Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Năng lực cạnh tranh, từng bước định vị thương hiệu du lịch Việt Nam

Năng lực cạnh tranh, từng bước định vị thương hiệu du lịch Việt Nam

Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng với sự phát triển của ngành du lịch ở các nước phát triển trên thế giới.

Ngày 14/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử (Nghị quyết 127). Theo đó, Chính phủ quyết nghị thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ.

Cùng ngày, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14/8/2023 sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 về việc miễn thị thực cho công dân một số nước (Nghị quyết 128): Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italy, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Năng lực cạnh tranh, từng bước định vị thương hiệu du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Ảnh: TTXVN)

So với Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 thì thời hạn tạm trú đối với công dân các nước trên sẽ được nâng từ 15 ngày lên 45 ngày.

Trước đó, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, thời hạn tạm trú đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được mở rộng lên 45 ngày, tăng 30 ngày so với thời hạn quy định trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014. Và bắt đầu từ ngày 15/8/2023, Luật này chính thức có hiệu lực.

Đây là những chính sách rất cởi mở, thông thoáng tạo điều kiện cho khách nước ngoài vào Việt Nam được thuận lợi, đặc biệt là đòn bẩy để đẩy mạnh du lịch Việt Nam phát triển tăng tốc trong thời gian tới.

Theo Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, việc Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết liên tiếp là Nghị quyết số 127 và Nghị quyết số 128 đã cụ thể hóa tất cả chính sách mới về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong đó có khách du lịch.

Đây là những văn bản thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để du lịch Việt Nam đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng tốc phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Tuy nhiên, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, để thu hút khách du lịch và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Từ việc xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng yêu cầu khách du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, khách có khả năng chi trả cao đến công tác xúc tiến, quảng bá ở những thị trường du lịch trọng điểm rất cần phải chú trọng.

Trong bối cảnh hiện nay nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam ngày càng cao lên và đặc biệt là khi chính sách nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam được mở rộng, thông thoáng và thuận tiện hơn thì nhu cầu tìm kiếm thông tin và du lịch Việt Nam tăng rất nhanh chóng.

Năng lực cạnh tranh, từng bước định vị thương hiệu du lịch Việt Nam - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách mới của Chính phủ, Quốc hội, trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trong đó có Cục Du lịch nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành những văn bản mới triển khai cụ thể hóa những cơ chế, chính sách này đặc biệt là đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Trên cơ sở đó ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm để từ đó định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai ngay và có những sản phẩm du lịch mới…

Đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng các điều điện về nhân lực để bảo đảm chất lượng cung ứng, chất lượng dịch vụ, công tác quản lý điểm đến ở các địa phương, đặc biệt là các trung tâm du lịch lớn giúp cho du khách đến Việt Nam được trải nghiệm đúng theo nhu cầu của họ mong muốn.

Để tổ chức thực hiện tốt, có kết quả thiết thực các văn bản mới của Chính phủ, Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị cần tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch và định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng với sự phát triển của ngành du lịch ở các nước phát triển trên thế giới.

Phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập và định vị thương hiệu du lịch Việt Nam. Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch.

Đặc biệt, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 82/NQ-CP.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ VHTTDL sẽ trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Đồng thời, phê duyệt một số đề án như Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm.

Theo BVHTTDL

Lượt xem: 1128