Khi làm vua là minh đế, khi cầm quân là danh tướng, đi tu là phật tổ, làm thơ là đại thi sĩ. Vài nét chấm phá đó để nói về thành tựu trọn đời của một con người kiệt xuất - Đức vua Trần Nhân Tông. Vùng đất Tây Yên Tử của Bắc Giang có duyên với Ngài. Trong quá trình hoằng dương Phật pháp, nơi đây in đậm dấu chân Ngài.
Tôi có may mắn được gặp gỡ, trao đổi với nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ có vốn hiểu biết sâu sắc và có nhiều sáng tác về Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ là người con quê hương Bắc Giang không chỉ có nhiều bài thơ về Trần Nhân Tông mà ông còn dành nhiều thời gian nghiên cứu dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc Đạo”, “Hòa quang đồng trần” là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt.
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật "Linh thiêng Tây Yên Tử". Ảnh Đỗ Quyên
Tôi đã nhiều lần được nghe nhà thơ Trần Ninh Hồ hào hứng đọc và giảng giải về bài thơ khúc tưởng niệm minh đế triều Trần, như sau: “Quét lưới dọc bể đông/ Tự ngẫm trầm luân sóng/ Một ngày trước bệ rồng/ Biết rồng không là cá/ 20 tuổi trị vì/ Thấy mình là thiên hạ/ Dẹp giặc dựng thái bình/ Đời hỏi còn chi lạ/ 40 tuổi lên đây/ Xuống tóc hóa nghìn tuổi/ Ngọc tỷ chửa rời tay/ Đã xem như đá cuội/ Bao thế kỷ gập ghềnh/ Khúc khuỷu những sự tích/ Khói sương nào là đích/ Đã khuất cả vào mây”.
Với những nghiên cứu của mình về Trần Nhân Tông, nhà thơ Trần Ninh Hồ đúc kết, đó là danh nhân kiệt xuất: “Khi làm vua là minh đế, khi cầm quân là danh tướng, đi tu là phật tổ, làm thơ là đại thi sĩ”.
Rước tượng Trúc Lâm Tam Tổ từ chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) lên Tây Yên Tử. Ảnh tư liệu của Trần Thành Đạt
Đức vua Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh năm Mậu Ngọ - 1258. Ngài là con trưởng của Đức vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu Trần Thị Thiều. Năm 16 tuổi, Ngài được lập làm Hoàng Thái tử và trong năm đó Ngài kết duyên cùng công chúa Quyên Thanh, là trưởng nữ của Hưng Đạo Đại Vương. Ngài được truyền ngôi vua khi chưa đầy 20 tuổi.
Khi giặc Nguyên - Mông xâm chiếm nước ta, vua Trần Nhân Tông đã trực tiếp lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần chiến thắng giặc phương Bắc vào các năm 1285 và 1288. Hào khí Đông A quật cường, Ngài đã cảm hứng bằng hai câu thơ để cổ vũ quân, dân: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/Non sông muôn thuở vững âu vàng”.
Tượng Trúc Lâm Tam Tổ. Ảnh: Lê Danh Lam
Trong một lần trò chuyện, ông Nguyễn Đình Bưu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Giang chia sẻ với tôi, chúng ta nên quan tâm nghiên cứu góc độ Trần Nhân Tông là nhà quân sự trong hoạt động ở vùng Yên Tử. Là người đã hai lần cầm quân chiến đấu với giặc Nguyên - Mông ắt hẳn Ngài phải có tinh thần cảnh giác cao độ với giặc phương Bắc. Việc tu hành ở đỉnh núi Yên Tử, nơi có tầm bao quát lớn ra biển Đông cũng chính là biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa khi có giặc lâm le bờ cõi.
Đồng tình với quan điểm này, mới đây dự hội thảo về Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Bắc Giang, nhà sử học Dương Trung Quốc nói với tôi rằng ông đã từng đề nghị với nhà nước xây dựng tượng Anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông tại Yên Tử, tức là pho tượng đứng, chứ không chỉ những pho tượng ngồi trong chùa như hiện nay.
Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm, xã tắc thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để làm Thái Thượng Hoàng, xin xuất gia cầu đạo, khởi đầu cho sự nghiệp tu hành. Kể từ đó cho tới khi nhập diệt tại đỉnh Ngoạ Vân, Yên Tử vào năm 1308, thọ thế 51 năm, Ngài chống gậy trúc đi khắp các xóm làng để khuyến khích muôn dân giữ gìn năm giới, tu hành thập thiện, xây dựng chính tín. Trong thời gian ấy, Ngài thường lui tới chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) để giảng kinh, thuyết pháp.
Chương trình nghệ thuật "Linh thiêng Tây Yên Tử" trong lễ khai hội xuân Tây Yên Tử. Ảnh Đỗ Quyên
Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương. Chùa nhìn ra ngã ba sông, là cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Đây là trung tâm, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.
