Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Di tích lịch sử văn hóa Đình, chùa Thượng – điểm du lịch tâm linh độc đáo cho du khách

Đình, chùa Thượng – điểm du lịch tâm linh độc đáo cho du khách

Đình, chùa Thượng, xã Thượng Lan là quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã được UBND tỉnh Bắc Giang xếp hạng năm 2005.

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thượng, xã Thượng Lan.

Đình Thượng là một công trình kiến trúc cổ, tọa lạc bên chân đồi Chùa ở đầu làng Thượng. Qua nghiên cứu, khảo sát kết cấu kiến trúc nghệ thuật chạm khắc cùng các nguồn tài liệu dân gian cho biết đình Thượng được tạo dựng vào thời Lê cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Dấu vết kiến trúc cổ của ngôi đình có thể nhận biết được qua các thành phần kiến trúc trong đình còn giữ lại được như đầu dư, cốn nách, bảy hiên mang những họa tiết hoa văn điển hình của thời Lê: Mây lửa hình lưỡi mác tù, đầu rồng, râu rồng, bờm rồng hình lưỡi mác tù, hình ảnh tiên cưỡi rồng. Vốn ban đầu đình có tên là đình Hạ Thượng hay còn gọi là đình Nghè Mào, do đất đình nằm kề khu Nghè Mào, khu vực này hiện nay là phần đất giáp giới giữa hai thôn Thượng và Hạ. Đây là ngôi đình chung của hai thôn Thượng và Hạ xưa. Vào khoảng đầu thế kỷ XX để tiện cho việc hội họp và tổ chức sự lệ của hai thôn, các cụ cao niên đã bàn bạc và thống nhất phân chia mỗi thôn một nửa đình. Thôn Thượng được lấy hệ thống cột và vì nóc của đình cũ mang về dựng lại ngôi đình ở trước chùa làng, trên vị trí hiện nay, lấy tên là đình Thượng.

Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Thượng, xã Thượng Lan.

Năm 2004 nhân dân địa phương đã hưng công tu tạo lại hệ thống tường bao, lát gạch vuông dẫn từ cổng vào hiên tòa đại đình tô điểm cho cảnh quan thêm phần khang trang tố hảo mà vẫn giữ được dáng nét kết cấu kiến trúc như ngày đầu khởi tạo.

Đình Thượng thờ đức thánh Cao Sơn, Quý Minh đại vương và thánh Tam Giang. Đây là những vị thần có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, khi hiển thánh lại âm phù giúp dân trừ tai, diệt họa, đem lại cuộc sống an bình cho nhân dân.

Cùng với ngôi đình cổ, chùa Thượng xưa là một quần thể kiến trúc có quy mô bề thế bao gồm: tòa tam quan 7 gian; tam bảo 7 gian, hai bên là hai dẫy xảo xá, mỗi dẫy 5 gian; phía sau tam bảo là nhà tổ 5 gian, hai bên cũng có hai dẫy nhà xảo xá mỗi dãy 5 gian; bên trái có nhà cho sư ở. Do thời gian và chiến tranh tàn phá, trong những năm 1949-1950, toàn bộ tam bảo và nhà tổ chùa cùng dãy nhà xảo xá, nhà sư ở đã bị phá hủy hoàn toàn. Nhân dân trong thôn phải chuyển hết tượng Phật lên đặt tại tòa tam quan. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tam quan chùa được sử dụng làm kho vũ khí đạn dược, lớp học của con em trong thôn và là nơi làm việc của Ủy ban hành chính xã. Để đảm bảo an toàn cho kho đạn, Ủy ban hành chính xã đã cho xây dựng hệ thống tường bao quanh khu vực chùa.

Đến năm 1999, nhân dân địa phương hưng công xây dựng lại tòa tam bảo trên nền đất cũ theo bố cục hình chữ “đinh” gồm 5 gian tiền đường nối với 2 gian phật điện. Năm 2001 dựng thêm 2 gian nhà mẫu bên phải chùa và lát lại sân gạch nối gác chuông và tam bảo.

Chùa Thượng là công trình kiến trúc cổ – sản phẩm kiến trúc chùa tháp thời Nguyễn, cuối thế kỷ XIX với tòa tam quan chồng diêm 6 mái hiện còn giữ được nguyên vẹn kết cấu kiến trúc ban đầu. Chùa Thượng còn lưu giữ nhiều tài liệu hiện vật quý, đặc biệt là hệ thống tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao. Đây chính là nguồn từ liệu phong phú để góp phần tìm hiểu lịch sử nghệ thuật và lịch sử ngôi chùa. Đặc biệt Tam quan chùa Thượng là sản phẩm thời Nguyễn hiếm có, chỉ duy nhất còn lại ở xã Thượng Lan cho đến nay. Vì vậy, có thể nói đây là sản phẩm kiến trúc cổ thời Nguyễn còn vẹn nguyên ở huyện Việt Yên nói riêng, quê hương Bắc Giang nói chung.

Đình, chùa Thượng là công trình nghệ thuật cổ, đồng thời là công trình nghệ thuật có giá trị lịch sử văn hoá cao. Đình, chùa Thượng hợp thành một quần thể kiến trúc nghệ thuật hoành tráng, bề thế, bao quanh là cây xanh cổ thụ, dân cư, xóm làng trù mật, tô điểm cho cảnh sắc khu quần thể di tích cổ kính, uy linh. Hằng năm cứ đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch nhân dân trong vùng lại nô nức về đây chẩy hội, thắp nén hương thơm thành tâm dâng lên thành hoàng làng, lên đức Phật từ bi để cầu cho vạn vật tốt tươi, người người khỏe mạnh.

 Theo CTTĐT Việt Yên

Lượt xem: 1480