Từ trung tâm thành phố Bắc Giang, theo đường 293, tuyến Bắc Giang - Lục Nam, đến thị trấn Đồi Ngô xuôi theo Quốc lộ 37 theo hướng Lục Nam - Sao Đỏ (tỉnh Hải Dương), đi khoảng 15km xã Cẩm Lý, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Kinh và một số đồng bào các dân tộc Hoa, Mường, Sán Dìu. Từ đây, rẽ trái, theo con đường trải nhựa đi về hướng núi là đến vực Rêu. Vực Rêu vốn là tên gọi của một vực nước sâu nằm gọn dưới khe núi Lòng Thuyền có chiều dài chừng 3km, hai bên bờ đều là núi thuộc địa phận thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý. Hành trình lên Vực Rêu phải đi theo từ hạ nguồn suối leo dần lên thượng nguồn bằng con đường mòn ven lưng chừng núi hiểm trở, gập ghềnh. Hai bên suối là những thảm cỏ xanh mướt, không khí khô ráo, mát mẻ lạ lùng. Hai bên con suối là những cánh rừng thông hiên ngang mọc trên vách đá. Gió từ non thiêng Yên Tử thổi về làm tiếng thông reo rì rào, cất lên những bản hòa tấu thánh thót từ thiên nhiên.
Thảm thực vật hai bên suối khá phong phú, như: Sim, mua, trúc, bìm bìm... Trên vách đá thỉnh thoảng ta lại bắt gặp những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi với những rễ cây to xù xì ôm chặt vào vách, vừa hiên ngang vừa kiêu dũng, những dải lá thả xuống lòng suối mềm như liễu rủ…
Khi đến vực Rêu du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây “Tình yêu’’- vốn là hai loài cây cổ thụ quấn vào nhau tạo thành thế đứng vững chắc, mặc phong ba, bão táp, nắng mưa nhuần gội, mặc những thách thức của đá, của thác nước và của thời gian cây vẫn đứng đó, xanh tốt, quấn quýt bên nhau hiên ngang sừng sững trên đỉnh thác nước. Càng đi dần lên cao lòng suối lúc thắt lại, lúc phình to. Vào mùa xuân, suối ít nước chỉ có mạch nước nhỏ mát lạnh từ thượng nguồn, len lỏi qua những kẽ đá chảy róc rách suốt đêm ngày, hai bên vách đá có dịp phô hết những nét đẹp khỏe khoắn thiên tạo của mình. Lòng suối chỗ này là những mô đá nhỏ lô xô chạy giật cấp như chân ruộng bậc thang của đồng bào vùng cao; chỗ kia nằm dưới làn nước trong veo là những tảng đá to, nhỏ nằm bên nhau với đủ hình dạng: Hòn thì tròn trịa, sáng bóng; hòn thì rêu phong phủ đầy; hòn thì giống hình con cá, lại có chỗ là những tảng đá phẳng lỳ… Đặc biệt, như một sự kỳ thú của thiên nhiên, soi mình dưới làn nước trong vắt là rất nhiều loài bướm với đủ màu sắc, tiếng chim hót véo von, trong trẻo khiến ta có cảm giác được trải lòng hòa cùng với thiên nhiên…
Không biết từ bao giờ thác nước này đã xối xả khoét sâu vào lòng khe tạo thành một vực nước sâu và rộng tới hơn chục mét, nước quanh năm trong vắt có thể thấy rõ từng đàn cá nhỏ bơi dưới đáy. Cứ mỗi đoạn có thác nước thì ở đó lại tạo ra bồn tắm thiên tạo kỳ thú. Vào mùa hạ thì đây chính là bồn tắm thiên tạo lý tưởng mà ai đã có dịp đến đây khó có thể bỏ qua. Vào mùa mưa ở độ dốc cao như thế này Vực Rêu đẹp hơn nhiều bởi đủ loại thác nước cao, thấp khác nhau giữa vùng núi non hoang sơ của rừng đại ngàn Tây Yên Tử. Dòng nước trắng xóa từ trên cao đổ xuống len lỏi qua mọi tầng thác, tuôn trào xuống các tảng đá tung bọt trắng xoá và tạo nên cung bậc âm thanh hết sức sống động. Hai bên bờ suối những vách đá sừng sững có chỗ dựng đứng hẳn lên những vết huyền bí trầm mặc của thiên nhiên… Từ trên đỉnh nhìn xuống suối Rêu như một dải lụa chảy mềm mại đang vắt mình giữa cái màu xanh thẳm của rừng núi hoang sơ, lung linh huyền thoại.
