Địa danh Yên Thế gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân chống thực dân Pháp xâm lược do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo kéo dài gần 30 năm, một trong những cuộc khởi nghĩa bền bỉ nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đã hơn 1 thế kỷ qua, trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích, di tích quý báu của cuộc khởi nghĩa, đó không chỉ là những chứng cứ và tài sản vô giá của lịch sử mà còn là địa chỉ đỏ cho tham quan du lịch, lịch sử hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Để đánh giá đúng tầm vóc lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, ngày 10/5/2012 thủ tướng chính phủ đã ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đăc biệt đối với những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế. 23 điểm di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt nằm trên địa bàn 4 huyện: Yên thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng; trong đó huyện Yên Thế có 9 điểm gồm: Đồn Phồn Xương, Đền Thề, Đồn Hố Chuối, chùa Lèo, đồn Hom, đình Dĩnh Thép, đền Cầu Khoai, chùa Thông, động Thiên Thai.
2. Đền Thề: nằm ở trung tâm khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, thị trấn Cầu Gồ, đối diện đồn Phồn Xương, đại bản doanh của nghĩa quan Yên Thế. Đền được xây dựng vào cuối thế kỉ 19, được làm bằng tranh, tre, nứa, lá. Đến năm 1897, Hoàng Hoa Thám cho tu sửa lại ngôi đền có kiến trúc bằng gỗ lim, lợp ngói, gồm tiền đường 3 gian 2 dĩ và hậu cung 2 gian. Đền có ý nghĩa lớn đối với hệ thống di tích khởi nghĩa Yên Thế. Bởi lẽ đây là nơi cầu siêu cho các nghĩa sĩ của phong trào và là nơi tế cờ hội thề của nghĩa quân trước khi ra trận đánh giặc. Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế kêt thúc, người dân đã đưa tượng của Đề Thám vào đây thờ chung với tượng phật và từ đó đến nay người dân quen gọi là Đên Thề của nghĩa quân. Ngày nay ngôi đền này cũng đươc coi là nơi linh thiêng nhất của huyện Yên Thế, là nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân trong vùng Yên Thế nói riêng và du khách trong và ngoai tỉnh nói chung.
3. Đồn Hố Chuối: nằm ở bên bờ suối Gồ - địa phận xã Phồn Xương. Di tích này được xây dựng từ giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế (1887-1891). Sỡ dĩ mang tên Hố Chuối bởi đồn được xây dựng ở giữa một khu thung lũng lòng chảo đầy chuối rừng của vùng núi Hữu Thượng (nay thuộc xã Phồn Xương). Đây là một căn cứ quân sự quan trọng của nghĩa quân Đề Thám. Hệ thống đồn được xây dựng khá kiên cố. Đồn hình chữ nhật rộng khoảng 1 ha, xây đắp theo kiểu thành vô băng, 4 góc thành có tai nhô ra để quan sát và bắn ra, lũy đồn có mũ và lỗ châu mai, có ba cửa. Một cửa thông ra suối Gồ và có thể rút về núi khi cần thiết. Ngoài các hệ thống tường lũy bao quanh, nghĩa quân còn đào hàng loạt hầm chông dày đặc. Đặc biệt, căn cứ lại được cây rừng che khuất khiến cho Đồn Hố Chuối trở thành một căn cứ địa bất khả xâm phạm.
Đồn bị bỏ không từ sau năm 1892 về sau không sử dụng nữa. Tới năm 1970-1975 các bờ lũy vẫn còn rõ, có chỗ cao tới gần 2m. Từ năm 1980 trở đi thì dân ra canh tác san lấp dần. Hiện nay, đồn Hố Chuối luôn là địa điểm căn cứ được Ban CHQS huyện chọn làm nơi tổ chức các đợt thi Hội thao Lực lượng vũ trang hàng năm với nội dung chủ yếu là bắn súng. Một vinh dự lớn đối với nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế là năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bắc Giang đã lựa chọn đồn Hố Chuối là điểm tổ chức phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Tỵ năm 2013, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã tới dự phát động và trồng cây tại buổi lễ, để tạo cho đồn có phong cảnh rừng núi rậm rạp trở lại như ngày xưa. Tuy nhiên, những kiến trúc của đồn Hố Chuối như: Thành luỹ và những pháo đài ở các góc; Thành đắp hình chữ nhật chất liệu bằng đất lẫn đá và những lỗ châu mai; hệ thống giao thông hào chằng chịt đã không còn giữ được hiện trạng. Do vậy, điểm di tích này cần được các nhà quản lý trùng tu và bảo tồn.
Đồn Hố Chuối thời kì khởi nghĩa 4. Chùa Lèo: Chùa nằm trên đồi cao của thôn Lèo, xã Phồn Xương nên gọi là chùa Lèo. Chùa được Hoàng Hoa Thám cho xây dựng để làm căn cứ chiến đấu và cũng là địa điểm lien lạc của nghĩa quân. Nơi đây thực dân Pháp đã nhiều lần thua trận, vào ngày 26/11/1897 thực dân Pháp đã phải đề nghị hoà hoãn lần thứ hai với nghĩa quân Yên Thế. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Lèo còn là nơi cứu chữa thương binh, là trụ sở uỷ ban hành chính kháng chiến. Cho đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Lèo là cứ điểm phòng không bắn máy bay Mỹ.
