Bên sườn Tây Yên Tử gồm các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động ngay từ buổi bình minh của lịch sử đã có người sinh sống. Từ thế kỷ XVII, XVIII về sau, nơi đây có các lớp cư dân các dân tộc về cư trú, tiêu biểu và tập trung có người Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao, Sáu Dìu, Sáu Chí, Cao Lan. Sự hội tụ đó khiến vùng đất này xuất hiện những mảng màu văn hóa các dân tộc thiểu số khác nhau. Biểu hiện cao nhất của nét văn hóa đó là những loại hình dân ca dân tộc thiểu số. Dân ca dân tộc thiểu số là loại hình nghệ thuật lâu đời. Mỗi dân tộc có dân ca riêng với ngôn ngữ riêng nhưng đều có điểm chung là cất lên tiếng lòng, tâm tư tình cảm, suy nghĩ. Có lẽ sự ăn sâu bám rễ vào văn hóa mỗi dân tộc khiến dân ca dân tộc thiểu số vượt qua tất cả để tiếp tục dập dìu tới ngày nay. Trải qua nhiều đời, tư tưởng của dân ca dân tộc thiểu số vẫn vậy. Đó là những nét văn hóa tộc người biểu lộ qua câu hát. Nó không chỉ là vẻ đẹp mang màu sắc riêng có của văn hóa các dân tộc thiểu số mà thực chất còn là chất keo vô hình gắn kết cộng đồng làm tỏa sáng thêm văn hóa cộng dồng làng xã.Nơi ngọn nguồn con suối Tà Cang linh thiêng của người Sán Chí ở xã Sa Lý huyện Lục Ngạn. Đây là chiến ải lưu danh sử sách chống Nguyên – Mông của quân dân nhà Trần. Vùng đất này, chiến địa này, máu và nước mắt...tất cả giờ đây trở nên đẹp đẽ hơn nhờ những câu hát dân ca Sán Chí vẫn vương vấn đâu đây, vang vọng trên các ngọn đồi, trong các nếp nhà trình. Tiếng hát của người Sáu Chí cũng như các dân tộc khác là hát chay, không có nhạc cụ đệm. Tuy thế, họ hát rất say sưa, dễ nhận ra tình cảm gửi gắm trong đó. Có lẽ tình đất nơi này đã nuôi ngọt những giọng ca. Ông Lâm Văn Bình - Nghệ nhân dân ca Sán Chí cho biết: “Từ bé, chúng tôi đã say mê câu hát này rồi. Cứ thế, chúng tôi lớn lên cùng câu hát. Giờ đây, dù không nhiều người hát như trước nhưng những ai biết hát đều không thể quên được”.Người Sáu Dìu ở đôi bờ sông Lục còn gọi là người Trại Ruộng, Trại Áo Nâu. Vì trang phục của họ lấy màu nâu son làm chính. Dân ca dân tộc Sán Dìu thường được tổ chức hát vào các dịp đám cưới, ngày xuân. Hát trong đám cưới gọi là tửu ca, hát ngày xuân thì hát đối đáp giao duyên. Trong tửu ca, đồng bào có làm Pa chíu lắp mời rượu, hát đố. Những bài hát đố của người Sáu Dìu không phải mấy ai cũng giải được. Bởi thế mà cuộc vui cứ kéo dài mãi. Đồng bào Tày, Nùng có mặt ở khắp thung lũng Lục Nam. Họ thường tổ chức hát ở Chũ, Phong Minh, Phong Vân, Tân Sơn, Kim Sơn của huyện Lục Ngạn vào dịp đầu Xuân. Lối hát của bà con còn được gọi là hát Sli, hát Sloong hau, hát lượn. Bà con đi chơi xuân, chơi chợ từng tốp nam tốp nữ mỗi tốp 1 bên. Họ hát trên dường đi, hát ở đầu chợ, ở bên suối bên đồi rất say sưa. Tiếng ca tiếng hát của tốp này, tốp kia vang khắp một vùng.Còn đồng bào Dao cũng có lối hát riêng của mình. Họ cũng hát giao duyên và lối hát cầu mùa. Đồng bào Hoa có ở Tân Quang, Tân Hoa, Tân Mộc huyện Lục Ngạn có tiếng hát riêng là làn điệu Sơn Ca rộn ràng vui vẻ.... Về với sông Lục là về với các vùng hạ lưu, các thung lũng, những bản làng, khe suối. Mỗi nơi có một sắc màu văn hóa riêng nhưng sự gắn cộng đồng các dân tộc thiểu số tưởng như độc lập, rời rạc lại thống nhất trong giá trị chung, giá trị văn hóa của từng dân tộc được đúc rút thành dân ca.Bên dòng sông Lục luôn thấp thoáng những bóng áo chàm và văng vẳng tiếng dân ca. Dù hiện nay, các lối hát không còn như xưa, nó được sân khấu hóa nhiều hơn, nhưng tình cảm, nỗi lòng với câu hát, với bạn hát không hề thay đổi….. Dòng nước sông Lục có thể trôi đi nhưng câu hát thì luôn còn đó, ở lại với đồng bào để đắm để say, để hòa mình với sắc thái văn hóa các dân tộc. Những làn điệu dân ca đó đã làm đắm say biết bao người về với vùng đất này. Bà Đạt, một nhạc sĩ của núi rừng. Với góc nhìn của một nhạc sĩ không phải người dân tộc thiểu số thì những nét văn hóa đó vừa dung dị nhưng lại trào dâng, vừa sắc màu nhưng lại dân dã. Tất cả là chất liệu để người nhạc sĩ đó cất lên thành những lời ca tiếng hát về mảnh đất sông Lục núi Huyền này. Nhạc sĩ Bá Đạt quê Bắc Ninh, nay ông đã 70 tuổi những hơn 60 năm ông bén duyên với mảnh đất này. 40 năm sáng tác, người nhạc sĩ “cửa rừng” đã có trong tay hơn 200 bài hát mang âm hưởng dân ca của mảnh đất sông Lục. Ông cho biết: Mỗi mảnh đất, mỗi con người lại cho ông những cảm xúc khác nhau. Dù không hiểu tiếng dân tộc thiểu số nhưng lời ca tiếng hát của họ có gì đó mộc mạc, gấn gũi đến lạ thường.Những lời ca, những tiếng hát của các dân tộc thiểu số nên 2 bờ sông Lục đã biến nơi đây thành miền đất trữ tình. Sông Lục vẫn hiền hòa chảy, xuôi dòng hòa vào lòng biển mẹ như những khúc dân ca các dân tộc ở nơi đây chảy mãi thấm đẫm vào lòng dân tộc, làm nên những giá trị và bản sắc riêng cho mảnh đất và con người miền sơn cước này. Thế Phương
Ngày cập nhật: 07/01/2019 Lượt xem: 671