Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang TREKKING SUỐI NƯỚC VÀNG - DANH THẮNG KHÔNG THỂ BỎ QUA TẠI BẮC GIANG

TREKKING SUỐI NƯỚC VÀNG - DANH THẮNG KHÔNG THỂ BỎ QUA TẠI BẮC GIANG

Đại dịch Covid 19 đã làm thay đổi hoàn toàn xu hướng du lịch tại Việt Nam, bên cạnh các loại hình du lịch phổ biến, giới trẻ hiện nay ưa chuộng loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm và chinh phục thiên nhiên hoang dã. Đất nước Việt nam với địa hình đa số là đồi núi, hang động hoang sơ, nhiều vườn quốc gia nổi tiếng, đường bờ biển dài đã trở thành điểm đến mới thu hút nhiều người đam mê bộ môn thể thao Trekking. Trekking được coi như một hoạt động dã ngoại ngoài trời mà những người đi Trekking (hay còn gọi là Trekker) trải nghiệm khám phá thiên nhiên hoang dã kết hợp du lịch thể thao mạo hiểm, cắm trại...Đây thường là những chuyến đi bộ đường dài/leo núi nhiều ngày diễn ra ở các vùng ngoại ô, phần lớn tại các vùng núi, đường mòn ở khu vực hoang sơ với địa hình gồ ghề giúp mọi người có thêm nhiều trải nghiệm tương tác với thiên nhiên. 

Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi được tạo hóa ưu đãi có địa hình đa dạng với núi cao và đồng bằng xen kẽ, có khí hậu ở ôn hòa và ít bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Bởi lẽ đó nên đây cũng là một địa điểm được nhiều dân phượt yêu thích, với những địa điểm cắm trại nổi tiếng như: Đồng Cao, Suối Mỡ …Du khách nếu có đam mê với bộ môn “phượt đi bộ”, hay chỉ đơn giản là muốn tìm một nơi du lịch sinh thái gần gũi với thiên nhiên thì du khách đừng bỏ lỡ Thác Giót- Suối Nước Vàng nhé.

Suối Nước Vàng – Thác Giót là cụm danh thắng nằm trên dãy núi Phật Sơn thuộc cánh rừng nguyên sinh Yên Tử, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, cách thành phố Bắc Giang 60km về phía Đông. Rong ruổi trên cung đường gập ghềnh từ ngã ba Lục Nam tới xã Lục Sơn khoảng sau 2 giờ thì bạn sẽ đặt chân tới suối Nước Vàng. Con suối óng ánh sắc vàng như mật ong được bao quanh bởi cánh rừng nguyên sinh vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ nhưng không kém phần hùng vĩ. Suối được bắt nguồn từ đỉnh núi Phật Sơn hiểm trở. Hai bên bờ là những khối đá nhám kết tinh, nhiều tảng có màu vàng óng, rêu phong làm cảnh quan vô cùng sinh động. Từ hạ nguồn suối Nước Vàng lên đến thượng nguồn, du khách đi bộ theo đường rừng có độ dốc hơn 35 độ. Xung quanh có hơn chục thác lớn nhỏ như: Anh Vũ, Mây, Giót, Nước Vàng... Con suối chạy dọc theo dãy núi Phật Sơn cao 800-900 m tạo nên những khúc biến tấu thú vị: Có chỗ nước mạnh mẽ tuôn chảy ào ào, chỗ thì róc rách vui tai, chỗ thì lững lờ trôi êm đềm. Đưa tay hoà vào dòng nước mát lạnh có cảm giác như được “gột bỏ một thân bụi trần”.

Suối nước Vàng mang một vẻ đẹp độc lạ, nằm uốn mình bên những dãy núi trập trùng, ngút ngàn những hàng keo, bạch đàn xanh mướt. Nơi đây có núi rừng hoang sơ, khí hậu mát mẻ ôn hoà. Đặc biệt, với diện tích trải dài hơn 100m, có diện tích mặt lên tới 5000m2 nước chảy bốn mùa vàng óng ánh tựa như mật ong. Cái tên dòng suối nghe cũng thật kỳ lạ. Bạn tự hỏi vì sao lại là “Suối Nước Vàng” hay chưa? Bật mí nhỏ cho bạn rằng cái tên “nước vàng” ấy bắt nguồn từ màu nước rất độc đáo của suối. Có thể nói, chính cái tên gọi của con suối là điểm hấp dẫn làm cho du khách tò mò và mong muốn được đến nơi đây.

Nguồn gốc của dòng suối Nước Vàng là một câu chuyện nhuốm màu sắc Phật giáo. Người ta bảo rằng, du khách đến Tây Yên Tử như được lạc vào vùng thiên nhiên kỳ thú cùng với lòng thành kính dâng lên Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngày xưa, màu vàng là tượng trưng cho sự sang trọng của vua chúa. Sau khi vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng lên dãy Phật Sơn tu luyện đã trở thành huyền thoại trong Phật giáo Việt Nam nói chung, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng. Từ đỉnh núi Phật Sơn linh thiêng, nơi Phật hoàng mở thiền viện, tu luyện có chảy ra một dòng suối rất đặc biệt với màu nước vàng óng ánh. Đã có rất nhiều lý giải khác nhau về chuyện con suối có nước màu vàng, như do nằm gần mỏ than Quảng Ninh, do quá trình phân huỷ và kết tụ của cây cối hàng ngàn năm… Cũng có giả thiết cho rằng do nước đọng trên những phiến đá cát nhám có màu vàng, nên dòng suối mới có màu như thế. Theo người dân địa phương thì dòng suối không hề bị ô nhiễm bởi từ hàng chục năm qua họ vẫn sinh hoạt hàng ngày trên dòng suối mà không bị bệnh tật.

