( bản gốc). Nay đã chú tâm tìm được người giũ được bản truyền ( bản gốc truyền ) nguyện khắc vào gỗ để lưu truyền rộng rãi. Vì thế, lần thứ ba lại in sách, lược làm đại dẫn. Người học sau ở chùa Vĩnh Nghiêm là Tỳ Khâu, tự là Thanh Hanh trực tiếp ghi lời đại dẫn vào ngày tốt giữa tháng 3 niên hiệu Bảo Đại thứ 7 (1932). Bài dẫn này cho biết nguồn gốc bản “ Trần triều Thiền Tông chỉ nam truyền tâm quốc ngữ” có từ thời các vua Trần được khắc in truyền lần 1, đến đời sư Thanh Minh cho khắc lần 2 và đến đời cụ Thanh Hanh là cho khắc lần 3. Ở lần ba có thêm lời đại dẫn để chỉ rõ việc làm còn nội dung nguyên bản cũ.

          Bản truyền nêu trên nói rõ quá trình vào núi Yên Tử của vua Trần Nhân Tông và sự truyền y bát cho 2 thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang. Kết luận đã xác định: “ Nam mô Ai Di Đà Phật, Yên Tử sơn đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà, Tuệ Tĩnh Giác Hoàng Điều Ngự chư phật”. Trong bản truyền ấy và cũng ngay từ đầu Trần Nhân Tông cũng là tu ở tâm. Sách ấy viết:

                             “ Trẫm làm hoàng đế quốc gia

                             Kim ngân châu báu đề đa thiếu gì

                             Lòng trẫm thấy của mang chi

                             Thân người ảo hóa được thì bao lâu

                             Lại lo phụ mẫu trước sau

                             Đạo thâm đức hậu lấy gì báo ân

                             Nay trẫm tìm vào sơn lâm

                             Tu cầu làm bụt chăng toan chút nào

                             Thầy thấy vua thốt cảm sao

                             Thiền Tông chỉ bảo hiển cao sự lòng

                             Sơn vốn vô phật làm xong

                             Phật ở trong lòng bụt ở mỗ tâm”.

          Như thế trong kho ván in kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm đã nói rất rõ việc ra đời của Thiến Phái Trúc Lâm tại phẩm “ Trần triều Thiền Tông chỉ nam truyền tam quốc ngữ hạnh” và quan điểm tu hành của Trần Nhân Tông. Quan điểm đó là đưa đạo Phật về với dân, hợp với lòng dân, lòng người. Do đó, trong suốt quá trình tu hành của ngài, các ngôi chùa được xây dựng đều theo xu thế chuyển từ núi cao về gần với dân hơn, tức là về gần làng xã hơn với nhận thức: Đất vua, chùa làng.

          2. Sự phát triển của Thiền Phái Trúc Lâm qua khối tư liệu mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm ( Bắc Giang)

          Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm với ba vị sư tổ đã rõ trong “Thiền Tông chỉ nam”, bài kệ “ Cư Trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông và qua việc xây dựng chùa tháp ở khắp nơi. Nhưng sự tiếp nối, phát triển thiền phái này tiếp tục thế nào? Trong kho ván kinh ấy, còn có bài “ Cư Trần lạc đạo phú”. Đó là bài tiếp theo bài kệ, mở rộng ý nghĩa bài kệ ấy, bài phú này nói ở mục đệ nhất hội rằng:

                             “Mình ngồi thành thị                

                             Nết dựng sơn lâm

                             Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính

                             Nửa ngày rồi lại tại thân tâm…”

          Đó là sự phát triển ý tưởng, tư tưởng. Ngồi ở thành thị mà tính cách ở sơn lâm thì khác gì tu ở núi cao. Chỗ phồn hoa ồn ào mà vẫn “ lặng”, vẫn “ an nhàn”, “ tự tại” thì rõ cảnh thiền tâm vậy. Tu tâm phải tu như thế, giữa chợ mà lòng vẫn yên, chẳng bị cảnh chợ lôi kéo, chẳng bị nhiễm bụi trần. Bài phú này khá dài gồm 10 mục, mỗi mục khoảng 15 câu. Chừng câu thứ 150 nói rõ thêm ý tứ cảu bài “ Cư trần lạc đạo “ thì đó chính là ý phát triển tư tưởng của thiền phái lần thứ nhất.

