Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Di tích lịch sử văn hóa Chùa Vĩnh Nghiêm - bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam

Chùa Vĩnh Nghiêm - bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam

Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) từ lâu đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến không chỉ đơn thuần là một điểm du lịch, bởi vẻ đẹp của kiến trúc và phong cảnh hữu tình hiếm thấy mà còn bởi bản sắc đặc biệt của văn hóa Phật giáo Việt Nam nơi đây…
Tọa lạc trên quả đồi thấp, bao quanh là những ngọn núi non, sông nước, chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính và tĩnh lặng thu hút vào tầm mắt của du khách thập phương là một phong cảnh hữu tình. Chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.
Tương truyền chùa được dựng từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tới thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) đều có các vị cao tăng tu hành nên chùa được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông (1258-1308) từ bỏ ngôi vua đã đến chùa Vĩnh Nghiêm thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập nên Thiền phái Phật giáo Việt Nam, Ngài cùng hai đệ tử là Pháp Loa và Huyền Quang tạo nên Trúc Lâm Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
Vì vai trò đặc biệt mà chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô rất lớn. Diện tích cả khu chùa rộng khoảng 10.000 m2, mở đầu là cổng Tam quan, đi vào hơn 100m là chùa Hộ (hay còn gọi là Tiền Đường). Đường vào chùa Hộ, xưa được trồng thông để chùa thành trốn tùng lâm hữu tình, hiện tại vẫn còn một vài cây đứng trên sân chùa như những chứng tích của thời gian. Ngay trên sân chùa là một tấm bia to 6 mặt đó là tấm bia năm Hoằng Định. Đây là dấu vết lâu đời nhất của chùa hiện còn. Đối diện với tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 8 vị sư, đều được xây dựng mãi sau này.
Từ chùa Hộ trở vào, các khối kiến trúc nối tiếp nhau xây trên trục chính theo một hướng đông nam và được phân cách bằng một khoảng sân hẹp. Trong chùa có 4 khối: Chùa Phật (các nhà Tiền đường tức chùa Hộ, Thiêu hương và Thượng điện) hình chữ “công” nhà tổ đệ nhất cũng hình chữ “công” - gác chuông hai tầng tám mái - nhà Tổ đệ nhị và nhà Trai Đường kiểu chuôi vồ. Hai bên còn có các dãy nhà Tả vu và Hữu vu, mỗi dãy gồm 18 gian rộng rãi là nơi hàng năm các sư về an cư kết hạ.
Quang cảnh chùa Vĩnh Nghiêm. (Ảnh: Mai Anh)

Cả 4 khối kiến trúc trên đều theo kết cấu khung gỗ cổ truyền, nhưng từ khối nhà Tổ đệ nhất trở về sau thì có thêm một số cột gạch và tường gạch hỗ trợ chịu lực. Ngay các thành phần kiến trúc gỗ, trừ bốn cột chính nhà Thượng Điện to lớn lực lưỡng bóng lộn là dấu vết thời gian của thời Lê, còn lại những cột kèo thanh thoát thời Nguyễn. Kiến trúc chùa thể hiện trình độ thẩm mỹ tuyệt vời của người xưa với toàn bộ cảnh chùa có độ cao thấp, sự giãn cách khác nhau, tạo ra một nhịp điệu phong phú. Song nói chung nó tuyệt đối không vươn cao đột ngột mà có xu hướng dàn trải, kéo dài theo chiều sâu, để luôn gây bất ngờ cho du khách.
Chùa Vĩnh Nghiêm vốn từ xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ các bộ ván khắc kinh, theo sách nhà chùa để lại “Tàng kinh các” rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá. Nhiều kệ ván in kinh vẫn còn. Đó là kho ván khắc in, người xưa gọi là Mộc thư khố, là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hiện tại có tất cả 3.050 bản khắc gỗ với 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh, sách chính: Loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại.
Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu thấy rằng, những mộc bản này đều do chính các nghệ nhân vùng Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương tổ chức khắc trong nhiều khoảng thời gian khác nhau. Vật liệu dùng làm bản khắc là gỗ thị và hầu hết được khai thác tại vườn chùa. Đây là loại gỗ thường được dùng để làm bản khắc in vì gỗ mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ.
Các mộc bản được khắc bằng chữ Hán hoặc Nôm với kĩ thuật khắc ngược , đây là một kĩ thuật rất khó và tinh vi để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Mỗi mặt khắc tương ứng với 2 trang sách. Kiểu chữ rất chân phương và sắc nét. Điều đó chứng tỏ các nghệ nhân người Việt xưa không chỉ giỏi về mặt kĩ thuật mà còn là những người rất am hiểu về cách thức tổ chức văn bản, cũng như thông thạo về chữ Hán và chữ Nôm, một loại hình chữ viết cổ có cấu tạo rất phức tạp của người Việt.
Các mộc bản có kích thước không đồng đều. Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40-50cm, bản nhỏ nhất khoảng 15x20cm. Qua quan sát, người ta thấy rằng, bề mặt các ván in được phủ một lớp màu đen bóng, đó chính là dấu vết của mực in còn sót lại trên bề mặt bản khắc sau những lần in ấn. Và cũng chính nhờ có lớp mực in này bảo vệ nên các bản khắc vẫn tồn tại bền bỉ qua thời gian mà không hề bị mối mọt, ẩm mốc phá hỏng.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu Thế giới, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: Mai Anh)

Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ Thiền phái làTrần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng. Nghiên cứu mộc thư khố, chúng ta có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam…
Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, giờ đây kho Mộc thư khố này được coi như là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, trong phiên họp chiều 16/5/2012 tại Bangkok (Thái Lan) Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Khi được cầm trên tay, tận mắt nhìn những con chữ khắc một cách tinh xảo trên đó, cảm giác của tôi như đang cầm báu vật, như đang chạm vào lịch sử Phật giáo Việt Nam, như đang cảm nhận hơi ấm của tiền nhân truyền lại hậu thế nhân gian những thông điệp về cõi người, về sự vô thường của trời đất vũ trụ bao la... Đúng là “Ai qua Yên Tử - Quỳnh Lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”. 
Theo Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch
Ngày cập nhật: 07/01/2015 Lượt xem: 614