Những ngày đầu năm 2022, giáp tết nguyên đán Nhâm dần cận kề, tôi có dịp về tìm hiểu nguồn gốc loài sâm Nam quý hiếm có trên núi Dành nằm trên địa bàn 02 xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang – Một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của huyện Tân Yên.
Nằm cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 15 km về hướng Tây Bắc ở độ cao khoảng 117 m so với mực nước biển ( núi Dành là đỉnh núi cao thứ hai sau núi Đót ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên). Núi Dành xưa kia thường gọi là Núi Chung Sơn, phần lớn diện tích núi nằm trên địa bàn xã Liên Chung và một phần của xã Việt Lập. Theo tương truyền cùng các tư liệu lịch sử, sâm Nam núi Dành được phát hiện từ thời vua Tự Đức, khi ấy mẹ ông trở bệnh dẫn đến mờ lòa cả hai mắt. Chạy chữa nhiều nơi không khỏi, năm đó, nhờ lấy được củ sâm Nam trên đỉnh núi Dành đem về chữa cho đôi mắt bà sáng trở lại. Hàng năm, sâm Nam núi Dành được săn tìm dâng lên tiến Vua. Tiếng lành đồn xa, nhiều người cất công lên núi Dành tìm kiếm, khiến sâm Nam ngày càng khan hiếm. Ở thế kỷ trước sâm Nam núi Dành như dần bị lãng quên, sau nhiều nỗ lực của các nhà khoa học cùng các cấp chính quyền và nhân dân, sâm Nam núi Dành đã hồi sinh được nhiều khách hàng khắp biết tới. Mấy năm gần đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn 02 xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên ( Bắc Giang) phát triển kinh tế mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến sâm Nam núi Dành cho nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ông Dương Văn Viên 68 tuổi ở thôn Lãn Chanh 1. Năm 1983, ông đào được cây sâm tổ trên núi Dành mang về trồng ở vườn đến nay ông Viên đã có 02 khu vườn trồng sâm Nam núi Dành với diện tích 3.200 m2. Từ năm 2019 đến nay, thu nhập bình quân của gia đình ông Viên từ bán sâm củ và sâm giống mỗi năm khoảng 800 triệu đồng.
Năm 2008, Ông Thân Hải Đăng, sinh năm 1969, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ Sâm Nam núi Dành Việt Lập ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập (Tân Yên) ông bắt đầu nhân giống từ cây sâm tổ được bà ngoại lấy về từ núi Dành trồng ở vườn để làm thuốc. Hiện nay gia đình ông có khoảng 01 ha vườn trồng sâm Nam sát chân núi Dành. Từ năm 2019 đến nay, thu nhập từ bán sâm củ, sâm giống và trà hoa sâm mỗi năm bình quân đạt 1 tỷ đồng/năm.
Ông Đăng bên tủ rượu sâm Nam núi dành do chính sản phẩm của gia đình làm ra
Trao đổi với Ông Nguyễn Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết: “ Năm 2021, Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho UBND huyện Tân Yên cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “ Núi Dành” cho sản phẩm sâm Nam. Với lợi thế tiềm năng sẵn có cây sâm Nam núi Dành đã hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng ổn định. Hiện nay, giá tiêu thụ bán sâm củ loại 1 hiện nay là 2.000.000 đồng/kg; trà hoa sâm khô 700.000 đồng/kg; cây sâm Nam giống có giá dao động từ 15.000 đồng - 25.000 đồng/gốc (tùy theo số lượng tiêu thụ của khách hàng ). Trên địa bàn 02 xã Liên Chung và Việt Lập có diện tích trồng sâm Nam núi Dành khoảng trên 20 ha, hàng năm cho thu nhập lên tới hàng chục tỷ đồng. Trước mắt, củ sâm Nam núi Dành cần các nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu hơn về thành phần, khối lượng, dược chất và tác dụng hữu hiệu của nó đối với sức khỏe con người. So sánh với các giống sâm khác để khẳng định đẳng cấp, thứ hạng của loài sâm này.
Hiện nay, huyện Tân Yên đang cho quy hoạch vùng trồng sâm với diện tích khoảng 200 ha chủ yếu ở xã Liên Chung, Việt Lập và mở rộng vùng sang các xã An Dương, Tân Trung, Lan Giới đồng thời xây dựng “ Đề án phát triển cây sâm Nam núi Dành”. Để cây sâm phát triển nhanh, hiệu quả bền vững, huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư về liên kết trồng, thu mua chế biến nâng cao giá trị cây Sâm và quảng bá cho sản phẩm sâm Nam núi Dành đáp ứng mang tầm cỡ khu vực và quốc tế biết đến. Để cây Sâm Nam núi Dành và các sản phẩm được chế biến từ Sâm không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện gắn với địa danh núi Dành và quần thể di tích quanh vùng./.
Trần Ngọc Sơn
( Hạt Kiểm lâm Tân - Việt - Hòa)