Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Di tích lịch sử văn hóa Một số điểm đến ở Bắc Giang dịp đầu năm

Một số điểm đến ở Bắc Giang dịp đầu năm

Đầu năm là dịp mọi người thường dành nhiều thời gian cho việc đi lễ để cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn cả năm. Đây là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân khi tết đến xuân về. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống của mỗi người Việt Nam. Đặc biệt với người miền Bắc, việc đi lễ, hành hương về những di tích đền chùa trở thành một nét đẹp văn hóa riêng. Bắc Giang là một tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc Bộ nhưng nơi đây nổi tiếng có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời với hệ thống di tích lịch sử có giá trị, nhiều đình, đền, chùa cổ và các lễ hội truyền thống độc đáo.

Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang
Du khách tham quan đền Xương Giang 
Cả quần thể Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang nằm trên nền ngôi thành cổ Xương Giang trước đây, thuộc phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang. Thành do giặc Minh xây dựng năm 1407.
Theo các tư liệu lịch sử, tại thành Xương Giang có một ngôi đền cổ nằm ở phía Tây Bắc. Đến những năm 1970 - 1980 ngôi đền đã bị đổ nát. Sau này người dân địa phương có dựng lại một ngôi đền nhỏ chừng 6m2 trên nền đất cũ và lập ban thờ tại đây; người dân địa phương cũng tìm lại tấm bia cũ của đền và dựng ở phía trước bên trái của ngôi đền với mục đích lưu giữ về di tích cổ xưa của thành Xương Giang. Với mục đích tôn thờ, ca ngợi đức cao tổ hoàng đế Lê Lợi và vinh danh những vị hiền thần đã có công trong chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang. Sau nhiều đợt khảo sát và qua nghiên cứu các di chỉ khảo cổ học địa điểm chiến thắng Thành Xương Giang, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt quyết định xây dựng ngôi Đền Xương Giang trên tổng diện tích khu di tích Xương Giang là 10 ha, các hạng mục công trình tính từ ngoài vào trong theo trục dọc đăng đối với khuôn viên cây xanh gồm: Cổng tam quan; Nghi môn, bình phong; Tả vu, Hữu vu; Lầu chuông, Lầu trống; Sân chính. Đền Xương Giang gồm: Tòa tiền tế, Tòa thiêu hương, Tòa chính cung.
Hàng năm cứ vào ngày 6, 7 tháng Giêng âm lịch lễ hội Xương Giang lại được tổ chức với quy mô lớn, thu hút nhiều địa phương tham gia. Qua lễ hội, lịch sử truyền thống hào hùng của cha ông thuở trước sẽ được khơi dậy và phát huy tốt đẹp trong lớp lớp con cháu mai sau. 
Chùa Bổ Đà 
Vườn tháp chùa Bổ Đà
Chùa Bổ Đà hay còn có tên gọi là chùa Bổ, chùa Quán Âm, thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên. Tương truyền chùa được xây dựng từ thời nhà Lý (thế kỷ XI) và được trùng tu, mở mang xây dựng vào năm 1720, thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Chùa thờ phật theo thiền phái Lâm Tế, phối thờ Trúc Lâm Tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và các vị tiên thánh: Khổng Tử; Lão Tử; Thạch Linh Thần tướng.
Chùa Bổ Đà là một trong những ngôi chùa còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc “nội thông, ngoại bế” bao gồm 18 tòa nhà ngang, dãy dọc kết nối liên hoàn với tổng số 100 gian tạo nên không gian u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Các chất liệu xây dựng được làm bằng gạch nung, ngói, tiểu sành và hệ thống tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Quần thể Chùa Bổ Đà gồm các hạng mục: Chùa Tứ Ân; Am Tam Đức, chùa Cao, khu vườn tháp và vườn Chùa.. Hiện nay chùa Bổ Đà đang nắm giữ 2 kỷ lục Việt Nam đó là vườn tháp lớn nhất Việt Nam với hơn 100 ngọn tháp và Bộ Mộc bản Kinh Phật của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam với khoảng 2000 bản ván khắc bằng chữ Hán. Tại sân chùa có 2 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam đó là cây vối và cây đa. Với những giá trị văn hoá, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, năm 2016 chùa Bổ Đà được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt.
