Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh TITC
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết ngành du lịch có bước tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2015-2019, đóng góp trên 9,2% vào GDP và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn.Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng.Trước tình hình đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động.Công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam được đẩy mạnh, nhất là trên các nền tảng số.
Với nỗ lực của toàn ngành, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Doanh nghiệp du lịch đã quay trở lại thị trường và bắt đầu hồi phục.Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, đã có 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, vượt chỉ tiêu kế hoạch toàn ngành đề ra trong năm nay. Mặc dù vậy, lượng khách du lịch quốc tế còn hạn chế. Cả nước mới đón 733.400 lượt khách quốc tế đến trong 7 tháng đầu năm 2022, đạt gần 15% so với kế hoạch đón 5 triệu khách quốc tế năm nay.
Nhằm tận dụng cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế những tháng cuối năm 2022, góp phần thúc đẩy ngành du lịch bứt phá, Tổng cục trưởng đề nghị ngành du lịch tập trung làm mới sản phẩm du lịch với các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được khai thác như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE). Bên cạnh đó, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại diễn đàn. Ảnh TITC
Các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc trở lại phục vụ trong ngành du lịch. Tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng, đào tạo lại nhân lực đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch. Quan tâm đến cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Bên cạnh đó cần đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch để bắt kịp với những yêu cầu mới của của thị trường, đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nhận định, du lịch quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài; hoạt động xuất khẩu tại chỗ và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp bách của hàng triệu lao động và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước đang hoạt động trong ngành du lịch.
Trao đổi về tình hình du lịch quốc tế và xu hướng du lịch quốc tế, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thông tin về 7 xu hướng quốc tế tại Việt Nam trong đó yếu tố an toàn là nhu cầu tối quan trọng đối với du khách sau đại dịch. Khách du lịch sẽ ưu tiên lựa chọn những điểm đến an toàn, có hệ thống y tế tốt, những dịch vụ, điểm du lịch đảm bảo quy định về vệ sinh và an toàn phòng chống dịch, đồng thời cũng sẽ có xu hướng đến những nơi riêng tư, có sự cách biệt để hạn chế tiếp xúc đông người.
Phiên thảo luận. Ảnh TITC
Đại dịch khiến con người nhận thấy rõ hơn giá trị và tầm quan trọng của sức khoẻ do đó nổi lên xu hướng du lịch phục hồi sức khỏe và lựa chọn phương thức di chuyển nhanh, tiện nghi nhằm giảm tiếp xúc, rút ngắn thời gian di chuyển. Đồng thời du khách thích du lịch ngoài trời, trở về thiên nhiên, du lịch gắn với công nghệ cao, tính linh hoạt trong quá trình du lịch. Sau đại dịch, thay vì những sản phẩm du lịch đơn thuần, nhiều du khách hướng đến các sản phẩm du lịch mới có thể trải nghiệm bằng hình thức trực tiếp hoặc có thể bằng online.
Trao đổi về giải pháp phục hồi khách quốc tế, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng để tiếp cận tới 70% khách hàng tìm kiếm thông tin trước khi đi du lịch thì vẫn phải tận dụng tối đa các hoạt động xúc tiến, quảng bá truyền thống có hiệu quả, đồng thời bắt đầu chuyển sang xu thế mới trong đó quan trọng nhất là ứng dụng chuyển đổi số, phải xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn bên cạnh sử dụng các nền tảng thương mại để đưa sản phẩm dịch vụ du lịch đến với khách hàng trực tiếp.
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh TITC
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa của Hà Nội, ông Phùng Quang Thắng cho rằng cần phát triển sản phẩm du lịch bền vững dựa vào lịch sử, vào cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của khách; tăng cường kết nối hợp tác trong phát triển sản phẩm; sáng tạo trong phát triển nội dung, chú trọng yếu tố khác biệt; luôn đổi mới hình thức khám phá và trải nghiệm đích thực.
Theo Trung tâm Thông tin du lịch