Thông tin du lịch Bắc Giang

Về Tây Yên Tử

Quê tôi ở miền rừng Tây Yên Tử. Mãi nhớ một thời tuổi thơ Mai Sưu - Tây Yên Tử. Sau này, đã không biết bao lần tôi mời các đồng nghiệp, bạn hữu cùng về thăm quê nhà Tây Yên Tử. Mỗi chuyến thăm quê vừa là sự “trở về”, vừa là “du ngoạn”. Qua hơn sáu mươi năm với bao kỷ niệm, bây giờ tích hợp, tổng hợp lại thành mấy trang du ký...

Vào khoảng giữa thập kỷ 1960, vùng quê Mai Sưu bạt ngàn những rừng dẻ, đồi sim, nương sắn bỗng thấy thấp thoáng ánh điện máy nổ nhờ Xí nghiệp Dược phẩm 3 Hải Phòng và Trường Đại học Giao thông sơ tán đến, sau đó là nơi luyện quân của Trung đoàn 568. Đến những năm đầu thập kỷ 1970, cả vùng Mai Sưu gồm bốn xã Trường Sơn, Bình Sơn, Lục Sơn, Vô Tranh chỉ có một trường cấp hai (lớp 5-7). 

 Đường lên Tây Yên Tử. Ảnh: Việt Hưng

Đường lên Tây Yên Tử. Ảnh: Việt Hưng

Năm học lớp 6 (1972), được chọn đi thi văn trên huyện, tôi lần đầu được biết đến phố chợ Lục Nam. Buổi trưa, bọn trẻ nhô nhốc ra tắm ở bến phà. Thời ấy nước sông còn trong xanh. Nhìn sang bên kia sông, những hàng cây xà cừ hai bên đường được quét vôi trắng dưới gốc chạy dài, chẳng biết đến những đâu đâu.

Những năm gần đây có điều kiện du ngoạn khắp non cao ba huyện Lục Nam - Lục Ngạn - Sơn Động, tôi mới thật hiểu thế nào là vòng cung Đông Triều và vùng văn hóa Tây Yên Tử. Nhìn rộng ra, lược quy về vùng văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử phải kể từ chùa Bổ Đà (Việt Yên) nối vào đường tâm linh 293 Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - Suối Mỡ (Lục Nam) - Đồng Thông (Tuấn Mậu - Tây Yên Tử - Sơn Động).

Lại nói, chùa Bổ Đà (Tứ Ân tự, chùa Bổ, Tam Giáo, Tam Đức) có từ thời Lý, thế kỷ XI (nay thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên), được công nhận Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt (2016). Chùa Bổ Đà có thờ Tam giáo, thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Tam Tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang). Đại chúng đều biết chùa Bổ Đà là ngôi cổ tự, bên cạnh các giá trị lịch sử, tâm linh, mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc tượng Phật, hương án, đồ thờ, chuông đồng, vườn tháp, còn lưu giữ nhiều di sản Hán Nôm với đủ các văn bia, bia đá, mộc bản, kinh sách và hệ thống hoành phi, câu đối.

 Chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Trần Văn Tuấn.

Chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Trần Văn Tuấn.

Chặng tiếp theo là chùa cổ Vĩnh Nghiêm (còn có tên Đức La, chùa La), tương truyền có từ thời vua Lý Thái Tổ (ở ngôi từ 1010-1028), được tu sửa đầu triều Trần và được nhiều vị cao tăng nối tiếp trụ trì. Đặc biệt, cả ba vị Tổ Trúc Lâm đều từng đến chùa kiết hạ (kết hạ), giảng kinh, hoạch định nhân sự, thụ giới, hoằng dương Phật pháp. Liên quan tới đệ nhất tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, sách Tam Tổ thực lục chép: “Tháng tư, Điều Ngự đến kết hạ tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, giảng Truyền đăng lục, lại sai Pháp Loa giữ chức trụ trì, bảo Quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa cho đại chúng. Xong hạ, Điều Ngự vào núi Yên Tử, cho các tịnh nhân và những người theo hầu trở về, chỉ giữ lại mười thị giả thân cận để giúp đỡ”…

Như vậy, trong ba tháng mùa kiết hạ năm 1308, tại chùa Vĩnh Nghiêm đã hội tụ được ba gương mặt quan trọng bậc nhất của làng thiền Đại Việt bấy giờ (đệ nhất tổ Trần Nhân Tông, đệ nhị tổ Pháp Loa và Quốc sư Đạo Nhất), đồng thời tổ chức thuyết giảng các loại kinh sách kinh điển cho tăng đoàn và tăng chúng. Nói như thế để xác định rõ hơn vị thế địa - văn hóa chùa Bổ Đà - Vĩnh Nghiêm trong tổng thể không gian văn hóa Phật giáo tỉnh Bắc Giang (Tây Yên Tử).

Theo đường tâm linh 293 Tây Yên Tử còn phải kể tới quần thể di tích đền Suối Mỡ thờ công chúa Quế Hoa Mỵ Nương, con vua Hùng Định Vương thứ IX, người có công đầu khai khẩn miền đất sơn khê, sau tích hợp với tín ngưỡng thờ mẫu và hiển linh Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Nơi đây còn có ban thờ “Trần triều hiển thánh”. Sử sách và truyền thuyết đều ghi nhận cả ba lần xâm lược (1258, 1285 và 1288), quân Nguyên Mông đều từ ải Chi Lăng theo lối Xa Lý - Nội Bàng - Đại Miễn (Lục Ngạn), qua Bãi Tân theo sông Lục Nam kéo xuống đánh chiếm Vạn Kiếp - Lục Đầu Giang nhằm hợp quân tiến về kinh thành Thăng Long. 

