Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Di tích lịch sử văn hóa Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế - Điểm đến linh thiêng và hào hùng

Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế - Điểm đến linh thiêng và hào hùng

Bắc Giang là vùng đất cổ có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vùng đất Bắc Giang một thời được ví là phên dậu, là tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa, với những chiến công vang dội mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
 Bắc Giang là một trong những địa phương rất có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa lịch sử với trên 2000 di tích trải khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Yên Thế là một trong những huyện nằm trên địa bàn tỉnh cũng được xem là cái nôi của các di tích. Trên mảnh đất lịch sử này đã ghi đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa Yên Thế do người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám lãnh đạo nhân dân đứng lên dựng cờ khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp xâm lược kéo dài gần 30 năm, từ năm 1884 đến năm 1913. Đây là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất và kéo dài nhất của dân tộc ta vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 trước khi có Đảng lãnh đạo. Yên Thế - "mảnh đất địa linh nhân kiệt” đã đi vào lịch sử của dân tộc và có tiếng vang trên thế giới. Đã hơn một thế kỉ qua, trên mảnh đất này vẫn còn lưu giữ những di tích quý báu của cuộc khởi nghĩa mà trung tâm là Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế. Đây là một địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến Bắc Giang. 
Lễ kỉ niệm 132 năm Khởi nghĩa Yên Thế
Đến với Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế đầu tiên quý khách sẽ được tham quan và thắp hương tại ngôi đền Thề của nghĩa quân Yên Thế. Ngôi đền được xây dựng vào cuối thế kỉ 19, tuy rất nhỏ bé nhưng nơi đây đã chứng kiến toàn bộ diễn biến cuộc khởi nghĩa diễn ra cách đây 132 năm. Lúc đầu đền được lợp bằng tranh, tre, nứa, lá. Đến năm 1897, thời kì hòa hoãn lần 2 giữa nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp, Hoàng Hoa Thám đã cho tu sửa lại ngôi đền và chính tay ông đã lựa chọn từng khúc gỗ đễ xây dựng lên kiến trúc bằng gỗ lim. Thật may mắn là đến ngày hôm nay kiến trúc đó vẫn được giữ nguyên vẹn như xưa. Đền được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh, gồm tiền đường 3 gian 2 dĩ và hậu cung 2 gian. Sau khi tu sửa xong ông lấy tên tự là Địa – Trung – Tiên để nói lên vị trí đặt ngôi đền là điểm giao hòa giữa trời và đất, giữa trần gian và nơi tiên phật, đồng thời cũng là để nói lên cảnh quan xinh đẹp xung quanh ngôi đền. 
Đền Thề
Tại ngôi đền này, Hoàng Hoa Thám thường làm địa điểm để quy nạp nghĩa quân, chiêu mộ nhân tài và trước mỗi trận đánh ông thường cho nghĩa quân uống rượu, cắt máu ăn thề. Sau khi đánh thắng giặc trở về ông cũng thường tổ chức khao quân tại đây. Đến ngày nay thì ngôi đền này được coi là nơi linh thiêng nhất của huyện Yên Thế, là nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của người dân trong vùng nói riêng và du khách trong, ngoài tỉnh nói chung. 
Sau khi tham quan tại Đền Thề, quý khách sẽ được dâng hương tại tượng đài người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám để tưởng nhớ tới người anh hùng áo vải năm xưa. Tiếp theo hành trình quý khách sẽ tham quan nhà trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế, gồm 2 tầng, tầng 1 của nhà trưng bày dùng để trưng bày một góc dân tộc học của huyện Yên Thế. Lên tầng 2 quý khách sẽ được tận mắt chứng kiến toàn bộ những hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc khởi nghĩa, từ súng ống, đạn kíp để chiến đấu cho đến những đồ dùng sinh hoạt của nghĩa quân như chén, bát, nồi đồng, mâm đồng... Tại đây sẽ giúp quý khách có cái nhìn sát thực về những trận đánh tài tình của nghĩa quân Đề Thám năm xưa. Qua đó thấy được tinh thần đấu tranh quả cảm, bất khuất của Đề Thám cùng nghĩa quân. 
