Thông tin du lịch Bắc Giang

Tiềm năng du lịch huyện Việt Yên

Việt Yên là một huyện trung du của tỉnh Bắc Giang, nằm giữa hai con sông thơ mộng là Sông Cầu và Sông Thương, cách trung tâm của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh 10 km. Toàn huyện có 18 đơn vị hành chính, diện tích tự nhiên 17.135 ha. Việt Yên được xem là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, văn hóa và hiếu học của xứ Kinh Bắc xưa, nơi tập trung nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc và nhiều làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời. Nơi đây còn có nhiều làng Quan họ nhất vùng văn hóa Kinh Bắc với 18 làng Quan họ đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hát quan họ trên thuyền tại Thổ Hà
Việt Yên là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với trên 300 di tích lịch sử văn hóa. Nhiều ngôi đình không những mang giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu mà còn trở thành biểu trưng văn hóa của làng xã Việt Nam như: Đình Thổ Hà (xã Vân Hà) xây dựng năm 1686; đình Đông (thị trấn Bích Động), đình Mật Ninh. Nhiều ngôi chùa của huyện cũng được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam như: Chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn), chùa Vĩnh Hưng (xã Quảng Minh), chùa Sùng Nghiêm và đình làng Vân Cốc (xã Vân Trung) được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia...Việt Yên còn là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng như: Hàn lâm viện thừa chỉ Tiến sĩ Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng:“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Và một nhân vật lịch sử đặc biệt mà ta phải kể đến đó là Hán quận công Thân Công Tài - một Danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc, một nhà chính trị- quân sự, nhà ngoại giao - kinh tế đại tài cuối thế kỷ XVII. Vì vậy, khi đến mảnh địa linh nhân kiệt này, du khách còn có thể ghé thăm hai công trình di tích lịch sử đó là: đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung và Mộ và Đền thờ Hán quận công Thân Công Tài. 
Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà
Việt Yên được biết đến với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn phải kể đến như: du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng. Đến Việt Yên du khách sẽ có dịp được thăm làng cổ Thổ Hà, một ngôi làng lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc, nơi có những công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thế kỉ XVI, XVII như: ba di tích lịch sử văn hóa được nhà nước công nhận là đình Thổ Hà, chùa Thổ Hà (Đoan Minh Tự), Văn chỉ; tiếp theo là cổng làng; các ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm được xây dựng bằng vật liệu là những sản phẩm nghề gốm hết sức lạ mắt cùng với những ngõ hẹp và dài hun hút rêu phong cổ kính. Chỉ cách Thổ Hà chừng vài km, du khách sẽ được ghé thăm chùa Bổ Đà- một công trình kiến trúc cổ kính được xem là đại danh lam cổ tự của vùng đất văn hiến Bắc Giang. Đây là ngôi chùa còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ và có kiến trúc độc đáo, khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam. Trong chùa còn lưu giữ kho mộc bản kinh phật khắc trên gổ thị cổ nhất với gần 2000 bản ván khắc bằng chữ Hán và khu vườn tháp lớn nhất Việt Nam. Chùa Bổ Đà được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Du khách cũng có thể ghé thăm đình Đông - một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế. 