Hành trình tiếp theo để tới Thác Giót, bạn phải đi từ hạ nguồn Suối Nước Vàng và băng qua 7 thác nước để tới thượng nguồn. Đường đến thác tuy có khó khăn, phải lội suối, băng rừng và leo trèo qua các vách đá, khá hiểm trở nhưng đầy thú vị và đáng nhớ. Sau khoảng hơn 4km đi xuyên rừng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng, được đắm chìm vào vẻ đẹp như thực như mơ của Thác Giót. Dòng thác hùng vĩ với chiều cao lên tới 50m đổ từ trên cao xuống, tung bọt nước trắng xóa vào những tảng đá nhấp nhô tạo lớp bụi nước như mưa bay trong ngần, cũng có lúc mờ mờ ảo ảo tựa dải yếm trắng mơ màng vắt ngang đỉnh núi. Rền vang âm điệu của đại ngàn hòa điệu cùng tiếng suối chảy róc rách, cộng hưởng tiếng chim rừng ríu rít tạo âm thanh trầm bổng, thư thái của một bản nhạc rừng mê say lòng du khách. Ngắm lên dòng thác hùng vĩ mát lạnh còn thấy những lớp đá phủ rêu xanh mượt. Không khí trong lành, man mát sẽ tiêu tan những mệt mỏi, âu lo sau chặng đường bách bộ. Dưới chân thác là con suối trong veo nằm uốn lượn giữa đường như phân định rõ ranh giới giữa khu danh thắng với thôn Đồng Vành nằm kề cận. Không nói về Suối Nước Vàng hay Thác Giót, tôi cho rằng chỉ nội khu rừng nguyên sinh tại đây thôi cũng đã đáng đề du khách bỏ thời gian khám phá. Rừng không phải dạng nhiệt đới ẩm nên khá dễ đi, khô thoáng, có nhiều loài động, thực vật quý như: Lan rừng, trầm hương, sa nhân, nấm linh chi, voọc đen má trắng, gấu ngựa, hươu vàng, sóc, cầy hương và các loài chim rừng...

Sau khi du khách đã thỏa thích “check-in” cùng Thác Giót và Suối Nước Vàng thì có thể chuyển hướng tới ghé thăm 2 cây Trò nâu cổ thụ đã có tuổi đời gần 600 năm tuổi ở đây. Và nếu có mong muốn ở lại qua đêm nghỉ ngơi trong rừng, du khách có thể dừng chân trên đỉnh Lái Cò để cắm trại  trên bãi cỏ rộng mênh mông với những phiến đá trải dài. Lái Cỏ cũng là đỉnh cao nhất có thể ngắm nhìn sang vùng đất Quảng Ninh.

Trong quá trình khám phá cụm thắng cảnh trứ danh này, du khách cũng có thể thưởng thức một số đặc sản Lục Nam như: Hạt Dẻ Lục Nam ăn vào vừa thơm ngon,vị bùi bùi pha lẫn mùi béo ngậy cùng mùi hương vị dù ăn một lần thì khó lòng mà quên được. Hay thử qua món xôi Ngũ Sắc-một món đặc sản của đồng bào Tày tại địa phương. Những đĩa xôi với màu sắc bắt mắt và hương vị thơm ngon dẻo ngọt. Điều đặc biệt là xôi không sử dụng phẩm màu để nhuộm ra các màu sắc mà sử dụng các thực phẩm tạo màu như nghệ, lá cẩm, lá dứa... nên rất an toàn cho sức khỏe của thực khách. Hoa quả tại Lục Nam cũng là một thế mạnh khi tất cả các cây ăn trái trong vùng đều cho ra quả thơm ngon, ngọt mọng, ăn vào một miếng ngập tràn sảng khoái.

Những cảnh đẹp thiên nhiên hình thành nên luôn tạo cho chúng ta cảm giác thanh thuần và thoái mái. Suối Vàng-Thác Giót chính là một địa điểm như vậy. Không có dấu chân của hoạt động buôn bán thương mại, vẻ đẹp nguyên sơ của dòng chảy màu mật ong tươi mát trở thành địa điểm tham quan, tĩnh dưỡng tâm hồn tuyệt vời.  Với những giá trị đặc hữu, suối nước Vàng được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận là danh lam thắng cảnh vào ngày 28 tháng 01 năm 2003.

Trong hành trình khám phá hệ thống di tích danh thắng về phía Tây Yên Tử, cùng với suối Mỡ, chùa Vĩnh Nghiêm, khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử…thì suối nước Vàng cũng là  một địa chỉ không thể bỏ cho du khách mỗi khi về với Bắc Giang. Hiện nay các khu, điềm du lịch đó  được kết nối trở thành tuyến du lịch “ Theo dấu chân Phật Hoàng”  đang được chính quyền và doanh nghiệp quan tâm khai thác, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch để thu hút các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước về với Bắc Giang.

Theo Mybacgiang

Lượt xem: 754