Như "ngọc càng mài càng sáng", sợi mỳ chũ cũng phải trải qua một quy trình khắt khe cùng đôi bàn tay khéo léo của người thợ làm mỳ. Mỳ chũ kén gạo. Ngoài gạo Bao Thai thơm ngon được cấy trên vùng đồi Lục Ngạn thì chỉ có những hạt gạo trắng trong, căng tròn của quê lúa Thái Bình mới được dùng làm nguyên liệu làm mỳ. |
Gạo được sàng lọc kỹ càng, vo sạch bụi bẩn, loại bỏ tạp chất rồi ngâm nước trong vòng 4 - 8 tiếng đồng hồ rồi mới được đem xay nhuyễn thành thứ bột sánh mịn. |
Mỳ chũ ngon cũng bởi được phơi tự nhiên. Sợi mỳ như thu cả hương vị của cái nắng, cái gió núi đồi Lục Ngạn. |
Khâu thái mỳ hết sức quan trọng. Sợi mỳ có 3 loại: mỳ sợi to, sợi nhỏ và mỳ sợi vừa. Dù là mỳ sợi loại nào cũng đòi hỏi người thợ phải đưa đều tay mới thái được những sợi mỳ tăm tắp. |
Bó mỳ đòi hỏi người thợ phải nhanh tay, khéo léo. Các bó mỳ phải được cuộn chặt, tròn, sợi không bị rối, trọng lượng tương đương nhau. |
Người dân vùng Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang kể rằng: Từ xa xưa, một người Hoa kiều tên là Cả Tòng đến ngôi làng Thủ Dương ven bờ sông Lục làm ăn, sinh sống. Cứ năm hôm một lần, ông lại cùng vợ gánh những gánh mỳ trĩu nặng, qua đò sang sông bán ở chợ Chũ. Người dân quanh vùng mua mỳ của ông về ăn thấy ngon, truyền tai nhau mua ở chợ Chũ. Cứ như vậy, tên gọi mỳ Chũ trở nên thân quen, phản chiếu đời sống văn hóa và tâm hồn người dân Lục Ngạn lúc nào không hay. |