Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Di tích lịch sử văn hóa Đồn Phồn Xương - Thủ phủ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế

Đồn Phồn Xương - Thủ phủ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế

Bắc Giang là vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử văn hoá gắn liền với đất và người vùng Kinh Bắc. Vùng đất một thời được ví là phên dậu, là tứ trấn trọng yếu của đất nước, với những chiến công vang dội mãi mãi đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Yên Thế là một trong những huyện được xem là cái nôi của các di tích về truyền thống lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Trên mảnh đất này đã sinh ra người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám - vị thủ lĩnh áo nâu đã cùng nhân dân Yên Thế dựng cờ khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp ngót 30 năm (1884 - 1913). Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đã hơn 1 thế kỷ qua, Yên Thế vẫn còn lưu giữ được những di tích quý báu về cuộc khởi nghĩa, đó không những là tài sản vô giá của lịch sử mà còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Một trong những điểm nhấn và là trung tâm của cuộc khởi nghĩa Yên Thế năm xưa là đồn Phồn Xương, tại Cầu Gồ (Yên Thế). 
Đồn Phồn Xương - trung tâm cuộc khởi nghĩa Yên Thế
Đồn Phồn Xương còn có tên gọi Đồn Gồ, Đồn Cụ nằm ở phía Nam của quả đồi cao gần 20m cách suối Gồ gần 800m về phía Nam. Đồn được xây dựng năm 1894-1895, trấn giữ con đường độc đạo đi vào căn cứ nghĩa quân. Đây chính là đại bản doanh chính của nghĩa quân Yên Thế, là thủ phủ của cuộc khởi nghĩa, nơi bắt đầu để mở mang phong trào ra các địa phương. Đề Thám cho xây dựng Đồn Phồn Xương vừa là nơi ăn ở, sinh họat của gia đình Đề Thám cũng như của nghĩa quân, đồng thời đây cũng là nơi gặp gỡ, đàm đạo giữa Đề Thám và các anh hùng đương thời để bàn việc đánh giặc cứu nước (như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên, Kỳ Đồng…). Đặc biệt, đây là nơi diễn ra cuộc hòa hoãn lần thứ 2 giữa nghĩa quân Yên Thế và giặc Pháp.
Đồn Phồn Xương là một căn cứ có quy mô lớn, cấu trúc khác với đồn Hố Chuối và các đồn khác. Đồn có bình đồ kiến trúc gần giống hình chữ nhật nằm chạy dọc theo hướng Bắc Nam, có diện tích chừng hơn một mẫu Bắc Bộ gồm 2 vòng thành. Tường đắp bằng đất nện, chân dày 2m, cao 3m và trên mặt rộng 1m. Bên trong tường thành có 3 cấp khác nhau có thể đứng hoặc quỳ đều bắn được. Xung quanh tường đều trổ lỗ châu mai. Mặt tường phía ngoài đắp dốc thoai thoải như mái nhà. Trong vòng thành là một không gian rộng bao gồm hệ thống nhà ở, nhà khách, nhà kho... tất cả đều là nhà tranh vách đất trộn rơm (chỉ trừ nhà vuông tiếp khách là được xây bằng gạch). Lần lượt từ phía Bắc xuống phía Nam thành là nhà ở của Hoàng Hoa Thám và Bà Ba. Nhà thứ hai hình vuông 4 mặt để trống dùng làm nơi họp bàn của Hoàng Hoa Thám và tuớng lĩnh và tiếp khách. Nhà tiếp theo gồm hai dãy nằm sát hai cạnh Tây Đông của thành, là nhà ở của nghĩa quân. Tiếp theo gồm 8 gian nhà bếp và chuồng ngựa nằm sát ở cạnh phía Nam của thành chạy theo hướng Đông Tây. Tiếp nữa là cột đèn và cột cờ. Như vậy kiến trúc đồn Phồn Xương là một kiểu kiến trúc đặc biệt. Nó không những đáp ứng được yêu cầu là một đồn lũy thành trì mà nó còn giải quyết linh hoạt việc cơ động chiến đấu và đáp ứng được cả yêu cầu là một sở chỉ huy, nơi giao dịch nghĩa quân. Đồn Phồn Xương là nơi đóng quân thời kì hòa hoãn lần thứ 2 với giặc Pháp. Sau nhiều lần tấn công vào Yên Thế thất bại, cuối năm 1897 toàn quyền Đông Dương là Đume buộc phải chấp nhận hòa hoãn với nhiều điều khoản do Đề Thám đưa ra. Tranh thủ 13 năm hòa bình (1897-1909), Đề Thám vừa lo củng cố lực lượng quân sự vừa chú trọng phát triển kinh tế - văn hóa, xây dựng vùng Phồn Xương thành “một thế giới riêng biệt... giữa cái nơi gió mưa tanh tưởi” bốn bề là lũ giặc cướp nước. Phía sau đồn Phồn Xương là doanh trại, chiến lũy của nghĩa quân Đề Thám. Ông đã cho xây dựng ở khu vực này một bát quái trận với nhiều đồn lũy thông nhau, sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào. Đây còn là nơi đào tạo, tuyển sinh binh sỹ, nơi thu hút các bậc tướng lĩnh, nơi tập hợp lực lượng yêu nước từ các địa phương tới.

