Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Di tích lịch sử văn hóa Bảo tồn, tôn tạo di tích - Khi nội lực được khơi thông

Bảo tồn, tôn tạo di tích - Khi nội lực được khơi thông

Hiện nay tỉnh ta có 2.237 di tích các loại, trong đó có khoảng 500 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Trong những năm qua, việc bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích được các cấp, ngành quan tâm thường xuyên. Mỗi năm, hàng chục tỷ đồng được đầu tư sửa chữa, tu bổ, nâng cấp đình, đền, chùa, danh lam thắng cảnh… nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân. Trong số đó, phần lớn kinh phí được huy động từ nguồn lực xã hội hoá.

Đền Từ  Hả xã  Hồng  Giang- Lục Ngạn

Khu di tích đền Hả thuộc xã Hồng Giang (Lục Ngạn) là đền thờ tướng quân Vũ Thành (tức phò mã Thân Cảnh Phúc). Đây là di tích bao gồm đền Hả và chùa Thiên Đài, có vai trò đặc biệt đối với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, đồng thời đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Năm năm qua, với sự cố gắng của Ban quản lý di tích và nhân dân trong vùng, khu di tích đền Hả không hề để xảy ra vụ mất trộm hiện vật cổ, các hoạt động mê tín dị đoan luôn được ngăn chặn kịp thời. Hiện nay trong khu vẫn còn lưu giữ được 21 đạo sắc phong, đồ thờ, tế, chuông đồng, khánh đá, bia có niên đại từ năm Chính Hoà (1698). Đặc biệt, việc trùng tu, tôn tạo hàng năm được Ban quản lý di tích lập hồ sơ các hạng mục cần sửa chữa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng luật Di sản văn hoá. Tính từ năm 2005 đến hết 2009, bằng các nguồn vốn hỗ trợ và đóng góp của người dân, khu di tích đền Hả đã được đầu tư 1 tỷ 665 triệu đồng tu bổ đền Trung, Thượng, xây dựng nhà khách phù hợp với cảnh quan tổng thể. Năm 2010 này, Ban cũng đã lập hồ sơ đề nghị được trùng tu đền Hạ và chùa Thiên Đài với số vốn 1,1 tỷ đồng. Đáng chú ý là trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích, xã Hồng Giang đã phát huy tốt công tác xã hội hoá, khi khơi dậy được những nguồn lực trong dân. Thông qua việc tuyên truyền, vận động, nhiều cá nhân, tập thể đã có những hình thức hỗ trợ như bằng tiền mặt hoặc ngày công lao động. Ngoài ra, nguồn tiền công đức hàng năm cũng được Ban quản lý kiểm đếm bàn giao sử dụng đúng luật và đúng mục đích. Riêng tiền công đức trong năm 2010 này là 1,2 tỷ đồng, trong đó có những đóng góp lớn của các cá nhân như ông Thân Minh Nam, Trần Văn Hiền cùng một số doanh nghiệp trẻ, các dòng họ trên địa bàn xã như họ Giáp, Trần, Vi, Nguyễn…

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhất là từ khi có Luật Di sản văn hoá ( năm 2001). Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy di sản văn hoá ở Bắc Giang có những bước phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Theo số liệu kiểm kê, hiện này toàn tỉnh có 2.237 di tích các loại, trong đó có khoảng 500 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Trong những năm qua, việc bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích được các cấp, các ngành quan tâm thường xuyên. Mỗi năm, hàng chục tỷ đồng được đầu tư sửa chữa, tu bổ, nâng cấp đình, đền, chùa, danh lam thắng cảnh… nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân. Phần lớn kinh phí trong đó được huy động từ nguồn lực xã hội hoá.
Di tích chùa  Am Vãi
Trong Đề án xã hội hoá các hoạt động văn hoá - thông tin Bắc Giang giai đoạn 2006-2010 được UBND tỉnh phê duyệt có nêu rõ: “Lập quy hoạch quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích cách mạng, lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh. Thành lập Ban quản lý để quản lý các di tích ở địa phương. Khuyến khích các Ban quản lý di tích vận động nhân dân, các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vốn, sức người, sức của để giữ gìn, tôn tạo các di tích; ghi công đối với tập thể và cá nhân tham gia đóng góp tu bổ, tôn tạo các di tích cách mạng, di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh. Tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức, cá nhân truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hoá…”. Ngoài ra, năm 2001, Chủ tịch UBND tỉnh cũng có Chỉ thị số 07 về việc “Tăng cường bảo vệ di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh”… Thực hiện các văn bản, Chỉ thị trên, thời gian qua, nhiều địa phương đã thành lập được ban hưng công,, ban khánh tiết, hội bảo trợ-bảo vệ di tích…nhằm mục đích bảo tồn lâu dài, bền vững các di sản văn hoá tỉnh Bắc Giang. Với các tổ chức này, di tích trên địa bàn tỉnh thường xuyên được chăm nom, dọn dẹp phong quang, sạch sẽ, phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu. Cùng đó, với biện pháp tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều huy động được người dân trong việc tu sửa di tích. Với những nơi có điều kiện kinh tế, nhân dân đóng góp bằng tiền, hiện vật; những nơi còn khó khăn đóng góp bằng sức người, ngày công lao động…qua đó tạo được mối đoàn kết, gắn bó trong dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người. Đặc biệt hơn, học tập cách làm của ông cha, hiện này hầu hết các di tích sau khi được tu sửa, nâng cấp đều có bia ghi công đối với những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp. Đây cũng là một cách làm để tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ sau trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của quê hương. Với cách làm ấy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác xã hội hoá trong bảo tồn, tôn tạo di tích củ tỉnh Bắc Giang được người dân tích cực hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền của, công sức để bảo vệ di sản. Tính từ năm 2001 đến nay, kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hoá là hơn 40 tỷ đồng, chiếm gần 76% tổng số kinh phí đầu tư cho khoảng 200 công trình tu bổ di tích. Những địa phương làm tốt công tác này là Lạng Giang. Lục Ngạn, Việt Yên, Yên Thế...
Từ thực tiễn trên có thể thấy, để làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức tập thể, cá nhân, của cộng đồng dân cư. Thông qua đó thu hút, tập hợp quần chúng đóng góp, bảo vệ di tích; đồng thời sử dụng đúng mục đích các nguồn tài chính của di tích để phục vụ cho việc tu bổ…Ở Bắc Giang, những năm qua công tác ấy được triển khai, thực hiện một cách hết sức hiệu quả, qua đó góp phần khơi thông nguồn nội lực, thúc đẩy phát triển sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản văn hoá của nhân dân các dân tộc trong tỉnh./.
 Quốc Trường
Ngày cập nhật: 17/09/2014 Lượt xem: 508