Địa bàn Suối Mỡ - Nghĩa Phương chính là điểm công thủ lợi hại trong cuộc đối đầu với quân Nguyên. Chính ở nơi đây, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cho dựng bản doanh để chọn thời cơ tiến đánh quân Nguyên Mông và còn lưu lại các khu di tích gắn với địa danh Ba Dinh, Bẩy Nền, Bãi Quần Ngựa, Đấu Đong Quân…

Sắc mới Tây Yên Tử. Ảnh: Giang Sơn Đông.

Sắc mới Tây Yên Tử. Ảnh: Giang Sơn Đông.

Nối tiếp truyền thống xưa, vùng đất non cao Mai Sưu - Tây Yên Tử là căn cứ địa hiểm yếu của tỉnh Bắc Giang cũng như nơi đóng quân của nhiều cơ quan tỉnh Quảng Ninh trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Sang thời chống Mỹ, nơi đây cũng là địa điểm sơ tán của nhiều cơ quan trung ương và tỉnh bạn, đồng thời cũng là lò luyện quân của Quân khu Tả Ngạn chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam. Lại nhớ truyện ngắn "Thư nhà" của Hồ Phương có mấy chi tiết: “Tôi cõng ba-lô, giắt hai quả lựu đạn, khoác một khẩu tiểu liên, lên đường về qua lối Mai Sưu. Mấy hôm ấy, mưa dườn dượt, mưa thối đất thối cát (…). Cứ một mình xuyên rừng, qua suối, đi miết hơn một ngày mới về tới Mai Sưu. 

Vết tích cuộc nhảy dù càn quét vẫn còn. Nhà cửa cháy trụi; trâu bò, người chết ngổn ngang. Trận Đồng Khuy chính tay tôi đâm sáu tên giặc, đốt cháy ba nóc nhà như không, mà về đây tôi thấy lạnh người”… Trận quân Pháp nhảy dù mà nhà văn Hồ Phương nhắc đến ấy xảy ra vào ngày rằm tháng 9/1948. Một lần gặp nhà văn Hồ Phương, tôi hỏi ông đã qua Mai Sưu chưa thì ông thành thật trả lời: “Ngày ấy tôi ở bên Quảng Yên. Tôi chỉ nghe kể lại. Nghe nói quân Pháp sát hại gần trăm người, cả dân công và dân làng”…

Ai cũng mong, cũng mơ, cũng ước cho vùng non cao Tây Yên Tử mãi là vùng non thiêng của người, của núi, của rừng, của khe, của suối, của mây và bạt ngàn hoa trái…

Mới chỉ khoảng đôi mươi năm trước đây, đoạn đường từ bên kia sông Lục Nam về Tây Yên Tử vẫn còn là đường đất, trời mưa lầy lội, ngày nắng bụi mù. Đến nay, đường tâm linh 293 Tây Yên Tử trải bê tông hai làn rộng rãi đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và khách thập phương. 

Đặt trong mối liên kết Địa kinh tế - văn hóa với hai tỉnh bạn Hải Dương - Quảng Ninh, Bắc Giang đang hướng Đông, hướng biển, nhìn ra biển, nối với biển, vươn tới thực hiện “có biển”. Bên cạnh tuyến đường thủy sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam và đường bộ truyền thống, trục đường tâm linh 293 Tây Yên Tử đang mở ra những ngã rẽ mới và nâng cấp nhiều tuyến đường liên tỉnh to rộng, hiện đại. 

Đó là các tuyến xe từ Lục Nam qua cầu Cẩm Lý đi Côn Sơn - Sao Đỏ (Chí Linh - Hải Dương), đường Ao Vè (Vô Tranh) - Vua Bà (Trường Sơn) nối xã An Sinh (Đông Triều - Quảng Ninh) và nâng cấp các tuyến đầu mối thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) kết nối quốc lộ 279 và tỉnh lộ 342 tới vùng cao và thẳng đến phường Hoành Bồ (TP Hạ Long - Quảng Ninh). Đất nước thời đổi mới, các tỉnh, các vùng miền liên kết chặt chẽ với nhau và câu chuyện Đông - Tây Yên Tử cũng không ngoài thông lệ… 

Từ đây, bà con các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh đều có thể nhanh chóng tới thăm chùa Vĩnh Nghiêm, đền Suối Mỡ, vùng sinh thái non thiêng Tây Yên Tử và ngược lại. Thêm nữa, tuyến cáp treo Tây Yên Tử cũng giúp thêm cho người bốn phương nhiều trải nghiệm thú vị khi ngắm những cánh rừng nguyên sinh bốn mùa xanh sắc lá.

Còn nhớ nhiều nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng đã cùng chúng tôi về thăm vùng văn hóa non thiêng Tây Yên Tử. Có nhà văn bày tỏ ước mong sao trồng được rừng cây sau sau, một loại cây phong, vào thu lá dát vàng hệt cảnh trời Âu. Ai cũng mong, cũng mơ, cũng ước cho vùng non cao Tây Yên Tử mãi là vùng non thiêng của người, của núi, của rừng, của khe, của suối, của mây và bạt ngàn hoa trái.

Theo Báo Bắc Giang

Lượt xem: 4095