Du khách đến chùa Bổ Đà dịp đầu năm không chỉ để cầu sức khỏe, bình an mà nhiều người còn đến để cầu con. Câu chuyện về tích cầu con từ lâu đã gắn liền với truyền tích về ngôi chùa Bổ. Chính vì thế ngôi chùa trở nên linh thiêng, thu hút đông đảo du khách gần xa.
Hội chùa Bổ Đà tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng 2 âm lịch hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương về dự. Lễ hội còn là dịp để những liền anh, liền chị quan họ trong vùng gặp gỡ, giao duyên cất lời ca quan họ mượt mà, đằm thắm. Hiện nay lễ hội chùa Bổ Đà đã được Nhà nước công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. 
Đình, chùa Thổ Hà
Lễ hội Thổ Hà
 Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc nằm ở xã Vân Hà, huyện Việt Yên. Đình thờ Thân Cảnh Phúc, một vị tướng nhà Lý, có công lớn trong kháng chiến chống quân Tống, dân tộc Tày, tù trưởng châu Quang Lang (Châu Ôn - Lạng Sơn), được vua Lý gả công chúa và phong chức tri châu.
Đình Thổ Hà là một công trình điêu khắc nghệ thuật có quy mô hoành tráng và độc đáo, được xây dựng trên một khu đất rộng 3.000 m². Đình xây dựng năm 1685 thời vua Lê Chính Hòa năm thứ 7. Đến năm 1807 (Gia Long năm thứ 5) xây dựng tiền tế và hai nhà tả vu, hữu vu. Đình được dựng theo kiểu chữ công với nhiều chi tiết chạm trổ tinh vi, nhiều cảnh trí sinh động. Các mảng chạm khắc thể hiện phong cách thời Lê rõ nét, độc đáo. Đề tài thể hiện trên các cấu kiện kiến trúc chủ yếu là “tứ linh, tứ quý” hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Con rồng ở đình Thổ Hà được chạm ở nhiều bộ phận: đầu dư, bẩy, kẻ, cốn, ván nong, câu đầu với các đề tài rồng ổ, rồng mẹ cõng rồng con, rồng và thiếu nữ... Bởi vậy, không ngẫu nhiên mà các nhà khoa học lại xem đình Thổ Hà là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam.
Chùa Thổ Hà còn có tên là Đoan Minh Tự, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI. Chùa được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, với quy mô to lớn, hoành tráng. Mỗi khi vào thăm quan chùa, du khách đi theo một con đường gạch được lát thẳng tắp từ tam quan vào gác chuông sau đó tiến vào toà Tam Bảo để chiêm ngưỡng toà phật điện trang nghiêm cổ kính với nhiều thế hệ tượng phật. Qua hai dãy chùa tới động tiên, đây là một kiến trúc đẹp và độc đáo. Động tiên ghi lại hình ảnh từ lúc mới sinh đến khi trưởng thành và quá trình tu hành để đắc đạo của vị phật ngự ở đây. Qua một sân gạch rộng, du khách tới nhà tổ. Nơi đây thờ sư tổ và các vị trụ trì ở chùa này từng có nhiều công lao cộng sức chung lòng với dân để xây dựng chùa Đoan Minh và giữ gìn để ngôi chùa trường tồn mãi với thời gian. Chùa Thổ Hà - Đoan Minh Tự, một công trình văn hoá tiêu biểu, một danh lam cổ tích tuyệt thế qua nhiều thế kỷ vẫn hiển hiện như thách đố với thời gian.
Lễ hội Thổ Hà, một lễ hội cổ truyền có từ bao đời nay được tổ chức vào ngày 21,22 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Cùng với di tích lịch sử văn hoá: Đình Thổ Hà, chùa Đoan Minh và từ chỉ làng Thổ Hà, đã tạo nên một không gian rộng mở khiến lễ hội Thổ Hà - một lễ hội dân gian truyền thống với quy mô lớn, nội dung phong phú, hấp dẫn và tính chất độc đáo của nó được du khách gần xa biết đến. 
