Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Di tích lịch sử văn hóa Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn, Kiếp Bạc: Hành trình trở thành di sản thế giới

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn, Kiếp Bạc: Hành trình trở thành di sản thế giới

Cánh cung Đông Triều (thường được gọi là dãy núi Yên Tử) có chiều dài khoảng 270 km, thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố phía Đông Bắc, song những địa danh được biết đến nhiều nhất, với quần thể di tích và danh thắng tiêu biểu nhất, thuộc ba tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. 

Dãy núi Yên Tử như con rồng lớn đang vươn mình ra biển. Đầu rồng là đỉnh Yên Tử, cao 1.068 m (thuộc tỉnh Quảng Ninh); thấp dần về phía Tây, được ví như mình rồng là các đỉnh: Phật Sơn, Ngọa Vân, Hồ Thiên, Thanh Mai, Quan Âm, Huyền Đinh… trải dài trên địa bàn ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương.

Còn dãy núi Phượng Hoàng (thuộc tỉnh Hải Dương) là khu vực thấp nhất được ví như đuôi rồng. Với những giá trị nổi bật, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc thuộc địa bàn ba tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đang đứng trước cơ hội được UNESCO công nhận là Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.

 Đoàn công tác Hội Khảo cổ học Việt Nam kiểm tra công tác khai quật tại chùa Cao, xã Khám Lạng (Lục Nam).

Đoàn công tác Hội Khảo cổ học Việt Nam kiểm tra công tác khai quật tại chùa Cao, xã Khám Lạng (Lục Nam).

Nhận diện những giá trị nổi bật

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là một cảnh quan văn hóa dạng chuỗi liên hoàn, tiến triển hữu cơ trên địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Tổng thể di tích có 32 bộ phận cấu thành thuộc 18 cụm, là thành phần của 6 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà (Bắc Giang). Các vùng đệm của những di tích này là những cánh rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ…

Thuộc tính nổi bật của quần thể di tích là nơi hiện hữu nhiều công trình tín ngưỡng, tâm linh như: Đền, miếu, am, chùa, lăng mộ, bảo tháp và các địa điểm linh thiêng liên quan khác thờ Phật, các vị thần linh, Anh hùng dân tộc... Nổi bật ở vùng đất này đó là nơi phát tích Thiền phái Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sáng lập Phật giáo Trúc Lâm, tạo tiền đề để các vị tổ sư, thiền sư, tăng ni đến đây tu tập, phát tâm tín ngưỡng, biên soạn kinh văn, làm thơ, viết truyện, đắc đạo và nhập Niết bàn. 

Những chứng cứ lịch sử rõ nhất được tìm thấy ở nhiều am, chùa, đền, miếu, lăng tẩm, mộ tháp, kết hợp cùng những di chỉ khảo cổ quan trọng là những minh chứng sinh động về sự hình thành, phát triển cực thịnh của Phật giáo Trúc Lâm. Mặc dù hơn 7 thế kỷ đã qua song đến nay, tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm cùng với hệ thống di tích vẫn là những di sản văn hóa sống, được thực hành, gìn giữ và phát huy giá trị.

Nâng tầm giá trị

Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận Di sản thế giới là công trình nghiên cứu có giá trị đặc biệt quan trọng. Ý tưởng về việc xây dựng hồ sơ này đã được hình thành, khởi động thực hiện từ năm 2013. Tuy nhiên, đến năm 2015, việc triển khai xây dựng hồ sơ phải tạm dừng để xác định rõ và mở rộng, bổ sung các cụm di tích nhằm bảo đảm các cứ liệu chứng minh về những giá trị theo yêu cầu của UNESCO đối với hồ sơ di sản đệ trình, bao gồm: “Giá trị nổi bật toàn cầu”, “Tính toàn vẹn” và “Tính xác thực”.

Sau quá trình tập trung chuẩn bị, hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới đã hoàn thiện. Theo kế hoạch, hồ sơ đề cử sẽ chính thức được trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12 tới.

Từ năm 2020, ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã đồng thời triển khai các phương pháp nghiên cứu, chứng minh, tổng hợp, làm rõ giá trị của quần thể di tích. Trong đó đã tổ chức 6 hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm xác định giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của quần thể di tích. Thông qua đây đánh giá về các tài liệu hiện có, các kết quả nghiên cứu mới bổ sung, thống nhất các tiêu chí và nội dung cốt lõi về khu di sản đề cử, đồng thời nhận diện rõ các giá trị nổi bật toàn cầu, tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của hồ sơ, làm cơ sở vững chắc cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch bền vững của ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương.

Cùng với đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa - lịch sử; hệ thống kiến trúc di tích - cảnh quan; giá trị địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học trên phạm vi ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã được triển khai thực hiện. Những đề tài nghiên cứu khoa học này, ngoài việc phục vụ xây dựng hồ sơ còn là cơ sở phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực liên quan cũng như phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh toàn diện của mỗi tỉnh.