Du khách trảy hội trước sân tượng đài và Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế
Phía bên kia sân tượng đài là đồn lũy Phồn Xương, đây là đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế. Đồn Phồn Xương còn có tên gọi Đồn Gồ, Đồn Cụ nằm ở phía Nam của quả đồi cao gần 20m cách suối Gồ gần 800m về phía Nam. Đồn được Hoàng Hoa Thám cho xây dựng năm 1894, trấn giữ con đường độc đạo đi vào căn cứ của nghĩa quân. Đồn Phồn Xương là một căn cứ có quy mô lớn, cấu trúc khác với đồn Hố Chuối và các đồn khác. Đồn có bình đồ kiến trúc gần giống hình chữ nhật nằm chạy dọc theo hướng Bắc Nam, có diện tích chừng hơn một mẫu Bắc Bộ gồm hai vòng thành. Vòng thành ngoại bắt đầu từ sườn đồi phía Đông chạy vòng ôm lấy chân đồi lên tới đỉnh đồi phía Bắc thành hình vòng cung bảo vệ cho thành nội dài 140m, dày 0,80m và cao 4m. Dãy tường thành nội nằm trên đỉnh ngọn đồi gần giống hình chữ nhật. Tường thành nội mặt Đông dài 71m, mặt Bắc dài 85m. Tường đắp bằng đất nện, chân dày 2m, cao 3m và trên mặt còn rộng 1m. Bên trong tường thành có 3 cấp khác nhau có thể đứng hoặc quỳ đều bắn được. Xung quanh tường đều có lỗ châu mai. Mặt tường phía ngoài đắp dốc thoai thoải như mái nhà. 
Đồn Phồn Xương nhìn từ xa
Kiến trúc đồn Phồn Xương là một kiểu kiến trúc đặc biệt, không những đáp ứng được yêu cầu là một đồn lũy thành trì mà nó còn giải quyết linh hoạt việc cơ động chiến đấu và đáp ứng được cả yêu cầu là một sở chỉ huy, nơi giao dịch nghĩa quân. Trải qua thời gian mưa nắng, hệ thống thành lũy cũng bị bào mòn, phần tường thành cũng không còn giữ được nguyên vẹn như xưa. Riêng đoạn mặt tường thành phía Đông còn giữ được nhiều nét kiến trúc cũ. Trên tường thành còn những vết đạn lỗ châu mai khá rõ. Nơi đây chính là thủ phủ của cuộc khởi nghĩa, nơi bắt đầu để mở mang phong trào ra các địa phương. Đề Thám cho xây dựng đồn Phồn Xương vừa là nơi ăn ở sinh hoạt của nghĩa quân và gia đình Đề Thám, đồng thời đây cũng là nơi gặp gỡ, đàm đạo giữa Đề Thám và các anh hùng đương thời như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Đồng... để bàn việc cứu nước. Hiện nay, trong thành xây dựng đền thờ bà Ba Cẩn, vợ ba Hoàng Hoa Thám để tưởng nhớ công lao to lớn của bà trong phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế.
Khu di tích lịch sử văn hoá về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử có giá trị to lớn được chính quyền và người dân nơi đây trân trọng, gìn giữ. Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế là bằng chứng thuyết phục cho tinh thần quả cảm, bất chấp hy sinh của nghĩa quân Đề Thám nhằm giành lại độc lập, tự do. Hệ thống đồn Phồn Xương, Đền Thề, đồn Hố Chuối, đồn Hom, chùa Lèo, đình Dĩnh Thép, chùa Thông, động Thiên Thai, đền Cầu Khoai là 9 điểm trong tổng số 23 điểm di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt ngày 10/5/2012. 
Hàng năm, cứ vào ngày 15, 16,17 tháng 3 dương lịch, lễ hội Yên Thế nhân dân địa phương lại long trọng tổ chức. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Giang. Lễ hội Yên Thế với nhiều hoạt động văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống như: lễ tế cờ, thi võ vật cổ truyền, võ sáo, cờ vua, cờ người, bắn nỏ, kéo co, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn.v.v.. Các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, ném còn, nấu cơm gánh, Hội diễn văn nghệ quần chúng , thi người đẹp mặc trang phục dân tộc ... lễ hội là dịp để nhân dân bày tỏ lòng tôn kính cũng như tưởng nhớ công ơn Hoàng Hoa Thám, vị tướng tài năng, người thủ lĩnh tối cao của phong trào nông dân Yên Thế và nghĩa quân đã chiến đấu chống thực dân Pháp. Năm 2013 lễ hội Yên Thế đã được Nhà nứơc công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. 
Biểu diễn võ sáo tại lễ hội Yên Thế
Hơn 100 năm đã trôi qua, những dấu tích, những địa điểm lịch sử về phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế chống lại thực dân Pháp xâm lược lừng lẫy kéo dài gần 30 năm vẫn còn lưu giữ trên quê hương Yên Thế rất đậm nét. Mặc dù cuộc khởi nghĩa đã lùi xa nhưng âm vang của nó vẫn còn vang vọng mãi mai sau. Đâu đó vẫn luôn còn mãi câu tuyên ngôn hùng hồn, đanh thép của Hoàng Hoa Thám từng tuyên bố với thực dân Pháp “Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tinh mạng”. 
Bài: Nguyễn Thúy, Ảnh: Văn Dương
Ngày cập nhật: 05/08/2016 Lượt xem: 1586