Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Di tích lịch sử văn hóa Di sản văn hóa nguồn lực lớn để phát tiển du lịch

Di sản văn hóa nguồn lực lớn để phát tiển du lịch

Với bề dầy truyền thống văn hóa lâu đời, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, các thế hệ đi trước đã để lại cho thế hệ sau nhiều di sản văn hóa quý báu mang những giá trị ý nghĩa sâu sắc về nhiều mặt. Ngày nay, hệ thống di sản to lớn đó được thế hệ sau bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị và nó ngày càng đóng vai trò và chiếm một vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội đương đại. Nhất là đối với ngành du lịch thì hệ thống di sản văn hóa từ lâu đã trở thành một nguồn lực lớn để khai thác phát triển du lịch.
Vườn tháp tại Chùa Bổ Đà, Việt Yên
Di sản văn hóa – tài nguyên cho phát triển du lịch 
Cùng với nhiều tài nguyên du lịch khác thì hệ thống di sản văn hóa được xác định là một trong những nguồn lực to lớn và cơ bản để khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch với đa dạng các loại hình du lịch văn hóa mang nhiều nét độc đáo để thu hút khách du lịch. Thực tế cho thấy, di sản là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan tìm hiểu. Với ngành du lịch, di sản văn hóa là yếu tố quan trọng tạo cơ sở để xây dựng nên các sản phẩm du lịch nói chung nhất là các sản phẩm mang tính đặc trưng riêng của địa phương. Để hình thành nên một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và nguồn nhân lực thì hệ thống tài nguyên du lịch trong đó có hệ thống di sản là một nhân tố quan trọng trong việc xác định hình ảnh và xây dựng thương hiệu du lịch.
Trong mối quan hệ tương tác qua lại giữa du lịch và di sản, khi di sản được khai thác và phát triển sẽ vừa tạo động cơ,vừa tạo ra nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho việc tăng cường giao lưu hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa từ đó càng làm tăng thêm giá trị của di sản. Bên cạnh đó một phần doanh thu từ du lịch sẽ được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản. Với ý nghĩa đó, du lịch phát triển sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của di sản văn hóa. Như vậy, du lịch và di sản có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại khó tách rời.
Di sản văn hóa Bắc Giang - tiềm năng lớn để phát triển du lịch

Biểu diễn hát Quan họ
Bắc Giang là một trong những cái nôi của nền văn hóa Bắc Bộ, cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước tỉnh Bắc Giang có hệ thống di sản văn hóa phong phú đa dạng và độc đáo. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 730 di tích đã được xếp hạng, gồm: 04 di tích và cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt với 26 điểm; 101 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 603 di tích xếp hạng cấp tỉnh; có 03 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm: Mộc bản chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên; Hương án đá chùa Khám Lạng, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam; Bia hộp đá thời Mạc, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang. Riêng Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa vật thể, Bắc Giang còn có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc tiêu biểu: Loại hình Dân ca Quan họ với 18 làng Quan họ cổ, khoảng 84 câu lạc bộ Quan họ với gần 1500 hội viên với nhiều hội diễn đặc sắc thu hút đông đảo khách tham quan ; Nghệ thuật Ca trù với 07 câu lạc bộ ca trù ở các huyện Hiệp Hòa, ViệtYên, Yên Dũng, Tân Yên và thành phố Bắc Giang; Với 779 lễ hội được tổ chức (gồm 777 lễ hội truyền thống, 02 lễ hội văn hóa). Nhiều lễ hội được tổ chức có quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham dự như: Lễ hội Thổ Hà, lễ hội chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên); lễ hội Yên Thế; lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng); lễ hội Y Sơn (huyện Hiệp Hòa); lễ hội Đình Vồng (huyện Tân Yên); lễ hội đền Suối Mỡ (huyện Lục Nam); lễ hội Xương Giang (thành phố Bắc Giang); lễ hội Tiên Lục (huyện Lạng Giang)...Đặc biệt từ năm 2018, Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử được tổ chức đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến với địa phương. Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang được coi là một điểm nhấn quan trọng, sự kiện văn hóa du lịch tiêu biểu của tỉnh nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa địa phương, gắn với phát triển du lịch. 

Du khách tham quan trảy hội tại Lễ hội Xương Giang
Giải pháp gìn giữ và bảo tồn vốn di sản gắn phát triển du lịch
Với sự phong phú,đa dạng và độc đáo của hệ thống di sản của địa phương, tỉnh Bắc Giang đã từng bước khai thác ngày một hiệu quả cho phát triển du lịch nhất là loại hình du lịch gắn với di sản văn hóa như : Du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái kết hợp với di sản..v.v... Tuy nhiên, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, việc phát triển du lịch luôn cần hướng tới sự bền vững. Do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản mà quá trình vận động du lịch một cách ồ ạt, nhiều khi quá tải thiếu kiểm soát đã gây ra những tác động tiêu cực và mang lại nhiều hệ lụy xấu đến hệ thống di sản. Ví như: sự khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, sự lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản… làm cho di sản nhanh xuống cấp, mai một dần, nhạt nhòa giá trị… hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đó đang đe dọa tới tính nguyên vẹn cũng như giá trị cốt lõi của di sản. Mặt khác du lịch văn hóa bị thương mại hóa quá mức sẽ làm nhàm hóa giá trị văn hóa; nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương... Chính vì vậy, cần các bên liên quan nhập cuộc tăng cường hoạt động quản lý bền vững giá trị tài nguyên di sản văn hóa trong phát triển du lịch.

Quang cảnh  trước khu vực nhà Trưng bày Cuộc Khởi Nghĩa Yên Thế trong dịp lễ hội
Để khai thác hiệu quả giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động du lịch mang tính bền vững và hiệu quả cần đưa ra những hướng giải pháp hữu hiệu: Quan tâm đến việc ban hành văn bản quy định, hoạch định chính sách quản lý và quy hoạch bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch; Tích cực tuyên truyền phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân cũng như các tổ chức doanh nghiệp, du khách...và khuyến khích họ cùng cộng đồng địa phương chủ động cùng tham gia quản lý di sản, gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; Đưa ra các quy định xử lý nghiêm, triệt để với những vi phạm đối với hệ thống di sản. Mặt khác kịp thời biểu dương, tôn vinh các hoạt động nhất là các hoạt động du lịch đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho việc bảo tồn phát huy giá trị hệ thống văn hóa di sản./. 
 Hà Bộ
Ngày cập nhật: 15/10/2020 Lượt xem: 1208