Cổng làng Thổ Hà
Việt Yên còn được xem là cái nôi của nhiều làng nghề truyền thống như: gốm Thổ Hà, rượu làng Vân, mây tre đan Tăng Tiến… Gốm Thổ Hà được biết đến là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ nhất của người Việt (gồm gốm Bát Tràng và gốm Phù Lãng). Ở đây còn có rượu làng Vân, một thương hiệu rượu độc đáo đã trở thành niềm tự hào từ bao đời nay của người dân sống trên mảnh đất này, thứ rượu đã được ngợi ca bằng bốn mỹ từ “Vân hương mỹ tửu”. Cùng với nghề gốm và nấu rượu thì Thổ Hà còn được biết đến với nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo. Mì gạo Thổ Hà nổi tiếng khắp xa gần bởi độ dẻo, dai và thơm ngon, hấp dẫn. Bánh đa nem Thổ Hà sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước mỗi dịp tết đến, xuân về. Không chỉ vậy, món bánh đa vừng của Thổ Hà còn nức tiếng xa gần và sớm khẳng định thương hiệu bởi độ béo, ngọt, bùi đến say đắm lòng người. Đến Việt Yên thì không thể nhớ đến làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, một làng nghề chiếm 70% lao động trong làng. Các sản phẩm của làng luôn phong phú về thể loại, hình dáng, chất lượng và nó đã trở thành món quà mà khách du lịch nước ngoài rất ưa chuộng. Sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến giờ đây đã có tiếng trên thị trường trong nước và các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Tây Âu… 
Sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến
Việt Yên không những là vùng đất giàu truyền thống văn hóa mà còn là một trong những trung tâm của tổ chức làng xã, lễ hội. Toàn huyện có hơn một trăm lễ hội như: Hội đình, hội đền, hội nghè, hội chùa, hội chạ, hội hát, hội chợ… Những lễ hội tiêu biểu đó là hội Bổ Đà, lễ hội Thổ Hà, hội cầu nước… Đặc biệt, lễ hội Bổ Đà được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 16 đến hết ngày 18/2 âm lịch hàng năm. Ngoài những nghi thức rước, tế, dâng hương cúng Phật trang trọng nhân dân còn tổ chức nhiều hoạt động diễn xướng dân gian và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá vùng miền. Điểm nhấn nổi bật của Lễ hội chùa Bổ Đà là hội thi hát quan họ, góp phần tôn vinh, quảng bá và tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và cộng đồng về giá trị của dân ca quan họ- di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việt Yên còn có lễ hội cầu nước (chỉ có ở làng Vân, xã Vân Hà) tổ chức tại đền Chính (thờ đức thánh Tam Giang Trương Hống - Trương Hát). Lễ hội được tổ chức trong ba ngày 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch hàng năm, mang đậm nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Đó là sự thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp xưa vào cảnh mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây là lễ hội độc đáo cần được phát huy và gìn giữ. Nếu đến Thổ Hà vào đầu xuân (từ ngày 20 - 22 tháng Giêng), du khách còn được tham gia Lễ hội của làng và đắm mình trong một không gian văn hóa dân gian truyền thống vô cùng sinh động và nhiều màu sắc. Trong lễ hội, sẽ diễn ra các hoạt động như: Lễ rước Thành hoàng làng từ đình ra chùa; hát Chầu văn; hát Quan họ trên sông Cầu; thi đấu vật, cờ tướng; đấu chọi gà; biểu diễn tuồng… 
Hội Thổ Hà
Việt Yên cũng tự hào là nơi có những làng quan họ cổ với khoảng 200 đội, câu lạc bộ quan họ. Những năm qua, Việt Yên đã mở nhiều lớp truyền dạy quan họ cho hạt nhân văn nghệ và hỗ trợ trang phục, nhạc cụ; ngoài sân chơi quan họ tại lễ hội chùa Bổ Đà, mỗi dịp hè, huyện tổ chức liên hoan hát quan họ cho thiếu nhi. Nhiều gia đình có 4 thế hệ biết hát quan họ, toàn huyện có 4 nghệ nhân ưu tú. Huyện xây dựng Đề án bảo tồn văn hóa phi vật thể trong đó có quan họ, phối hợp với ngành giáo dục biên soạn, xuất bản các tài liệu, những bài hát dân ca quan họ đưa vào trường học. Qua đó thực hiện tốt Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011 - 2020”. 
Hát quan họ tại lễ hội Bổ Đà
Về với Việt Yên du khách như được trở về với vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp với những công trình đậm dấu ấn văn hóa lịch sử. Đến đây du khách sẽ được ngắm cảnh trên bến dưới thuyền của dòng sông Cầu; thăm các di tích có vẻ đẹp cổ kính; thăm quy trình sản xuât và thưởng thức một số đặc sản của làng nghề; được hòa mình vào các lễ hội truyền thống của địa phương; và đặc biệt, du khách còn có thể lên thuyền, xuôi dòng sông Cầu thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, tình tứ do các liền anh, liền chị bờ bắc sông Cầu thể hiện./. 
 Nguyễn Thúy
Ngày cập nhật: 26/12/2018 Lượt xem: 1066