Bước vào nửa đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 với những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, ngành du lịch đã nỗ lực tạo nên kết quả tích cực, lấy lại đà tăng trưởng để xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước
Vượt qua thách thức chưa từng có tiền lệ
Năm 2019, đánh dấu bước phát triển đột phá của du lịch Việt Nam khi lần đầu tiên, Việt Nam thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng. Du lịch được đánh giá là tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước.
Cũng trong năm đó, Việt Nam được vinh danh với nhiều danh hiệu danh giá, giải thưởng du lịch toàn cầu. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Thế nhưng, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã cuốn đi toàn bộ thành quả mà ngành du lịch phải nỗ lực trong thời gian dài để có được.
Từ tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách du lịch quốc tế. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 78,7% so với năm trước, trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020. Cũng trong năm đó, 90% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng… Từ một ngành đóng góp 9,2% GDP, đóng góp của du lịch gần như quay về con số 0.
Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, du lịch nội địa được xem là bệ đỡ cho ngành.
Đại dịch Covid-19 được đánh giá là biến cố chưa từng có đối với ngành du lịch toàn cầu cũng như đối với du lịch Việt Nam, khiến ngành du lịch sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử và quay trở lại mức phát triển của nhiều chục năm trước. Theo dự báo của các chuyên gia vào thời điểm đó, ngành du lịch Việt Nam cần ít nhất 5 năm để phục hồi.
Vậy nhưng, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, bằng những nỗ lực của Bộ VHTTDL cũng như của toàn ngành du lịch, du lịch Việt Nam đã có sự hồi phục thần kỳ.
Trong năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,66 triệu lượt người, gấp 23,3 lần so với năm 2021. Lượng khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn gấp 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra năm 2022 là 60 triệu lượt khách và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.
Báo cáo mới nhất của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 6,6 triệu lượt, đạt khoảng 83% kế hoạch đặt ra cho năm 2023. Tổng số khách nội địa trong 7 tháng đầu năm đạt 76,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 7 tháng đầu năm ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng.
Lấy lại đà tăng trưởng để xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước
Nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ đã qua của ngành du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, một trong những thành công của ngành du lịch trong nửa đầu nhiệm kỳ đó là ngay trong giai đoạn khó khăn nhất của du lịch, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn để tạo nên sức bật mới cho du lịch Việt Nam.
Chính vì vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam vẫn có sự kết nối với các thị trường mục tiêu để thông qua đó cung cấp các thông tin về điểm đến, chất lượng dịch vụ. Qua đó, chúng ta vẫn duy trì được thông tin đối với khách, để khi chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022, khách du lịch quốc tế đã có cơ hội đến Việt Nam, trải nghiệm những điều mà trong đại dịch Covid-19 họ chưa thể thực hiện.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh
Bên cạnh đó, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, ngành du lịch cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đã tham mưu để Bộ VHTTDL tham mưu Thủ tướng Chính phủ chủ trì hai hội nghị rất quan trọng về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển du lịch là Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam năm 2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi-Tăng tốc phát triển".
Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững ra đời với 7 nhóm giải pháp rất cụ thể. Nghị quyết giao cho các bộ, ngành liên quan, các địa phương, các hiệp hội những định hướng rất quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới, đặc biệt là thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, đó là những bước đột phá để tạo nên kết quả rất tích cực trong thời gian qua đối với ngành du lịch.
Về nhiệm vụ trong nửa sau của nhiệm kỳ, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, ngành du lịch phải cố gắng tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững ban hành ngày 15/6 vừa qua.
Cụ thể, đối với Bộ VHTTDL, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã tham mưu để Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 82 của Chính phủ với 21 nhóm nhiệm vụ trực tiếp do Bộ VHTTDL chủ trì, cùng với đó là 23 nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương (10 bộ ngành địa phương và cùng với các hiệp hội sẽ tham gia triển khai).
"Chúng tôi cho rằng, việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 82 sẽ là tiền để để chúng ta lấy lại đà tăng trưởng của du lịch Việt Nam trong nửa cuối nhiệm kỳ cũng như đạt được những dấu mốc quan trọng hơn, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị", ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Đối với nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ báo cáo Bộ VHTTDL để trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, Cục sẽ trình đề án Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch và Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm.
Theo BVHTTDL