Chùa gồm 5 gian kết cấu khung gỗ lợp ngói mũi xây tường gạch. Trong chùa thờ các tượng Phật. Ngôi chùa này là cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và nghĩa quân, cũng là nơi làm lễ cầu siêu cho các tử sỹ của nghĩa quân. Sư ông chùa Lèo tương truyền là người chết thay cho thủ lĩnh Đề Thám. Cứ vào ngày 15/3 dương lịch hàng năm, Đảng bộ và nhân dân xã Phồn Xương lại nô nức tổ chức lễ hội với lễ dâng hương và các hoạt động văn hoá văn nghệ thể thao sôi nổi, như hội diễn văn nghệ quần chúng, hội trại thanh niên, thi chọi gà, cờ tướng, bóng đá, kéo co, võ vật … Năm 2011, 2012 chùa Lèo đã được đầu tư trên 3 tỷ đồng để cải tạo nâng cấp theo phương châm xã hội hóa và nhà nước hỗ trợ. Du khách đến thăm chùa Lèo có thể kết hợp với thăm khu di tích Phồn Xương, đồn Hố Chuối.
5. Đồn Hom: nằm ở bản Hom, xã Tam Hiệp. Căn cứ đồn Hom có một đồn chính và đồn phụ ở ba phía xây dựng trên bốn ngọn núi cao hiểm trở trong dãy Cai Kinh (nay thuộc xã Tam Hiệp). Đồn chính do Đề Thám trực tiếp chỉ huy nằm trên một ngọn đồi cao khoảng 30m về phía đông, phía bên trái đồn chính, qua lũng Nhỏm trên một dải đồi cao là đồn Cả Trọng, bên phải là đồn của Bà Ba. Ba đồn ở thế chân kiềng rất vững. Hiện nay khu đồn Hom dấu tích chiến hào vẫn còn rõ, có điều khi này chưa có biển chỉ dẫn và chưa có lối lên tham quan.
6. Đình Dĩnh Thép: nằm ở xã Tam Hiệp, là nơi đại hội các thủ lĩnh của phong trào vào năm 1888 để bầu ra thủ lĩnh và các tướng lĩnh. Đình Dĩnh Thép được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa, tôn tạo qua nhiều giai đoạn. Năm 1907, Hoàng Hoa Thám đã cho tu sửa, tôn tạo ngôi đình nhằm bảo tồn giá trị văn hoá cổ của di tích. Di tích hiện nay được tu sửa tôn tạo khang trang gồm ba gian hai chái toà tiền đình nối hậu cung hai gian tạo bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh. Các vì mái liên kết đơn giản kiểu vì kèo cánh báng các cấu kiện kiến trúc không chạm khắc. Trong đình thờ thần Cao Sơn, Quý Minh, Minh Giang Đô Thống, thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế tử trận, họ đã có nhiều công lao với dân với nước. Đình còn bảo lưu được một số đồ thờ tự có giá trị và ba tấm bia đá thời Nguyễn có nội dung ghi về việc công đức tu sửa đình. Nhân kỷ niệm 130 năm lễ hội khởi nghĩa Yên Thế, huyện Yên Thế đã đúc tượng đồng anh hùng Hoàng Hoa Thám bằng nguồn xã hội hóa và bức tượng cũ được chuyển đặt vị trí uy nghiêm tại Đình Dĩnh Thép.
Đình Dĩnh Thép là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử chính trị gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân địa phương. Từ xưa tới nay đình Dĩnh Thép còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân, lễ hội diễn ra ngày 6 tháng Giêng âm lịch và ngày 16 tháng 3 dương lịch với nhiều trò chơi dân gian thể hiện tinh thần thượng võ, khát vọng tự do của người dân Yên Thế như hội thi thả chim, hội thi cưỡi ngựa bắn cung, bắn nỏ, đấu võ dân tộc, đấu vật... Đây là niềm tự hào của người dân xã Tân Hiệp nói riêng và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế nói chung.
7. Đền Cầu Khoai (còn gọi là đền Cô): thuộc xã Tam Hiệp, cách trung tâm đồn Phồn Xương khoảng 2km về hướng Tây Bắc. Đền được xây dựng năm 1524 và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Quần thể di tích đền Cầu Khoai hiện nay gồm các hạng mục công trình: Cổng đền, khuôn viên, khu đền chính và chùa Hoài Âm, tất cả tọa lạc trong khu đất rộng đẹp bên cạnh trục đường 292. Ngôi đền hiện nay có bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh gồm tòa tiền tế và hậu cung. Kiến trúc vì mái đơn giản không chạm khắc cầu kỳ. Trong hậu cung bài trí tượng thờ hai Cô và các thị nữ hầu cận. Phía sau ngôi đền là chùa Hoài Âm được nhân dân địa phương xây dựng sau này với ý nghĩa cầu báo ân đức siêu thoát cho linh hồn hai cô con gái họ Đàm. Ngôi chùa có bình đồ kiến trúc hình chữ đinh gồm tòa tiền đường và tòa thượng điện. Phần kiến trúc gỗ, liên kết vì mái đơn giản không chạm khắc. Tòa thượng điện bài trí hệ thống tượng Phật đầy đủ.
