Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Tín ngưỡng thờ Thành hoàng của người Sán Dìu

Tín ngưỡng thờ Thành hoàng của người Sán Dìu

 Đồng bào Sán Dìu tại Bắc Giang sinh sống nhiều ở các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế và Lạng Giang. Ngoài thờ Phật, tổ tiên, thần Nông… người Sán Dìu còn thờ Thành hoàng. Đây là phong tục mang tính cộng đồng cao, đậm bản sắc trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào. 

Đồng bào Sán Dìu thường lập đình thờ Thành hoàng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được phong đăng hòa cốc. Vị Thành hoàng được các bản làng thờ thường là Thổ thần (Thổ Địa). Tùy theo từng nơi mà vị thần này được gọi tên khác nhau như thần Núi hoặc vị thần được gắn với chức vị Đại vương. 

 Đình Cẩy, xã Hương Sơn (Lạng Giang).

Đình Cẩy, xã Hương Sơn (Lạng Giang).

Theo quan niệm của đồng bào, Thổ Địa là vị thần bảo vệ con người và gia súc, quản lý thú rừng không cho chúng phá hoại mùa màng, luôn che chở cho cuộc sống người dân. Mỗi bản làng trong đồng bào dân tộc đều dành khu đất rộng, thoáng để xây dựng đình thờ Thổ Địa. Công trình này thường có kiến trúc và đồ thờ đơn giản, để thông phía trước. 

Hằng năm, vào ngày mồng 1 Tết, các gia đình cử một người đại diện đến xin lộc, cầu an tại nơi thờ Thổ Thần. Lễ vật mang theo là gà, rượu, xôi… Khi cả làng đã có mặt đông đủ, người cao tuổi trong làng đọc bài cúng, cầu mong dân làng được mạnh khỏe, mùa màng được tốt tươi, gia súc, gia cầm không bị dịch bệnh, con người được no đủ…

Cúng xong, lần lượt từng người lên trước bàn thờ xin đài âm dương để chọn người giữ cửa đình. Khi có người xin được âm dương, đồng bào coi như Thổ thần đã chọn người này để giữ cửa đình và có trách nhiệm lo việc lễ của thôn bản vào mồng 1 và hôm Rằm và các ngày lễ trọng khác. 

Tại thôn Chính, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) có ngôi đình của đồng bào Sán Dìu được xây dựng từ lâu đời nhưng đã bị đổ nát và nay được phục dựng. Hằng năm, vào ngày mồng 4 Tết, dân làng tổ chức lễ hội xuống đồng. Ngày 15 tháng 8, tổ chức lễ hội lên đồng, ngoài tế lễ Thành hoàng, đồng bào còn tổ chức những trò chơi dân gian như “tả khưu”- đánh cầu. Đặc biệt, trong ngày hội còn có lệ hát đối sọong cô giữa nam và nữ ở nhiều vùng miền về vui hội.

Tại thôn Cẩy, xã Hương Sơn (Lạng Giang) còn ngôi đình thờ Thành hoàng. Theo lệ truyền thống của người Sán Dìu và một số đồng bào dân tộc khác trong vùng, vào ngày 5 Tết đồng bào làm lễ cúng tại đình Cẩy, sau đó làm lễ cúng thần Rừng. Trong nghi lễ cúng có động tác phát rừng tượng trưng báo hiệu lễ mở cửa rừng năm mới. 

Đình thôn Muối, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) được đồng bào Sán Dìu khôi phục lại có 3 gian, kiến trúc đơn giản. Đình thờ Thành hoàng Trùng Khánh Đắc Thắng Đại vương. Hội lệ hằng năm được tổ chức ngày mồng 5 tháng Giêng - cũng gọi là hội xuống đồng, ngoài nghi lễ theo phong tục, đồng bào tổ chức các cuộc vui chơi giải trí mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, các trò chơi dân gian, kéo co, bịt mắt đập niêu….

Thôn Bắc Một, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) có ngôi đình ba gian, kiến trúc đơn giản dựng bên cạnh cây đa cổ thụ. Hằng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng, đồng bào tổ chức lễ hội xuống đồng bắt đầu cho một năm mới để cầu mong gặp nhiều may mắn. Đình làng Chão, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) của đồng bào lại thờ 4 vị Thành hoàng, đó là: Giáp Thánh Vương, Lê Thánh Vương, Lê Vương Trịnh Tướng, Giáp Thị Tiên Nhân Nãi Nương. 

Ông Hoàng Thạch - một người dân trong xã cho biết, đình làng Chão có từ lâu đời nay đã được tu sửa lại, hằng năm vào ngày 6 tháng Giêng dân bản làm lễ mở cửa đình cúng Thành hoàng cầu cho năm mới mùa màng bội thu, con người mạnh khỏe.

Phong tục thờ Thành hoàng của người Sán Dìu có từ xa xưa và vẫn được duy trì đến ngày nay. Đó là nét văn hóa đẹp trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào. Phong tục này luôn hướng con người tới giá trị chân, thiện, mỹ, giáo dục truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng.

Theo Báo BG

Ngày cập nhật: 10/06/2022 Lượt xem: 719