Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Di tích lịch sử văn hóa DU LỊCH TÂM LINH QUA CÁC NGÔI ĐỀN THỜ THÁNH MẪU Ở ĐÔI BỜ SÔNG THƯƠNG

DU LỊCH TÂM LINH QUA CÁC NGÔI ĐỀN THỜ THÁNH MẪU Ở ĐÔI BỜ SÔNG THƯƠNG

Sông Thương gắn với người dân Bắc Giang từ ngàn đời. Đó là hình ảnh, một phần vóc dáng của hồn quê xứ sở. Dòng Sông với vai trò chuyển tải các thông điệp văn hoá văn minh, từng diễn ra biết bao trận đánh ác liệt của quân và dân Bắc Giang ngăn chặn bước tiến của quân thù để làm tròn xứ mệnh bảo vệ vững chắc cho Kinh thành Thăng Long. Từ thượng nguồn đến hạ nguồn, dọc ven đôi bờ Sông Thương thơ mộng có nhiều ngôi đền được nhân dân xây dựng để tôn thờ, ghi nhớ chiến công của những bậc anh hùng, hào kiệt, xả thân vì quê hương đất nước. Trong đó có không ít những ngôi đền thờ các bậc liệt nữ đã anh dũng hy sinh vì dân tộc. Họ đã sống trong lòng nhân dân, được nhân dân tôn thờ và phong là các bậc Thánh Mẫu. Đi dọc đôi bờ sông Thương thăm các ngôi đền thờ Thánh Mẫu sẽ là trải nghiệm thú vị mới cho du khách khi đến Bắc Giang.
Thời gian phủ lên những lớp văn hoá dân gian nhưng không làm mờ đi hình ảnh chiến công ban đầu của các vị liệt nữ đã hy sinh vì quê hương đất nước. Tiêu biểu như: Nữ tướng Thánh Thiên với huyền thoại người con gái Bến Ngọc. Hai nàng Bảo Nương- Ngọc Nương dùng mỹ nhân kế đánh chìm thuyền giặc, rồi những Nguyệt Nga công chúa, Quỳnh Hoa, Quế Hoa, Thiều Dương công chúa, Thánh Cô Trương Đạm Nương….. 
Đền Nguyệt Hồ. Ảnh sưu tầm
Từ thượng nguồn Sông Thương thăm đền Nguyệt Hồ ở xã Hương Vĩ, (Yên Thế) thờ Nguyệt Nga công chúa, dân gian gọi là chúa Nguyệt Hồ. Truyền tích là con gái Thánh Cao Sơn thời Hùng Duệ Vương có công đánh đuổi Thục Phán. Lễ hội tổ chức ngày 15 tháng 2 Âm lịch. Đây là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng gắn liền với tục thờ chúa Nguyệt Hồ mà điểm nhấn là nghi lễ hát trầu văn hầu Thánh dịp đầu xuân. Trong ngày lệ chính, nhân dân vùng Bo rước kiệu từ đình Bố Hạ về đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Sau khi tế lễ tại đền Trung lại rước kiệu về đền Nguyệt Hồ. Tại đây phần tế lễ chúa Nguyệt Hồ được tiến hành với những nghi thức độc đáo như lễ dâng văn chúa Nguyệt Hồ. Bài văn cúng dâng chúa Nguyệt Hồ được thể hiện qua hình thức hát văn.
Ngã ba sông Sỏi thuộc văn hoá vùng Bo, xã Bố Hạ thăm đền Bến Nhãn nơi thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn và thờ đức Thánh Trần. Thượng nguồn sông Sỏi nơi vào chốn cửa rừng Xuân Lương- Canh Nậu có đền Cầu Khoai thờ hai Thánh nữ, Quỳnh Hoa, Quế Hoa dân gian vẫn gọi là Cô Bơ –Cầu Khoai hay đền hai Cô. Hai Thánh nữ là con gái của Tiến sỹ Đàm Thận Huy, một vị trung thần tiết nghĩa triều Lê từng được phong Thượng đẳng phúc thần, đã có công lớn trong việc phò vua giúp nước. Lễ hội hàng năm tổ chức ngày 23 tháng Giêng với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Xuôi dòng sông Thương, địa phận làng Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) thăm đền Từ Mận, nơi thờ chính Thiều Dương công chúa Lê Thị Ngọc Khanh, con gái thứ tám của vua Lê Thánh Tông kết duyên cùng Hoa Phong Hầu Phạm Đức Hoá. Bên cầu Sông Thương, thành phố Bắc Giang, thăm đền Đa Mai nơi thờ Bảo Nương, Ngọc Nương là hai vị liệt nữ thời Trần dùng kế mỹ nhân giết giặc, anh dũng hy sinh tại bến sông này. Lễ hội hàng năm tổ chức ngày 10 tháng 2 Âm lịch. Dân làng tề tựu đông đủ ở đình, “trống giong cờ mở” rước kiệu, bài vị, rước cỗ ra đền làm lễ tế. Lễ hội có rước thuyền, mái chèo và tục đua thuyền trên bến Sông Thương, biểu tượng cách đánh trận của đội quân thuỷ chiến năm xưa do hai nữ tướng chỉ huy.
Bên ngòi Đa Mai thuộc bến Ngọc, đoạn chi lưu của dòng Sông Thương, xã Tân Mỹ (thành phố Bắc Giang) có đền Ngọc Lâm, thờ Thánh Thiên công chúa, một nữ tướng thời Hai Bà Trưng có công đánh đuổi giặc Hán rồi hoá thân tại bến Ngọc. Lễ hội hàng năm tổ chức ngày 12 tháng 2 Âm lịch với nhiều nghi lễ theo phong tục truyền thống. Về với lễ hội để tưởng nhớ tri ân hình ảnh người con gái Bến Ngọc, dám hy sinh thân mình vì dân vì nước.
Theo cửa ngòi Song Khê đoạn ngã ba Cống Bún tới làng Ảm, xã Tiền Phong (Yên Dũng) thăm Xa Lâu Điện thờ Thiều Dương công chúa Lê Thị Ngọc Khanh, dân gian quen gọi là miếu Vua Bà. Ven bờ Sông Thương thuộc làng Chỗ, xã Hương Gián có đền Từ Co nơi tôn thờ Ngọ Tiên Nương và hai người con là Hoàng Thái tử Đô Thống đại vương và Hoàng Thứ tử Lục Lang đại vương.