Khu di tích đền Cầu Khoai không chỉ là nơi tôn thờ những nhân vật lịch sử có nhiều công lao với dân, với nước mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Quần thể di tích còn nằm trong số đất đai do nghĩa quân Yên Thế cai quản trong thời kỳ khởi nghĩa, xung quanh khu vực đền là cả một hệ thống đồn lũy của nghĩa quân Yên Thế. Đền Cầu Khoai là một trong số nhiều điểm căn cứ của nghĩa quân Yên Thế trong thời kỳ khởi nghĩa. Cũng tại khu di tích này, nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp đã nhiều phen ở thế giằng co rất quyết liệt, nghĩa quân tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, tiêu biểu như trận đánh đồn Hom bên cạnh đền Cầu Khoai. Quần thể di tích đền Cầu Khoai- chùa Hoài Âm là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Lễ hội hàng năm được tổ chức vào các ngày 23, 24, 25 tháng Giêng âm lịch với nhiều nghi lễ và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
8. Chùa Thông: Chùa Thông thuộc xã Đồng Lạc cách trung tâm huyện Yên Thế khoảng 3km về phía Đông Nam. Bởi chính ngôi chùa này là nơi nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp họp bàn ký hòa hoãn lần thứ nhất (1894-1897). Ngày trước vào năm 1984 khu này chùa vẫn còn, và còn cả những cây thông. Sau đó thì bị đổ nát và thong cũng bị chặt. Năm 1992, chùa được tu tạo lại và đón khách tham quan.
9. Động Thiên Thai: thuộc xã Hồng Kỳ, có tổng diện tích trên 1 ha là một trong những điểm di tích đặc biệt thuộc quần thể di tích của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Tại đây nhân dân đã lập lên ngôi chùa để tôn thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm - một danh nhân yêu nước tài hoa, nhiều công đức, đầy bản lĩnh mà những trang sử chống xâm lược thực dân những năm 90 của thế kỷ XIX không thể không nhắc đến tên ông. Thời kì khởi nghĩa, ông đã rời quê hương Thái Bình chọn Yên Thế làm điểm dừng chân. Ông cho lập đồn điền xây dựng lên các ấp, khai khẩn đất đai,tích lũy hương thảo, chiêu mộ binh sỹ nhằm liên kết với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám khởi binh. Việc ông xuất hiện ở đây, đã góp phần củng cố lực lượng của nghĩa quân HH Thám. Nhằm động viên ý chí chống Pháp của nhân dân các tỉnh Đồng bằng và Trung du Bắc Kỳ, nên cuộc khởi nghĩa của ông đã nổi danh với tên gọi “Thứ nhất Ông Kỳ – Thứ nhì ông Thám”.
Động Thiên Thai xưa vốn chỉ là khu nhà tranh nhỏ bé được Kỳ Đồng xây dựng lên. Sau đó chính nhân dân lại biến nó thành đền thờ phụng Kỳ Đồng (sau khi ông mất). Đền có bố cục theo kiểu chữ đinh (J), gồm toà tiền đường 5 gian và hậu cung 2 gian. Kết cấu khung chịu lực bằng gỗ, kiểu dáng kiến trúc khung mái đơn giản kiểu kẻ chuyền, trụ giá chiêng được bào trơn đóng bén, không chạm khắc hoa văn cầu kỳ, phía trước hậu đường đắp nổi ba chữ Thiên Thai động, nền đền lát gạch vuông truyền thống, mái lợp ngói mũi. Cửa đền được xây cuốn hình vòm gồm 3 cửa, cửa giữa cao và to hơn cửa hai bên, cánh cửa được đóng bằng gỗ, kiểu bức bàn. Trong đền được bài trí tượng thờ và nhiều đồ thờ tự khác.Ngày nay, di tích đã được quan tâm tu tạo khang trang để phục vụ nhân dân.
Hệ thống di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế có giá trị đặc biệt lưu lại những dấu ấn quan trọng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Mỗi di tích trong hệ thống di tích về cuộc khởi nghĩa Yên Thế đều phản ánh trực tiếp quá trình xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu của nghĩa quân từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Hàng năm vào dịp lễ hội Yên Thế (15,16,17 tháng 3 dương lịch) thu hút lượng lớn du khách thập phương về trảy hội cũng như tham quan tìm hiểu các di tích. Đây là một lễ hội lịch sử lớn của tỉnh Bắc Giang, có ý nghĩa quan trọng trong việc biểu dương sức mạnh đại đoàn kết nhân dân các dân tộc, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần thượng võ, lòng tự hào dân tộc, tinh thần độc lập tự cường; phát huy những nét đẹp về di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của ông cha ta trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế nói riêng và quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm nói chung./.
Nguyễn Thúy