Xưa kia tại đồn Phồn Xương đã diễn ra những khung cảnh sinh hoạt của nghĩa quân Yên Thế làm nức lòng người dân. Nhân dân trong vùng tự nguyện đến cày bừa cấy hái giúp nghĩa quân. Hội hè được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian như thi nấu cơm, làm bánh, đấu vật, chọi gà, cưỡi ngựa, bắn cung, nỏ...Căn cứ Phồn Xương là trung tâm chỉ đạo đường lối chiến lược chiến thuật và tổ chức sản xuất, chiến đấu của nghĩa quân do Đề Thám chỉ huy. Tại đây hàng năm đều được tổ chức lễ hội thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và các bản làng lân cận tham gia. 
Du khách tham quan đồn Phồn Xương trong lễ hội Yên Thế
 Hiện nay Đồn Phồn Xương tuy không còn nguyên vẹn nhưng phần tường chạy dài và cổng vẫn rất chắc chắn. Tất cả được làm từ đất theo kiểu nhà trình tường có những lỗ châu mai để lính gác quan sát. Trong bức tường thành bằng đất trước đây là gia đình cụ Đề Thám và nghĩa quân đã ăn, ở một thời gian khá dài. Sau này cuộc khởi nghĩa kết thúc người dân đã dựng đền thờ Bà Ba – vợ ba Hoàng Hoa Thám. Đồn Phồn Xương cũng là một trong những “ hang hùm” hiểm trở nhất mà “Hùm thiêng Yên Thế” đã xây dựng. Sử cũ chép rằng, khi về Yên Thế tiếp kiến Hoàng Hoa Thám, chí sĩ Phan Bội Châu đã ngỡ ngàng, thảng thốt trước đồn Phồn Xương và nói rằng: “... Tôi hai lần đến Phồn xương. Xem khắp chung quanh dân. Trâu cày từng đội. Chim rừng quyện người đàn bà. Trẻ em nhởn nhơ. Tiếng chày rậm rịch. Có cái vẻ vui của những ngày đình đám hội hè mà không hề có tiếng thở than về chính quyền bạo ngược và mãnh hổ hại người. Tạo lập được một thế giới riêng biệt, thực là một nỗ lực riêng của tướng quân”.
Hơn 100 năm đã trôi qua, những dấu tích, những địa điểm lịch sử về phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế chống lại giặc Pháp xâm lược lừng lẫy kéo dài gần 30 năm vẫn còn lưu giữ trên quê hương Yên Thế rất đậm nét, “30 năm giữ núi rừng. Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam”. Âm vang của cuộc khởi nghĩa lừng lẫy này vẫn được in đậm trong những cuốn sách như: Một vùng Yên Thế, Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp 1884-1913, Rừng thiêng Yên Thế, Kể chuyện Hoàng Hoa Thám, chuyện kể về Hoàng Hoa Thám và các tướng lĩnh nghĩa quân Yên Thế... Đâu đây vẫn còn vang vọng những vần thơ:
“Phồn Xương Yên Thế diệu huyền
Phồn Xương một thuở lưu truyền sử xanh
Phồn Xương một thuở vang danh
Cụ Hoàng Hoa Thám dựng thành cứu dân
Bấy nhiêu năm trải phong trần
Phồn Xương in mãi dấu chân cụ Đề...”
Có thể nói Phồn Xương chính là thủ phủ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, nơi bắt đầu để mở mang phong trào ra các địa phương. Tại đây các nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm chống lại cuộc tiến công trên quy mô lớn của thực dân Pháp do đại tá Battay chỉ huy ngày 30/1/1909. Với những giá trị lịch sử to lớn đó ngày 10/5/2012 đồn Phồn Xương cùng những địa điểm di tích trong hệ thống cuộc khởi nghĩa Yên Thế được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. 
 Nguyễn Thúy
Ngày cập nhật: 03/08/2017 Lượt xem: 1019