          Lần thứ hai, trong kho ván kinh lại phải kể tới bài “ Đắc thú lâm truyền thành đạo ca”. Bài này muốn nói rằng việc đạo đã thành thì vui với suối, với rừng thì thật sung sướng. Nói thì nói thế nhưng đó lại là việc đời, việc đạo. Ấy là:

                             “Ngồi trong trần thế

                             Chẳng quản sự đời

                             Văng vẳng ngàn kia

                             Dầu lòng dong dả

                             Học đòi chư phật

                             Cho được viên thành”

          Ý rằng, giữa chốn trần thế mà vẫn nghe thấy tiếng chư Phật ở núi cao vọng về mà học theo cho được thành đạt, viên mãn, vẫn là theo ý Thiền Tông.

          Lần thứ ba: Lại phải kể tới bài “ Yên Tử Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả vinh Hoa Yên tự đề”. Bài này là của vị sư tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm đề bút, do trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chép lại.

          Tiếp nữa phải kể tới bài “ Giáp tử phú”. Bài này có ý nghĩa mở nghĩa tiếp nối bản “ Trần triều Thiền Tông chỉ nam truyền tâm quốc ngữ hạnh”. Nội dung và ý tưởng là: Đem tư tưởng của các tổ truyền tới các đệ tử sau này và cả chúng sinh phật tử. Đáng lưu tâm ở bài này là ở câu cuối kể rằng:

                             “Ai làm tham lợi

                             Phú quý nhiều bề

                             Gặp một tay không

                             Thấy đâu tiền bạc

                             Chớ còn lố lăng

                             Làm hại khốn dân

                             Xá cốc tu thân”.

          Ở đây lòng tham đối với tâm trong sáng thì còn đâu mà lố lăng, còn đâu mà hại dân, hại nước nữa, liệu mà lo việc tu thân, mà việc tu thân đầu tiên là việc tu tâm vậy. Cứ như thế, tư tưởng phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm còn được tiếp nối ở các sách như: “ Yên Tử Nhật trình”, “ Thiền tịch phú”…

          Bên cạnh đó, kho ván in còn cho biết các tăng ni còn tham cứu các kinh sách sau như:

          - Kinh đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm sớ sao cho huyền đàm, khắc năm 1412; kinh Tùy kheo ni giới, khắc năm 1881; Thần du Tây Phương ký; Tây Phương truyện mỹ nhân, khắc năm 1873. Những kinh này kể về cuộc đời đức phật Thích Ca hy sinh hạnh phúc để theo con đường đạo Phật.

          - Kinh thuyết A Di Đà sớ sao. Đây là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh Độ Tông. Kinh này được lưu truyền rộng rãi ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản.

          - Kinh giới luật, khắc năm 1871. Gồm các điều luật răn dạy các sư nữ theo đạo.

          - Sách kinh tín lục, khắc năm 1703, có nội dung gồm các bài kinh ngắn, văn, giáo huấn, đạo giáo, y dược…

          - Đại thừa chỉ quán thuật ký, khắc năm 1934. Nội dung sách này nói về phép tu của Thiên Thai Tông.

          - Kinh Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm hội bản, đời Minh soạn, khắc năm 1887

          Như vậy, cho tới giai đoạn sau, Thiền Phái Trúc Lâm ngoài việc duy trì tư tưởng của thiền phái còn tham cứu thêm các kinh sách đạo phật khác như đã nêu trên. Điều đó cho thấy Thiền Phái Trúc Lâm tuy giữ đạo nhà nhưng vẫn hôi nhập với đạo Phật chung của thế giới.

          3. Kết luận

          Có thể nói rằng qua khối tư liệu mộc bản của Thiền phái Trúc Lâm hiện còn lưu giữ ở chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang đã cho thấy:

          - Các tư liệu trong kho ván in kinh đã cho biết rõ về sự ra đời và tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm.

          - Sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử và chứng minh rằng Thiền phái Trúc Lâm có bản sắc văn hóa dân tộc riêng trên cơ sở tiếp thu tinh  hoa của đạo Phật thế giới và có tinh thần hội nhập.

          - Các tư liệu ở chùa Vĩnh Nghiêm ( Bắc Giang) khá đầy đủ và nguyên vẹn, vì vậy rất cần được các cấp, các ngành quan tâm bảo tồn và phát huy.

           Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang mong rằng các cấp, các ngành trung ương cũng như bạn bè quốc tế quan tâm đến khối tư liệu mộc bản còn lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm ( Bắc Giang ). Đây cũng là một trong những tiền đề quan trọng để tỉnh Bắc Giang xây dựng hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc ( UNESCO) xem xét, công nhận các mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm( Bắc Giang) là Di sản tư liệu thế giới.

  ThS. Hoàng Thị Hoa

 

Ngày cập nhật: 23/09/2014 Lượt xem: 607