Ở Vực Rêu hiện còn bảo tồn được nhiều loài động vật quý như: Cáo, sóc, cầy hương, hoẵng... cùng các loài bò sát và nhiều loài chim lạ. Thú vị hơn khi đến Vực Rêu du khách được thưởng thức món cá suối nướng thơm lừng hay món ốc suối luộc vừa giòn vừa thơm mang nhiều đặc trưng của núi rừng Yên Tử. Ngoài việc được ngắm cảnh thiên nhiên kỳ thú, nếu du khách ưa thích khám phá vùng đất này có thể tham quan, tìm hiểu những dấu tích người xưa còn để lại qua hệ thống di vật còn sót lại rải rác trong khu vực. Không chỉ có vậy, thượng nguồn và hạ nguồn Vực Rêu còn dấu tích của hai ngôi chùa cổ, có niên đại xây dựng vào khoảng thế kỷ XIV - XV (thời Lý - Trần).
Chùa Hòn Tháp nằm ở hạ nguồn Vực Rêu thuộc dãy Huyền Đinh - Yên Tử, người dân nơi đây vẫn thường gọi là Sơn Tháp tự. Chùa đã đổ nát từ lâu chỉ còn ba cấp nền kè đá bên sườn núi, rải rác trong khu chùa còn có những phiến đá tháp chùa, trong đó có khối đá thân tháp có hàng chữ ghi bài vị của vị sư từng trụ trì và mất ở đây. Nội dung bài vị khắc rằng: “Huyền cơ Thiện thọ Pháp Vân hòa thượng vị” nghĩa là: Bài vị hòa thượng có hiệu đạo là Huyền Cơ Thiện thọ Pháp Vân.
Thượng nguồn suối Vực Rêu còn dấu tích của chùa Yên Mã (chùa Mã Yên hay Mã Yên tự cũng vậy). Hiện nay, ngôi chùa chỉ còn lại vết tích là những cấp nền kè đá, nhiều mảnh ngói thời Trần của các hạng mục công trình xưa với quy mô lớn. Tương truyền, đây là nơi Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngôi báu, và quyết định chọn Yên Tử làm nơi tu hành. Chùa này trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi là chùa An Mã, do Thiền sư Pháp Loa xây dựng.
Chùa Yên Mã nằm cách chùa Sơn Tháp chừng 1km đường rừng, thuộc xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam; hiện nay, ngôi chùa chỉ còn lại vết tích của một quần thể nền móng các công trình kiến trúc đồ sộ: Tam bảo, giếng nước cổ, nhà khách, nhà bếp, dấu chân Phật... Cùng với Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, chùa Yên Mã là công trình kiến trúc chùa tháp có quy mô lớn, bề thế do nhà sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm xây dựng, trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi là chùa An Mã. Đặc biệt, tương truyền, nơi đây còn lưu dấu chân Phật tổ Bồ Đề Đạt Ma trên một tảng đá lớn cạnh chiếc giếng cổ, nhỏ nhưng luôn đầy ắp nước.
Vực Rêu từ lâu đã chứa đựng những tiềm năng lớn về phát triển du lịch, một địa điểm du lịch có thể tạo dựng được những giá trị và thương hiệu đối với các du khách. Đến với Vực Rêu du khách có dịp khám phá, chinh phục đèo cao, vực thẳm, vượt thác, leo ghềnh, phải lội suối bám cây mà đi, nhưng đổi lại du khách được trải nghiệm những giây phút đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ, thả hồn trong tiếng nước suối chảy róc rách, được lắng nghe tiếng gió vi vu hoà lẫn tiếng thông reo, tiếng trúc kêu xào xạc, tiếng hót gọi bầy của các loài chim như tấu lên một khúc nhạc rừng giữa non thiêng Yên Tử.
Cùng với khu du lịch Suối Mỡ, Vực Rêu-suối Nước Vàng-Thác Giót thuộc huyện Lục Nam đã và đang là điểm đến thú vị của của nhiều đoàn khách tham quan trong và ngoài tỉnh là tiềm năng lớn để khai thác, giới thiệu về du lịch ở miền sông Lục - núi Huyền; góp phần thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao mức sống cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường trở thành khu du lịch sinh thái phát triển mạnh và bền vững bên sườn Tây Yên Tử trong tương lai./.Nguyễn Thị Thanh Huyền
Phó GĐ Bảo tàng tỉnh