Thông tin du lịch Bắc Giang

Thăm thẳm núi Huyền

“Cõi trần đúc một cảnh tiên/ Núi Huyền, sông Lục dấu thiêng đời Hùng”. Dải Huyền Đinh thuộc vòng cung Đông Triều, chạy dọc theo phía Nam là huyện Đông Triều (Quảng Ninh), chạy theo phía Bắc là các xã của huyện Lục Nam (Bắc Giang), thế núi như bức tường thành hùng vĩ. 

Xưa kia, Huyền Đinh được coi là trấn sơn của huyện Phượng Nhỡn. Hệ thống đồi núi hùng vĩ, cảnh quan sinh động, khí hậu mát mẻ, môi trường trong lành…, núi Huyền Đinh được coi như là biểu tượng của quê hương Lục Nam (Sông Lục, Núi Huyền). Núi ẩn chứa biết bao điều huyền thoại, kỳ bí. Trải qua những biến động của lịch sử, thiên nhiên, những vỉa trầm tích vẫn lấp lánh thu hút sự chú ý của không ít nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và khách thập phương.

Sông Lục, núi Huyền.

Sông Lục, núi Huyền.

Vào thế kỷ XIII Phật giáo phát triển, các ngôi chùa có kiến trúc bề thế được xây dựng ở vùng núi Huyền Đinh thuộc huyện Lục Nam, do chính các tổ của Trúc Lâm Phái xây dựng. Tuy nhiên do thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, hầu hết các ngôi chùa bị đổ nát, hoang phế, chỉ còn lại các dấu tích như nền móng, vật liệu cổ: Chùa Sơn Tháp, thuộc xã Cẩm Lý, đây chính là ngôi chùa thiền sư Pháp Vân đã viên tịch.

Chùa Yên Mã, thuộc xã Bắc Lũng, còn lại nền móng cho thấy quy mô kiến trúc công trình đồ sộ, chùa nhìn về hướng Côn Sơn, Kiếp Bạc. Chùa Bát Nhã (Bình Long Tự) thuộc xã Huyền Sơn nằm trên núi Bát Nhã, ngọn núi cao do chính các vị cao tăng tu thiền tại đây đặt tên. Chùa Hồ Bấc, xã Nghĩa Phương nằm trên độ cao chừng 600 m, được xây dựng vào thời Trần, nằm trong quần thể khu danh thắng Suối Mỡ, giữa rừng núi bạt ngàn, cảnh quan chốn thiền đẹp tựa bức tranh… 

Núi Huyền Đinh còn được coi là bức tường thành che chắn những cơn bão từ biển Đông đi vào đất liền cho vùng đất phía Bắc. Núi Huyền như chàng trai cường tráng, dang cánh tay dài rộng che chở những tai họa từ thiên nhiên đối với cuộc sống con người nơi đây.

Dãy Huyền Đinh có khu di tích Suối Mỡ, tương truyền là nơi công chúa Quế Mỵ Nương dùng năm ngón tay của mình ấn xuống dải núi Huyền Đinh và 5 ngọn thác bất ngờ hiện ra ầm ào tuôn chảy để cứu hạn cho dân. Theo truyền thuyết, công chúa còn ngự ở nơi đây dạy dân làm lúa nước, chăn tằm, dệt vải… Rồi đến một ngày, bà cùng đoàn tùy tùng đi sâu vào chốn rừng thiêng hùng vĩ và hóa vào mây trời, cỏ cây, hoa lá của đại ngàn Yên Tử. 

Tưởng nhớ công lao, tấm lòng bao dung, nhân hậu của công chúa, nhân dân nơi đây đã suy tôn bà là Thánh Mẫu thượng ngàn, lập ba ngôi đền thờ bà dọc triền Suối Mỡ. Hằng năm vào dịp cuối tháng Ba (âm lịch), nhân dân địa phương mở lễ hội tưởng nhớ công ơn của công chúa Quế Mỵ Nương.

Nơi đây còn có các địa danh như Đấu Đong Quân, Bãi Quần Ngựa, suối Đá Mài Gươm, tương truyền là nơi luyện tập kỵ mã của quân đội nhà Trần. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng các tướng lĩnh thân tín lập đại bản doanh để chặn đứng mũi tiến quân của bọn xâm lược Nguyên, Mông từ ải Chi Lăng kéo về Vạn Kiếp nhằm tiến về Thăng Long, những chứng tích trên minh chứng tài thao lược và cầm quân của tướng quân Trần Quốc Tuấn trên đỉnh Huyền Đinh. Để tưởng nhớ chiến công hiển hách này, người dân đã lập đền thờ ông mang tên đền Trần.

Dải Huyền Đinh còn là nơi nuôi dưỡng, huấn luyện, che giấu các lực lượng bộ đội, dân quân du kích địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hình ảnh các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng du kích địa phương xuất quỷ nhập thần, ban ngày ở trên rừng Huyền Đinh, ban đêm bất ngờ tấn công các bốt Gốm, Tai Voi, Chỉ Tác…, làm cho quân Pháp ngày đêm kinh hồn bạt vía. Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, các đơn vị bộ đội như trung đoàn 568 đã huấn luyện dọc dải Huyền Đinh rồi sau đó hành quân qua đèo Trê, ra ga Tiền Trung (Hải Dương), rồi vào Nam chiến đấu.

Đền Thần Nông, xã Cẩm Lý (Lục Nam).

Đền Thần Nông, xã Cẩm Lý (Lục Nam).

Các trường đại học như Thủy lợi, Giao thông cũng được cấp trên bố trí sơ tán về khu vực Huyền Đinh tránh bom của máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Núi Huyền Đinh như mái nhà chung của quân, dân, trí thức và các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Quảng Hồng (Quảng Ninh) đã đặt trụ sở làm việc trong những năm tháng chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Núi Huyền Đinh còn được coi là bức tường thành che chắn những cơn bão từ biển Đông vào đất liền; như chàng trai cường tráng dang cánh tay dài rộng che chở cho cuộc sống con người nơi đây.

Những năm qua Huyền Đinh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo gìn giữ màu xanh cho núi, như giao đất rừng cho người dân địa phương trông coi bảo vệ, quy hoạch chuyển hàng nghìn ha đất rừng kinh tế sang rừng đặc dụng để bảo vệ rừng đầu nguồn và phát triển khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, làm tốt công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, bảo tồn phát triển các loài cây bản địa…. bảo đảm cho tấm áo khoác trên mình dãy Huyền Đinh xanh ngát bốn mùa, để núi Huyền thực sự là lá phổi xanh cung cấp dưỡng khí cho con người và vạn vật nơi đây.

Theo Báo Bắc Giang

Ngày cập nhật: 14/12/2020 Lượt xem: 613