Để tiếp tục củng cố tư liệu phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, ba tỉnh đã tiến hành khai quật khảo cổ tại 9 điểm di tích, trong đó tại tỉnh Quảng Ninh khai quật 5 điểm (đền An Sinh, chùa Am Hoa, chùa Trại Cấp tại thị xã Đông Triều và Am Thung, chùa Bảo Đài tại TP Uông Bí); tại tỉnh Bắc Giang khai quật 3 điểm (chùa Đám Trì, chùa Hồ Bấc, chùa Cao ở huyện Lục Nam); tại tỉnh Hải Dương khai quật 1 điểm (chùa Thanh Mai ở TP Chí Linh).

Điểm nhấn bên sườn Tây Yên Tử

Tìm hiểu trong sử sách được biết, nếu sườn Đông Yên Tử (Quảng Ninh) là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập thì sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) là con đường Hoằng dương Phật pháp của Ngài. Sư tổ Đệ Nhị Pháp Loa và Đệ Tam Huyền Quang cũng theo con đường phía Tây Yên Tử hành đạo, Phật sự của Trúc Lâm. Trong suốt chiều dài lịch sử (thế kỷ XIII - XIV), ở hầu hết các núi trên cánh cung Đông Triều mà Yên Tử là tâm điểm đều được các hòa thượng tiền bối của Phật giáo Trúc Lâm cho xây dựng chùa, am, thiền viện. 

Bên sườn Tây Yên Tử, nhiều ngôi chùa cũng được xây cất trong giai đoạn này như: Am Vãi, Bình Long, Yên Mã, Sơn Tháp, Đám Trì, Hồ Bấc… , trong đó đại diện tiêu biểu là chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) hiện còn lưu giữ 3.050 tấm mộc bản kinh Phật, kinh Trúc Lâm bằng chữ Hán và chữ Nôm, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong 32 điểm/cụm di tích được lựa chọn đưa vào hồ sơ đề cử trình UNESCO.

Cùng với chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn (Việt Yên) là một trong hai điểm di tích của Bắc Giang được lựa chọn đưa vào hồ sơ. Chùa Bổ Đà là ngôi cổ tự có từ thời Lý, đến thời Trần là Trung tâm tôn giáo lớn thứ hai, sau chùa Vĩnh Nghiêm. Tại chùa Bổ Đà hiện còn lưu giữ gần 2.000 tấm mộc bản, chủ yếu là kinh Phật được khắc chữ Hán - Nôm, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Trong hành trình xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO, ngoài đưa hai di tích quốc gia đặc biệt trên vào hệ thống 32 điểm/cụm di tích tiêu biểu, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức ba cuộc khai quật khảo cổ tại ba điểm chùa thuộc sườn Tây Yên Tử gồm: Chùa Đám Trì (xã Lục Sơn), chùa Hồ Bấc (xã Nghĩa Phương) và chùa Cao (xã Khám Lạng), huyện Lục Nam. 

Cuối năm 2021, cuộc khai quật khảo cổ tại chùa Đám Trì được thực hiện bởi Hội Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Trên diện tích 300 m2, đoàn khai quật đã tìm thấy dấu vết kiến trúc thời Trần và thời Lê Trung Hưng. Với những dấu vết đã được phát lộ, các chuyên gia khẳng định chùa Đám Trì được xây dựng dưới thời Trần thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Năm 2022, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh tiếp tục khai quật khảo cổ tại chùa Hồ Bấc. Căn cứ vào diễn biến địa tầng và hệ thống di vật thu được trên diện tích khai quật 200 m2, các nhà khảo cổ xác định được lớp văn hóa của các thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau. Từ những cứ liệu lịch sử có thể thấy chùa Hồ Bấc có vị trí rất quan trọng trên hệ thống Huyền Đinh - Yên Tử. Đây được coi là điểm trung chuyển của hai tuyến đường hành hương lên đỉnh Yên Tử: Tuyến phía Tây đi từ chùa Vĩnh Nghiêm lên và tuyến phía Đông đi từ chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương) sang. Cả hai tuyến này đều gặp nhau ở chùa Hồ Bấc.

Năm 2022, các nhà khảo cổ khai quật tại chùa Cao trên diện tích 500 m2, đã xác định được ba công trình kiến trúc của thời Lý với đặc trưng là các móng cột được gia cố bằng sành, ngói và đất sét, có kết cấu tương tự như các móng cột thời Lý tìm được tại Hoàng thành Thăng Long và các địa điểm chùa thời Lý khác. Xác định được lớp văn hóa chứa di vật của thời Trần và thời Lê Trung Hưng nằm phủ đè lên lớp văn hóa của thời Lý.

Với hệ thống di tích hiện hữu thuộc hai di tích quốc gia đặc biệt: Chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, kết hợp cùng kết quả ba cuộc khai quật khảo cổ nêu trên, đã góp phần cung cấp các tư liệu khách quan, toàn diện, làm cơ sở để đánh giá tổng thể về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích đặt trong bối cảnh sự hình thành và phát triển của hệ thống di tích Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, đóng góp vào Hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Theo Báo Bắc Giang
Lượt xem: 3268