Thông tin du lịch Bắc Giang

Linh thiêng Bồ Đà tự

Với vườn tháp cổ ngàn năm tuổi và là nơi lưu giữ bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị chùa Bồ Đà (Bắc Giang) nổi tiếng là một điểm đến với đầy đủ các giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử và tâm linh.

 Vườn tháp độc nhất vô nhị
Từ giá trị cảnh quan 
Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa còn có tên gọi là chùa Quán Âm núi Bổ Đà toạ lạc ở vị trí đắc địa phong thuỷ, nằm về phía Bắc của chân núi Phượng Hoàng thuộc dãy núi Bổ Đà, xa xa là dòng sông Cầu thơ mộng. Với diện tích hơn 50.000 m2, lưng tựa vào núi, góc nhìn xuống làng mạc và ruộng lúa. quần thể chùa Bổ là tập hợp di tích gồm chùa chính (Tứ Ân Tự) cùng hai đền thờ Đức Thánh Hóa và Thạch Tướng Đại Vương. Chùa được chia thành các khu: nội tự, vườn chùa, vườn tháp. Khu vườn chùa sum xuê hoa quả bốn mùa, đủ nhãn, vải thiều, mít, thị, sấu, chuối, na, sắn, đỗ tương... Khu nội tự gồm hàng những tòa nhà lớn nhỏ kiến trúc thời Hậu Lê – Nguyễn là nhà tam bảo, nhà tổ, nhà tiền tế, nhà in kinh, nhà trai, nhà khách… Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành giống như làng cổ Thổ Hà, nơi chuyên sản xuất chum vại, tiểu sành cách đó vài cây số.
Điều khiến du khách ấn tượng nhất khi tới đây là bức tường cổ từ thế kỷ 11 bao quanh chùa, bên ngoài là rặng tre xanh rợp bóng mát. Con đường nhỏ dẫn vào cổng chùa là hai bờ tường đất phủ đầy rêu, nhuốm màu thời gian. Qua nhiều cánh cổng gỗ có mái ngói mang niên đại thời Lê dẫn vào khu nội tự. Du khách sẽ ngỡ ngàng khi thấy một sắp đặt những bình gốm đủ loại bên một bức tường khác bằng gạch nung, ngói và tiểu sành vô cùng độc đáo. Trong khuôn viên còn có hai giếng nước có mái, cây, hoa, đá và nước, vừa mang dáng dấp của làng quê của miền Bắc đã in dấu ấn vào lịch sử và ký ức mà lại đậm chất thiền môn. 
Đền thờ Thạch Linh thần tướng
Nét riêng của chùa Bổ Đà so với nhiều danh lam cổ tự khác chính là khu vườn tháp của chùa cũng được xây tường đất và kè đá bao quanh bảo vệ, với 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau, trong đó, có 97 ngôi tháp cổ có lịch sử hàng trăm năm là nơi tàng lưu tro cốt xá lỵ nhục thân của 1214 tăng ni thuộc dòng thiền Lâm Tế trong cả nước. Các ngôi tháp đều được xây bằng gạch và đá bằng kỹ thuật truyền thống bắt mạch vôi mật mía, xếp hàng hàng, lớp lớp và được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Mỗi tháp an táng từ 4 đến 26 bộ tro cốt, xá lị. Trong số 3 cuốn gia phả bằng chữ Hán ghi rất rõ ràng: “Chỉ những người trong phái Sơn Môn mới được an táng tại vườn tháp, tháp của tăng có hình bình cam lộ trên đỉnh, tháp của ni có hình hoa sen. Một trong những điểm độc đáo khác biệt ở vườn tháp mà chúng ta nhìn thấy đó là: Tất cả các tháp đều có cửa dạng cuốn vòm nhìn về hướng Đông Bắc. 
 Vườn chùa thanh tịnh
Đến những giá trị tâm linh, lịch sử 
Chùa Bồ Đà có từ thời Lý thế kỷ 11, và được trùng tu vào đời Lê, dưới triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728). Cùng với chùa Vĩnh Nghiêm (Đức la), chùa Bổ Đà là một trung tâm Phật giáo lớn của Bắc Giang, thuộc thiền phái Trúc Lâm. Nơi đây có tượng thờ Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Từng là nơi học tập và sinh sống của hàng ngàn sư, tiểu, được biết tới là nơi đào tạo nguồn “cán bộ” cho triều đình nhà Lý. Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ, chùa Bổ Đà hiện nay còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm trên nhiều loại hình và bộ ván kinh Phật là một trong những bộ kinh khắc gỗ cổ nhất Việt Nam. Bộ kinh mang những tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất Châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa có ý nghĩa to lớn cho việc nghiên cứu khoa học. Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 250m² để rải các tấm ván kinh ra. Bộ kinh tại chùa được khắc trên gỗ thị, một loại cây gỗ mọc phổ biến ở vùng rừng núi này. Gỗ thị không những bền mà còn rất nhẹ, đây cũng là một đặc điểm thuận lợi để khắc cũng như vận chuyển kinh. 
 Kiến trúc liên hoàn
Hiện nay, bộ kinh tại Chùa Bổ Đà vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc nét. Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, những vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào là sự tu nhân tích đức, cõi vô vi… Tại chùa còn có rất nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm, ngoài hệ thống tượng Phật theo thiền phái Trúc Lâm còn có văn khắc, thư tịch cổ, đại tự, câu đối, hương án (tòa Cửu Long), hai cây đèn gỗ thời Lê, chuông đồng niên hiệu Tự Đức, mõ cá dài trên mái…
Sự độc đáo của ngôi chùa này đã thu hút hàng nghìn khách hành hương thập phương về đây tham quan, tế lễ mỗi năm. Khi du khách đến thăm Chùa Bổ có thể đồng thời đến thăm hai địa điểm du lịch nổi tiếng nữa của đất Kinh Bắc đó là làng cổ Thổ Hà và Đền Bà Chúa Kho. Các địa điểm này chỉ cách nhau từ 3 đến 5 km. 
An Nhiên
Ngày cập nhật: 10/12/2018 Lượt xem: 580