Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Yên Dũng: Điểm nhấn phát triển du lịch văn hóa - tâm linh

Yên Dũng: Điểm nhấn phát triển du lịch văn hóa - tâm linh

Nhiệm kỳ vừa qua, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa. Nhờ vậy, các di sản được phát huy giá trị, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và phát triển du lịch văn hóa- tâm linh.

Trên địa bàn huyện Yên Dũng có gần 300 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có hai di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, hai di tích cấp quốc gia và 76 di tích cấp tỉnh. Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tỉnh, với chủ trương phát triển trọng tâm là du lịch văn hóa- tâm linh giai đoạn 2016-2020, Yên Dũng đã dành nhiều nguồn lực để tu bổ, nâng cấp di tích, nhất là các di tích trọng điểm.

Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng - điểm nhấn trong bức tranh du lịch của huyện Yên Dũng.
Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng - điểm nhấn trong bức tranh du lịch của huyện Yên Dũng.

Điểm nhấn đầu tiên là chùa Vĩnh Nghiêm. Thời gian qua, huyện đã đầu tư gần 34 tỷ đồng thực hiện nhiều hạng mục quan trọng như: Xây dựng Nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản; cải tạo cảnh quan, khuôn viên cây xanh, sân tổ chức lễ hội; cải tạo khuôn viên phía trước hồ bán nguyệt; xây dựng cổng chào. Cùng đó, tuyến đường vào di tích quốc gia đặc biệt còn lại của huyện là chùa Kem (thị trấn Nham Biền) cũng được đầu tư gần 4,5 tỷ đồng để xây mới. Tại di tích quốc gia Bác Hồ về thăm Tân An, huyện bố trí hơn 300 triệu đồng để tôn tạo.

Từ năm 2016 đến nay, huyện Yên Dũng đã tu bổ, tôn tạo hơn 30 di tích với tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng (bao gồm cả di tích đang triển khai trùng tu). Đáng chú ý, phần lớn kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa. Đơn cử như trong số 1,7 tỷ đồng tu sửa chùa Cảnh Sơn (xã Hương Gián) chỉ có 70 triệu đồng do nhà nước hỗ trợ, số còn lại là tiền công đức và nhân dân đóng góp. Hay người dân thôn Phấn Lôi (thị trấn Nham Biền) ủng hộ gần 1,6 tỷ đồng để sửa chữa, xây mới nhiều hạng mục của hệ thống đình, chùa trong thôn…Song song với trùng tu, tôn tạo di tích, việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể thường xuyên được quan tâm. Cơ quan chuyên môn, các địa phương duy trì hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, đội văn nghệ các cấp, đặc biệt là những câu lạc bộ văn nghệ dân gian cấp huyện như: Hát chèo, quan họ, ca trù. Theo đồng chí Trần Đức Hoàn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện cho biết: Để góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, huyện thành lập 6 CLB gồm Quan họ, chèo và ca trù với hàng trăm thành viên tham gia. Những năm qua, huyện duy trì tổ chức các hội thi hát chèo-hát dân ca; cuộc thi “Em yêu lịch sử quê em”. Phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức 22 lớp truyền dạy dân ca cho gần 1.000 lượt hạt nhân văn nghệ ở cơ sở.

Nhờ thường xuyên chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Thông qua đó góp phần thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan. Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đón hơn 1,3 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch (trong đó khách quốc tế 50.800 lượt người). Những điểm đến chủ yếu là chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng... Doanh thu từ du lịch, dịch vụ du lịch giai đoạn này là 316 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Từ những kết quả tích cực trong giai đoạn vừa qua, thời gian tới huyện tiếp tục dành sự quan tâm thỏa đáng, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tập trung nguồn lực tôn tạo, trùng tu, nâng tầm các di tích lịch sử văn hóa. Khuyến khích hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, nhất là lễ hội, các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống. Trên cơ sở đó xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo điểm nhấn cho bức tranh du lịch chung của huyện Yên Dũng”. 
Theo Báo Bắc Giang
Ngày cập nhật: 07/07/2020 Lượt xem: 589