Địa điểm chùa Nghĩa Trung vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành tổ chức khai quật khảo cổ. Qua đó, đã khai mở bí mật về những tầng văn hóa có quá trình phát triển liên tục trong khoảng 400 năm, từ thời Trần (thế kỷ XIII – XIV) đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII – XVIII). Đây là khu vực nằm trên núi Phượng Hoàng (dân gian thường gọi là núi Con Phượng) thuộc địa bàn thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Nhận diện không gian, dấu tíchNúi Phượng Hoàng có địa thế đẹp, mặt bằng tự nhiên được nâng dần lên theo 3 cấp độ, cao hơn mực nước biển trung bình từ 30 – 60m. Từ trên đỉnh núi, có thể bao quát cả một không gian rộng lớn với những đồng ruộng, xóm làng trù phú. Qua quá trình khảo khảo sát khu vực núi Phượng Hoàng các nhà khảo cổ đã xác định nơi đây có 03 cấp nền kiến trúc xuất lộ, được bố trí từ lưng chừng lên đến đỉnh núi, phạm vi diện tích các cấp nền kiến trúc khác nhau và đã phát hiện nhiều mảnh gạch, ngói, trong đó có các cấu kiện trang trí đặc trưng kiến trúc xây dựng Tháp Phật giáo thời Trần như: Bệ tháp, tượng chim thần Garuda…
Do có phạm vi rộng lớn nhất và các cấp nền kiến trúc xuất lộ rõ ràng nhất, các nhà khảo cổ đã lập kế hoạch mở các hố khai quật tại nền kiến trúc dưới cùng. Hiện trạng khu vực này khá bằng phẳng, được người dân sử dụng để canh tác, trồng cây ăn quả; một phần phạm vi di tích đã được nhân dân địa phương dựng tạm vài hạng mục đơn sơ, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tại địa phương. Ở khoảng giữa của nền kiến trúc này, có một hố rộng khoảng 30m2, sâu trung bình 1m, được nhân dân địa phương gọi là ao chùa. Đây là những nhận diện, đánh giá ban đầu nhằm chuẩn bị cho hành trình “đánh thức” một vùng di tích bị lãng quên từ hàng trăm năm nay.
Xuất lộ những tầng văn hóa
Trong hành trình tìm kiếm, khai mở những dấu tích văn hóa tại đây, các nhà khảo cổ đã mở 02 hố khai quật với tổng diện tích 500m2. Do quá trình nhiều năm san bạt, trồng trọt của người dân, nên các dấu tích văn hóa đã xuất lộ trên bề mặt ngay sau khi bóc lớp đất canh tác bên trên. Khi các tầng văn hóa xuất lộ, đã xác định có 4 dấu tích thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), gồm: Kiến trúc Tháp, nền sân gạch, bó nền kiến trúc, bậc lên xuống và 5 dấu tích thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII – XVIII), gồm: Bồn hoa, rãnh nước, móng tường, cụm gốm. Trong đó, đáng chú ý nhất là đã phát hiện dấu tích kiến trúc Tháp và một số kiến trúc phụ, tạo nên một tổng thể kiến trúc thời Trần tại địa điểm này. Các nhà khảo cổ nhận định, dấu tích ngôi Tháp này là kiến trúc chính, tọa lạc trên mặt bằng cao nhất trong tổng thể khu di tích. Ngôi tháp này được xác định nằm theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, đã bị phá hủy hoàn toàn phần tháp; hai cạnh phía Bắc và Nam của di tích, được kè bó bằng các hàng gạch xếp chồng lên nhau; hai cạnh phía Đông và Tây, được kè bằng các tảng đá sa thạch và đá phiến. Qua xác định phạm vi các hàng bó nền, cho thấy kiến trúc ngôi Tháp này có diện tích 72m2. Căn cứ vào diễn biến địa tầng, các nhà khảo cổ nhận định, sau khi ngôi Tháp thời Trần bị phá hủy, người xưa đã tận dụng nền móng của ngôi Tháp để xây dựng nên một ngôi chùa. Nhận định đó được minh chứng bằng việc phát hiện nhiều mảnh ngói mũi sen, mảng trang trí kiến trúc thời Lê Trung Hưng, xen lẫn là các mảnh gạch xây Tháp thời Trần. Cùng đó, tại khu vực di tích, người dân đã thu nhặt được khá nhiều phần còn lại của phế tích như: Bệ Tháp, gạch Tháp, tượng Garuda…
Đánh giá tổng thể qua các thời kỳ lịch sử, khu di tích này đã bị tàn phá rất nhiều, địa tầng và tầng văn hóa bị xáo trộn mạnh; các dấu tích kiến trúc trước đây chỉ còn lại phần móng và bờ kè của các cấp nền. Cùng đó, các di vật thu thập được tại cuộc khai quật này gồm tổng số 1.283 di vật, rất đa dạng về loại hình và có nhiều niên đại khác nhau. Ngoài các di vật là vật liệu xây dựng kiến trúc như gạch, ngói; hay đồ trang trí kiến trúc như đao ngói, diềm mái, lá đề, tượng …; còn phát hiện các loại đồ gốm sinh hoạt, gồm các thể loại: gốm sành, gốm men, gốm đất nung và công cụ lao động … Mỗi di vật được tìm thấy trong cuộc khai quật này, đều có đặc điểm khác nhau, là minh chứng phản ánh một quá trình lịch sử phát triển lâu dài và liên tục tại khu di tích này.
Bậc lên xuống các cấp nền
Thông qua các loại hình di tích và di vật phát hiện tại đây, cho thấy khu di tích này có niên đại từ khá sớm và trải qua quá trình phát triển liên tục trong khoảng 400 năm. Trong đó, vào thời Trần (thế kỷ XIII –XIV), đã có một công trình kiến trúc Tháp; đến thời Lê Sơ (thế kỷ XV - XVI), không phát hiện được kiến trúc, mà chỉ có các di vật là đồ dùng sinh hoạt, có thể thời kỳ này nhân dân vẫn tiến hành các hoạt động tín ngưỡng tại đây; đến thế kỷ XVII - XVIII dưới thời Lê Trung Hưng, với sự thịnh hành của Phật giáo, di tích này được tu bổ lại và xây dựng bề thế và quy mô hơn.
Trong quá khứ, dấu ấn Chùa - Tháp thời Trần liên quan tới Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã được phát hiện ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như tại các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế... Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Việt Yên, dấu tích văn hóa về giai đoạn này đến nay chưa có tư liệu khoa học cụ thể. Việc phát hiện những dấu tích văn hóa trên núi Phượng Hoàng, có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích có liên quan đến Phật giáo Trúc Lâm ở phía Tây Yên Tử, phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, thông qua cuộc khai quật khảo cổ này, là cơ sở để khẳng định những giá trị chân xác, nhằm củng cố, hoàn thiện Hồ sơ Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử -Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Phí Trường Giang