Đình Lũ Phú, xưa thuộc làng A Lu, tổng Xuân Đám, huyện Phượng Nhỡn, tỉnh Bắc Giang, nay thuộc xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Theo truyền tích được biết đình Lũ Phú được xây dựng từ lâu đời theo kiểu chữ Nhất trên mảnh đất có tên là Bãi Đồn, niên đại chính xác được khắc trên tấm bia hiện còn được bảo lưu tại đình vào thời Lê Trung Hưng, tháng 10 năm Canh Ngọ – năm 1680, ngôi đình được nhân dân đại trùng tu với dáng vẻ uy nghi, cổ kính với bình đồ kiến trúc hình chữ công, gồm 7 gian tiền tế, 3 gian ống muốn, 3 gian hậu cung, hai bên có hai dãy tả vu, hữu vu, trước cửa đình có cây đa và cây kéo cổ thụ…Ngày 21 tháng 10 năm 1953, ngôi đình bị bom Pháp tàn phá, dân xã tận dụng toàn bộ nguyên vật liệu để xây 12 gian lớp tiểu học, một nhà trạm xá 3 gian và một trụ sở Uỷ ban nhân dân xã 5 gian…như vậy có thể thấy, trước đây qui mô của đình Lũ Phú rất lớn. Năm 1991, nhân dân địa phương đại trùng tu lại ngôi đình khang trang tố hảo như hiện nay.
Ngôi đình hiện tọa lạc trên một khu đất cao rộng thuộc xóm Đình Phú, trước cửa đình là ao đình, phía tả có ngôi chùa Quang Long cổ kính, xung quanh là đường liên thôn và khu dân cư bao bọc. Ngôi đình có bình đồ kiến trúc hình chữ đinh, nghệ thuật chạm khắc dân gian được in đậm trong tòa đại đình và hậu cung, đình vẫn còn bảo lưu được gần như nguyên vẹn lối kiến trúc truyền thống của một ngôi đình cổ thời Lê Trung Hưng, các mảng chạm khắc của bức cửa võng là sự thể hiện phong phú và sinh động nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, với các mảng hoa văn khắc nổi về các đề tài tứ linh, tứ quí…Những hiện vật tiêu biểu trong đình Lũ Phú có thể kể đến tấm bia đá khắc vào tháng 10 năm 1680, 3 đạo sắc phong của vường triều Nguyễn, ngai thờ, bài vị thời Nguyễn (thế kỷ 19)…
Đình Lũ Phú nơi bầu cử quốc hội khóa I
Đình Lũ Phú thờ Tướng quân Vũ Thành và Hà Công Khánh tước vị Hán quận công hàm đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân và phu nhân là bà Hoàng Qúi Thị làm thành hoàng làng. Các vị thành hoàng tại đình Lũ Phú là những danh tướng tài ba, lỗi lạc có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc, trấn ải miền Đông Bắc tổ quốc.
Ngoài giá trị văn hóa, đình Lũ Phú còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của quân và dân địa phương. Tại đình Lũ Phú, năm 1944, đồng chí Hoàng Quốc Thịnh đã từ nghè Từ Vũ lãnh đạo nhân dân tổ chức mít tinh tại đây. Tháng 4 năm 1945, nhân dân địa phương tụ họp tại đình làm lễ tế cờ cách mạng, rước đuốc, diễu hành quanh khu vực Lũ Phú thị uy biểu dương lực lượng. Tháng 6 năm 1945, bắt các Lý trưởng ra đình nộp tiền thuế, tiền bán muối, bán diêm cho Uỷ ban giải phóng. Ngày 20 tháng 7 năm 1945, đình Lũ Phú là nơi thành lập tự vệ làng Lũ Phú (còn có tên là đội tự vệ Sao Vuông) tiền thân của đội du kích xã Lũ Phú sau này. Cuối năm 1945, đồng chí Vũ Hồng Quang, đặc phái viên của Tỉnh ủy đã về đình Lũ Phú chỉ huy bắt phản động Quốc dân Đảng là Chánh Thống, người Bắc Ninh trốn về đây và tên Ký Thảo. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, dân quân Lũ Phú tập trung trại đình xuất phát kéo lên Bắc Giang đánh Pháp…
Đặc biệt, theo nội dung bản lý lịch di tích đình Lũ Phú được Hội đồng khoa học cấp tỉnh duyệt năm 2003, có ghi về sự kiện lịch sử trọng đại của nhân dân xã Xuân Phú đó là vào đầu năm 1946, nhân dân trong vùng đã tập trung tại đình Lũ Phú để bầu cử Quốc hội khóa I và bầu Hội đồng nhân dân xã lần thứ nhất. “Thắng lợi của Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I đã thể hiện ý chí, quyết tâm và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền của nhân dân, đồng thời phản ánh sự tin tưởng sâu sắc của Đảng đối với quần chúng cách mạng”.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Lũ Phú là địa điểm thường xuyên hội họp để bàn kế hoạch chỉ huy tác chiến, là địa điểm tập trung luyện quân và cũng là địa điểm kết nạp Đảng viên mới, nơi tổ chức các lớp học bình dân học vụ và là địa điểm đặt trường tiểu học của xã… Đình Lũ Phú là nơi diễn ra và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nhân dân trong vùng và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm. Lễ hội cổ truyền được tổ chức vào ngày 8 và ngày 9 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm. Với những giá trị trên đình Lũ Phú đã được UBND tỉnh Bắc Giang xếp hạng là di tích Lịch sử – Văn Hóa theo Quyết định số 86/QĐ-CT, ngày 30 tháng 01 năm 2004.
Bài và ảnh: Thân Quang Huy