Có thể thấy, từ ngôi chùa Vĩnh Nghiêm linh thiêng, huyền diệu, con đường hoằng dương Phật pháp của các phật tổ bắt đầu khai mở và phát triển huy hoàng. Câu ca mà đọc lên thấy ngay không khí Phật giáo triều Trần chính là: “Ai qua Yên Tử - Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm chưa đến, thiền tâm chưa đành”.
"Đêm nhạc Phật" tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).
Đáng chú ý, qua nhiều năm điền dã, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được mối liên hệ giữa chốn tổ Vĩnh Nghiêm với đỉnh thiêng Tây Yên Tử qua hệ thống chùa, tháp dọc sườn Tây Yên Tử, những nơi đó đều in đậm dấu chân Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Học sinh huyện Yên Dũng tham gia "Đêm nhạc Phật" tại chùa Vĩnh Nghiêm.
Vì vậy, “Theo dấu chân Phật hoàng” là gợi mở về một sản phẩm du lịch, nằm trong sản phẩm du lịch được tỉnh Bắc Giang xác định là chủ lực, du lịch văn hóa – tâm linh. Thực tế thấy rằng, du lịch văn hóa – tâm linh là sản phẩm tạo ra bước đột phá cho phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang trong những năm gần đây mà trọng điểm là vùng Tây Yên Tử linh thiêng.
Bừng sáng vùng đất Tây Yên Tử là điều dễ dàng cảm nhận của du khách trong và ngoài tỉnh cũng như người dân nơi đây. Từ chốn thâm sơn cùng cốc xưa, nay cả bốn mùa du khách nườm nượp kéo về để thưởng ngoạn cảnh đẹp với biết bao kỳ hoa dị thảo, cam, bưởi, vải thiều trĩu cành và đắm mình trong miền đất Phật, dung dưỡng thiện lành.
Có được kết quả này là nhờ tỉnh đã đánh giá sát tiềm năng, lợi thế và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Yên Tử. Tỉnh đã huy động các nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng, tu bổ đường sá, đền, chùa, các di tích lịch sử, văn hóa mà trọng tâm là kết nối với Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động).
Đoàn khách tham quan nhà trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.
Giờ đây, du khách, phật tử đến cổ tự Vĩnh Nghiêm vãn cảnh, tìm hiểu bộ mộc bản độc nhất vô nhị được bảo quản hàng trăm năm qua đã trở thành Di sản tư liệu thế giới, rồi qua đền Suối Mỡ (Lục Nam), lên chùa Hạ, chùa Thượng, chùa Đồng, chiêm bái tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử… đã là “Theo dấu chân Phật hoàng”.
Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên tử đón nhiều du khách dịp xuân Quý Mão.
Nhưng sản phẩm du lịch độc đáo được gợi ý là con đường bộ hành hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông bắt đầu từ chùa Vĩnh Nghiêm đi qua các điểm chùa, tháp dọc sườn Tây Yên Tử, lên chùa Đồng. Đã có doanh nghiệp lữ hành tổ chức cho du khách thử nghiệm sản phẩm này và nhận được phản hồi tích cực. Nhiều du khách nói rằng đó là trải nghiệm có giá trị.
Một đoàn khách thăm Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử.
Hiện nay, du khách, phật tử đã có thể trải nghiệm sản phẩm du lịch “Theo dấu chân Phật hoàng”, nhưng để tạo sức hấp dẫn hơn nữa còn nhiều việc phải làm. Đó là tiếp tục đầu tư giao thông kết nối, phục dựng những chùa, tháp đã hư hỏng, tạo thành một quần thể các công trình tôn giáo, giúp hồi sinh lại thánh địa Phật giáo Trúc Lâm. Cần có sự nghiên cứu đầy đủ hơn về Phật hoàng, các vị Phật tổ cũng như những giá trị của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; chuyển những nghiên cứu đó thành những câu chuyện có sức hấp dẫn, lay động. Đó là đẩy mạnh truyền thông, quảng bá tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn. Cùng đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được xác lập trong các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển du lịch của tỉnh nói chung và vùng Tây Yên Tử nói riêng.
Xe điện của Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử đưa khách đi tham quan.
“Theo dấu chân Phật hoàng” du khách, phật tử tưởng nhớ, tri ân vị hoàng đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo. “Theo dấu chân Phật hoàng” là trải nghiệm độc đáo lên đỉnh non thiêng của lòng thiền tâm và thưởng ngoạn vẻ đẹp giang sơn gấm vóc nghìn đời. Sự thành công của sản phẩm du lịch độc đáo này chính là khơi dậy cho du khách, phật tử niềm tự hào dân tộc, dung dưỡng thiện lành, được bình an, hạnh phúc.
Theo Báo Bắc Giang