Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Di tích lịch sử văn hóa Bắc Giang:Nỗ lực bảo tồn hệ thống di tích tạo tiền đề cho phát triển du lịch

Bắc Giang:Nỗ lực bảo tồn hệ thống di tích tạo tiền đề cho phát triển du lịch

Đối với ngành du lịch thì hệ thống di tích là một trong những nguồn lực quan trọng và cơ bản để khai thác phát triển. Bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và nguồn nhân lực thì hệ thống tài nguyên du lịch trong đó có hệ thống di tích là một nhân tố rất quan trọng góp phần vào việc xây dựng sản phẩm, tạo nên hình ảnh thương hiệu du lịch. 
Đình Phù Lão - Huyện Lạng Giang, Bắc Giang
Nhận thức được vai trò tầm quan trọng của hệ thống di tích đối với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và đối với hoạt động du lịch nói riêng, thời gian qua tỉnh Bắc Giang có nhiều chương trình, kế hoạch, đề án bảo tồn phát triển hệ thống di tích từ đó tạo tiền đề quan trọng cho phát triển du lịch nhất là loại hình du lịch văn hóa tâm linh (một trong những loại hình thế mạnh của du lịch Bắc Giang) với nhiều chương trình, đề án, quy hoạch lớn tiêu biểu: Đề án Tổ chức Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử; Quy hoạch bảo tồn tổng thể di tích và danh thắng Tây Yên Tử giai đoạn 2011-2015; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên; Kế hoạch hỗ trợ tu bổ di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2025….

Khách tham quan Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dậy Công an Nhân dân - Huyện Tân Yên, Bắc Giang
Trong lĩnh vực tu bổ tôn tạo di tích, giai đoạn 2011-2019 đã có 445 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí khoảng 510 tỷ đồng (trong đó vốn NSNN các cấp là145 tỷ đồng; vốn xã hội hóa khoảng 365 tỷ đồng). Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, UBND tỉnh đã dành một phần ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tu bổ di tích giai đoạn 2020-2025 ( UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 02/10/2019). Theo đó, hằng năm bố trí khoảng 20 tỷ đồng cho tu bổ di tích.
Công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích cũng được trú trọng. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 730 di tích đã được xếp hạng, gồm: 04 di tích và cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt với 26 điểm; 101 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 603 di tích xếp hạng cấp tỉnh (giai đoạn 2011-2019, xếp hạng 206 di tích cấp tỉnh; 15 di tích cấp quốc gia; 04 di tích, cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt). Tỉnh Bắc Giang hiện có 03 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm: Mộc bản chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên; Hương án đá chùa Khám Lạng, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam; Bia hộp đá thời Mạc, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang. Còn Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Công tác bảo tồn và phát huy các di tích ngày càng được quan tâm đầu tư gắn với phát triển du lịch bền vững, nhất là đối với các di tích trọng điểm. Di tích Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 (2017-2021) với khoản kinh phí gần 100 tỷ đồng
Đối với di tích chùa Vĩnh Nghiêm năm 2017 khánh thành Nhà trưng bày lưu giữ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với tổng kinh phí đầu tư từ nguồn xã hội hóa và ngân sách nhà nước là hơn 30 tỷ đồng. Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Việt Yên, đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên. Đây là điều kiện để tăng cường quản lý, bảo tồn, huy động các nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo, đưa di tích thành điểm thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài tỉnh. 
Cồng vào Chùa Bổ Đà - Huyện Việt Yên, Bắc Giang
Tại Di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, UBND thành phố đầu tư xây dựng các công trình như: Đền Xương Giang và các hạng mục phụ trợ (nghi môn, tả vu, hữu vu, lầu trống, lầu chuông...), Nhà trưng bày và biểu diễn nghệ thuật... với tổng mức đầu tư là 221,62 tỷ đồng. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững thu hút đông đảo du khách tham quan tìm hiểu.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; lập hồ sơ đề nghị xếp hạng hàng chục điểm di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia; tổ chức các chương trình, đề tài khoa học nghiên cứu về sinh hoạt văn hóa, di tích, phong tục tập quán tín ngưỡng khu vực Tây Yên Tử; tổ chức 08 đợt khai quật khảo cổ để nghiên cứu về lịch sử văn hóa vùng Tây Yên Tử; xây dựng phòng trưng bày với chủ đề "Bắc Giang - Miền đất thiêng Tây Yên Tử" tại Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử và tại Bảo tàng Bắc Giang.
Thực tế thời gian qua,các điểm tích tiêu biểu của tỉnh đã trở thành điểm du lịch tham quan thu hút đông đảo du khách mỗi khi đến với Bắc Giang. Song song với đó, khi di tích được khai thác cho phát triển du lịch đã tạo ra một phần nguồn lực để đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản; đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho việc tăng cường giao lưu hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa từ đó càng làm tăng thêm giá trị của di sản. Với ý nghĩa đó, du lịch phát triển sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của di tích hay di sản văn hóa nói chung.
 Với quyết tâm, sự nỗ lực của tỉnh cùng với sự quan tâm của các cấp từ Trung ương đến địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./. 
Hà Bộ
Ngày cập nhật: 15/12/2020 Lượt xem: 593