Xuôi xuống xã Lãng Sơn (Yên Dũng), bên bờ Bắc Sông Thương có đền Đà Hy với tục thờ Mẫu Thoải, hiện thân của Huệ Nương, đức Mẫu của đức Thánh Trần Tuấn Sơn, một vị tướng đã âm phù cho quân thần nhà Trần phá giặc Nguyên- Mông thế kỷ XIII. Theo thông lệ hàng năm vào ngày 3/3 Âm lịch ngày tiệc Mẫu, nhân dân khắp nơi lại về lễ Mẫu dự hội và tham gia các trò chơi dân gian theo phong tục sự lệ truyền thống. Các nghi thức rước kiệu Thánh, rước nước bằng thuyền rồng và cảnh diễn trận thuỷ chiến trên sông được nhân dân địa phương tái hiện lại trong lễ hội với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Hạ nguồn Sông Thương đoạn ngã ba Phượng Nhãn, nơi hợp lưu sông Lục Nam, sông Thương thăm đền Phượng Nhãn, xã Trí Yên (Yên Dũng) thờ Trương Đạm Nương, dân gian gọi Thánh Cô Tam Giang, em gái của đức Thánh Tam Giang. Hội lệ tổ chức ngày 10 tháng 4 Âm lịch với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian truyền thống.
Thăm các ngôi đền thờ Thánh Mẫu đôi bờ sông Thương sẽ được ôn lại những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Hình ảnh Thánh Mẫu (nguyên mẫu bà Mẹ xứ sở) là hoá thân của các vị liệt nữ đã anh dũng hy sinh vì dân vì nước trên dòng sông quê nhà luôn được tôn thờ theo phong tục truyền thống của người dân Bắc Giang./. 
 Đồng Ngọc Dưỡng 
Ngày cập nhật: 13/10/2020 Lượt xem: 969