Lễ hội Tiên Lục, Lạng Giang, Bắc Giang
Cụm di tích Tiên Lục nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 20km về phía Đông Bắc. Đây là một trong những điểm dừng chân lý tưởng cho các đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu học tập và tìm hiểu về những giá trị lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật và các lễ hội đặc sắc trên quê hương Bắc Giang. Cụm di tích Tiên Lục gồm một quần thể di tích nằm trong không gian thoáng đãng, thơ mộng của một vùng trung du tràn đầy sức sống. Cụm di tích gồm: Cây Dã Hương ngàn năm tuổi, đình Viễn Sơn, chùa Quang Phúc, đền Thánh Cả (đền Tiên Lục), đình Thuận Hoà. Cụm di tích Tiên Lục đã được Nhà nước công nhận là di tích Kiến trúc- Nghệ thuật cấp quốc gia.
Đình Viễn Sơn: Đình thuộc thôn Giữa, toạ lạc trên một sườn đồi thấp kề sát cây Dã Hương cổ thụ. Đình được xây dựng vào thế kỷ XVIII (thời Lê), thờ 2 vị thành hoàng làng là Cao Sơn và Quý Minh. Đây là hai vị tướng từ thời Vua Hùng đã có công trong các cuộc đánh giặc ngoại xâm đem lại sự yên bình cho đất nước, khi 2 vị thác đi luôn hiển thánh và phù hộ cho dân làng, xã tắc được an lành no ấm.
Đình Viễn Sơn được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ công chia thành 3 phần chính gồm có toà tiền đình, hậu cung và đình hậu. Đây là một ngôi đình có quy mô không lớn nhưng thay vào đó là sự nổi bật của nghệ thuật chạm khắc, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc ở phần tiền đình. Nội thất ngôi đình cũng được các cổ nhân chạm khắc công phu kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ và thực sự đã thổi hồn vào thớ gỗ. Bên cạnh đó tại đình Viễn Sơn vẫn lưu giữ được các đồ thờ có giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc nghệ thuật như: kiệu, ngai thờ, bộ bát biểu, kiếm gỗ, nồi hương, mâm đồng…
Điểm đến thứ hai là Chùa Quang Phúc và Đền Thánh Cả: Chùa Quang Phúc và đền Thánh Cả toạ lạc trên đỉnh đồi thông. Đây là 2 di tích có vị trí nằm ở trung tâm của xã Tiên Lục và ngoảnh hướng Nam. Chùa Quang Phúc được xây dựng từ thế kỷ thứ XVIII(khoảng thời Lê- Mạc), chùa được xây dựng trên quy mô rộng và có kết cấu kiến trúc liên hoàn, toàn bộ tổng thể ngôi chùa gồm có 35 gian, chùa được làm theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc. Toàn bộ phần tiền đường, hai dãy hành lang, gác chuông nối lại thành hình chữ quốc, phần còn lại là toà thiêu hương nối với thượng điện thành hình chữ công. Hiện nay trong chùa còn lưu giữ được nhiều pho tượng cổ quý giá, hệ thống tượng phật trong chùa Quang Phúc được bày đặt hợp lý và hoàn chỉnh, tượng phật được xắp xếp thứ tự từ thượng điện đến 2 dãy hành lang và bên dưới gác chuông, tất cả có khoảng 90 pho tượng. Với những giá trị nổi bật về kiến trúc của ngôi chùa cùng với hệ thống tượng phật đã tạo cho chùa Quang Phúc thêm phần thiêng liêng cổ kính. Nếu du khách đứng giữa chùa quan sát, chiêm ngưỡng các pho tượng cổ du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước nghệ thuật tạc tượng hết sức điêu luyện của các tiền nhân.
Cùng toạ lạc trên đồi Thông là đền Thánh Cả (đền Tiên Lục), đền nằm cách chùa quang Phúc khoảng 30m, thờ 2 vị thần Cao Sơn và Quý Minh và có sắc phong do Vua Lê Cảnh Hưng ban tặng.
Điểm đến thứ ba là Đình Thuận Hoà: Đình Thuận Hoà hay còn được nhân dân trong vùng quen gọi là đình Cây Bàng. Đình toạ lạc trên một khu đất rộng và bằng phẳng kế sát ngay đình là cây bàng cổ thụ um tùm quanh năm toả bóng mát, phía trước đình là đường 295 từ Vôi đi Tiên Lục, đình cách đồi thông chừng hơn 100m. Đình Thuận Hoà được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, đình thờ 2 vị thành hoàng làng là Cao Sơn và quý Minh. Đình có lối kiến trúc hình chữ đinh gồm 5 gian đại đình và 3 gian hậu cung. Cũng giống như đình Viễn Sơn, toàn bộ hệ mái của ngôi đình Thuận Hoà được làm bằng gỗ lim chắc khoẻ, các đề tài chạm khắc được bàn tay của các nghệ nhân thể hiện một cách hết sức tài tình, khéo léo. Hiện nay trong đình còn lưu giữ được nhiều đồ thờ có giá trị lịch sử như: 06 sắc phong thời Nguyễn, 03 ngai thờ, 01 bát hương thời Nguyễn…
Đến với Tiên Lục du khách còn có cơ hội được tìm hiểu về lễ hội truyền thống đặc sắc của người dân Tiên Lục. Đây là một lễ hội lớn của huyện Lạng Giang thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương về dự. Lễ hội Tiên Lục được tổ chức một năm 4 lần vào mồng 9. 1 Âm lịch, 20. 5 Âm lịch, 20. 8 Âm lịch và 20 tháng 11 Âm lịch hàng năm, diễn ra ở 4 khu vực chính là đình Viễn Sơn, chùa Quang Phúc, đền Tiên Lục và nhà Thảo Xá. Trong phần lễ có phần tế lễ, khai thanh, tranh chiêng, tranh chống, yết lễ đền… trong phận hội có nhiều trò trơi dân gian độc đáo như đu, kéo co, chọi gà, cướp cầu. Đặc biệt trò “cướp cầu” thể hiện tính cộng đồng đoàn kết của người dân và còn thể hiện tư duy tín ngưỡng nông nghiệp của nhân dân Tiên Lục mong mùa màng được bội thu, nhân dân được no ấm, trẻ lớn ra, già trẻ lại…
Nguyễn Văn Dương