Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Xây dựng đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh – Một giải pháp cần thiết để thúc đẩy phát triển du lich ở Bắc Giang

Xây dựng đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh – Một giải pháp cần thiết để thúc đẩy phát triển du lich ở Bắc Giang

Bắc Giang là một vùng đất có bề dày lịch sử, có truyền thống văn hiến lâu đời. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã viết lên những trang sử vẻ vang của quê hương đất nước. Những trang sử vẻ vang đó còn ghi/đọng lại dấu ấn đậm nét bằng cả một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa của quê hương được bảo tồn, giữ gìn cho tới nay.

Khai thác và phát huy thế mạnh của tiềm năng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với ngành du lịch, trong thời gian tới khi mà phát triển du lịch đã được tỉnh Bắc Giang xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các quy hoạch, đề án chiến lược của Trung ương, của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Nghị quyết số 112/NQ/TU ngày 15/6/2021 về phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Các đề án, chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong nhiều năm gần đây, có thể nhận thấy, lượng khách tham quan du lịch đến tỉnh Bắc Giang ngày càng tăng, đặc biệt là đến các điểm di tích lịch sử văn hóa. Một số điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh như chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), cây Dã Hương ngàn tuổi (Lạng Giang), hệ thống di tích lăng đá Hiệp Hòa, Khu thắng tích Suối Mỡ (Lục Nam), Hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần (Lục Ngạn), Các điểm du lịch sinh thái cộng đồng Bản Ven, Yên Thế; vùng cây ăn quả Lục Ngạn; Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử, cùng nhiều ngôi đình, chùa, đền cổ kính ở các địa phương trong tỉnh đã trở thành các điểm đến không thể thiếu được của du khách khi đặt chân đến tỉnh Bắc Giang.

Tham quan di tích lịch sử, văn hóa, mắt thấy và được nghe giới thiệu về di tích là một điều không thể thiếu được của mỗi đoàn khách. Người thuyết minh đóng một vai trò rất quan trọng. Hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch về di tích không chỉ là cầu nối giữa du khách và Ban quản lý các khu, điểm di tích mà còn giới thiệu, truyền bá giúp du khách cảm nhận đầy đủ ý nghĩa của từng di tích lịch sử, văn hóa. Những ai đã từng đến thăm chùa Vĩnh Nghiêm, thăm cây Dã hương ngàn tuổi, thăm quan các ngôi đình, chùa  đều cảm nhận được sự cổ kính và những giá trị văn hóa ẩn chứa bên trong các di vật tại di tích. Chúng tôi đã từng đưa rất nhiều đoàn khách đến thăm chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) song nếu chỉ đến thắp hương và hành lễ đơn thuần không có hướng dẫn về di tích thì có lẽ cảm nhận cũng chỉ như biết bao ngôi chùa khác trên cả nước và chưa hiểu hết về giá trị của di tích này. Tuy nhiên nếu được nghe hướng dẫn, nghe giới thiệu sâu về di tích, về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, về chốn Tổ Vĩnh Nghiêm do vua Trần Nhân Tông và các vị tổ sáng lập, về kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, về vùng đất, con người nơi đây thì chắc chắn sự đánh giá về di tích cũng như giá trị của di tích sẽ được nhân lên bội phần.

Thuyết minh viên tại điểm (là người địa phương) tại di tích Cây Dã hương ngàn tuổi xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang giới thiệu cho du khách tham quan.

Từ thực tế công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có thể nhận thấy việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thuyết minh, hướng dẫn viên về di tích lịch sử, văn hóa còn nhiều bất cập:

Số lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên chuyên nghiệp về di tích, lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh còn quá ít và hầu như chủ yếu là đội ngũ cán bộ trong ngành VHTTDL. Hướng dẫn viên về du lịch có kỹ năng, có khả năng nghiệp vụ tốt thì có nhiều nhưng để nắm bắt được các kiến thức về lịch sử di tích, về văn hóa thì rất ít nên khả năng giới thiệu chuyên sâu về di tích còn hạn chế.

Lượng khách du lịch đến tỉnh thường nhỏ lẻ, số đoàn có nhu cầu thuyết minh viên tại chỗ không nhiều, dẫn tới thuyết minh viên ở nhiều khu, điểm du lịch không có điều kiện hoạt động. Hơn nữa, thuyết minh viên du lịch di tích là nghề khó, đòi hỏi phải thường xuyên cập nhật kiến thức, tự nâng cao khả năng ngoại ngữ, có sức khỏe, có khả năng ứng biến, giao tiếp tốt, ngoại hình đẹp trong khi thu nhập thấp nên không thu hút được sinh viên tốt nghiệp du lịch văn hóa về công tác tại địa phương.

Một số điểm di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh chưa tổ chức đào tạo, tổ chức thi thuyết minh viên chuyên về di tích. Có thể nhận thấy tại chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế, Địa điểm chiến thắng Xương Giang; Khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử và một số điểm di tích lớn của tỉnh từng đón tiếp rất nhiều các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đoàn khách trong nước và ngoài nước song đến nay hầu như chưa có một đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn chuyên sâu, có khả năng giới thiệu hay, truyền cảm về di tích.

Trong thời gian tới để phát huy tốt giá trị của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đối với công tác du lịch,  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng các địa phương có điểm tham quan du lịch cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp :

Thứ nhất : Tổ chức mở các lớp đào tạo về thuyết minh, hướng dẫn viên du lịch về di tích cũng như có kế hoạch cử cán bộ, tuyển chọn cán bộ có khả năng, kinh nghiệm về công tác thuyết minh di tích lịch sử, văn hóa đi đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ thuyết minh cả về kiến thức văn hóa, kỹ năng giao tiếp và khả năng ngoại ngữ.

Thứ hai: Tổ chức thi tuyển chọn hướng dẫn viên, thuyết minh viên di tích. Trước mắt cần chọn hướng dẫn viên ở một số di tích lớn, trọng điểm của tỉnh có số lượng khách đến đông. Chú trọng đến các thuyết minh viên là người địa phương, bản địa am hiểu phong tục, tập quán có kiến thức thực tế về lịch sử, văn hóa Bắc Giang.

Thứ ba: Cần có cơ chế tuyển dụng cũng như có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với những cán bộ làm công tác này để họ yên tâm làm tốt nhiệm vụ. Cần có cơ chế linh hoạt về tài chính và các chế độ đãi ngộ trong việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên hướng dẫn, thuyết minh di tích tại điểm để giám bớt áp lực về biên chế.      

Thực hiện được những giải pháp trên chắc chắn sẽ góp phần phát huy tốt giá trị về hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Bắc Giang, tuyên truyền quảng bá hình ảnh văn hóa, vùng đất con người Bắc Giang đối với du khách, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

Theo CTTĐT SVHTTDL BG
Lượt xem: 4201