Chùa Vĩnh Nghiêm 
Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm, hay còn được gọi là chùa Đức La, thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý và mở rộng vào khoảng thế kỷ XIII, thời nhà Trần. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa Vĩnh Nghiêm giữ vai trò quan trọng là một trung tâm Phật giáo lớn nhất cả nước, một chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nơi đào tạo các tăng ni, phật tử. Chùa thờ Phật và 3 vị Trúc Lâm tam tổ là vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.
Trải qua hơn 8 thế kỷ với biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, qua nhiều lần trùng tu tôn tạo đến nay chùa vẫn là nơi tàng lưu một kho tàng di sản văn hóa quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam bao gồm: Hệ thống tượng thờ gồm trên 100 pho, hệ thống văn bia (8 bia) cơ bản được soạn khắc ở giai đoạn thời Lê Nguyễn ghi lại toàn bộ lịch sử phát triển của trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm. Chùa gồm 7 khối kiến trúc chính: Cổng tam quan; Tòa tam bảo; Nhà tổ đệ Nhất; Gác chuông; Nhà tổ đệ Nhị; Hai dãy hành lang Đông Tây; Khu vườn tháp. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng Phật được bài trí chuẩn mực, các bia đá, hoành phi, câu đối, đồ thờ… Đặc biệt chùa còn lưu giữ được kho Mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2012.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương về dự. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. 
Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế 
Tượng đâì Hoàng Hoa Thám và Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế
Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế nằm ở trung tâm thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, cách thành phố Bắc Giang khoảng 30 km. Nơi đây đã ghi đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa Yên Thế dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám - vị thủ lĩnh áo nâu - đã cùng nhân dân Yên Thế và các sĩ phu của nhiều vùng miền trên cả nước dựng cờ khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp xâm lược kéo dài ngót 30 năm (1884 - 1913). Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa, bền bỉ, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, trước khi có Đảng lãnh đạo. Với những giá trị đặc biệt to lớn, ngày 10/5/2012 thủ tướng chính phủ đã ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế. Trong tổng số 23 điểm di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, huyện Yên Thế có 9 điểm.
Đến với khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, du khách không chỉ được ôn lại lịch sử hào hùng, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc mà còn được dâng hương, viếng thăm đền Thề, tượng đài Hoàng Hoa Thám và khu đền thờ Bà Ba. Cùng với đó là các di tích quốc gia đặc biệt khác nằm trên địa bàn huyện Yên Thế mà du khách có thể ghé thăm chiêm bái như: đền Cầu Khoai, đình Dĩnh Thép, chùa Thông, chùa Lèo... Đó là những điểm đến thường được du khách lựa chọn kết hợp khi đến với mảnh đất “hùm thiêng Yên Thế” đặc biệt vào dịp đầu năm.
Từ năm 1984 nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế, được phép của Bộ Văn hoá - Thông tin, tại đây vào ba ngày 15, 16, 17 tháng ba dương lịch, lễ hội Yên Thế được diễn ra hàng năm. Đây là một trong những lễ hội lịch sử lớn của tỉnh Bắc Giang hiện nay. 
 Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử 
Chùa Hạ tại Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử
Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử thuộc khu vực Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Với tổng diện tích gần 14.000 ha, khu du lịch đang dược triển khai xây dựng đồng bộ với 4 cụm chùa độc lập gồm: chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung và chùa Thượng (chùa Kim Quy). Theo quy hoạch, chùa Hạ chính là điểm nhấn trong quần thể Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, nơi có 108 gác chuông, treo 108 quả chuông đồng, mỗi quả nặng một tấn được bố trí hoàn toàn trong khuôn viên chùa. Cùng với chùa Hạ, các cụm chùa khác cũng đang được khẩn trương hoàn thành với công trình hạ tầng kỹ thuật khác như trạm cấp điện, nước, hệ thống cáp treo,... để chuẩn bị cho Lễ khai hội Tây Yên Tử được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch tới. Sau khi hoàn thành, các chùa sẽ kết nối với khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử của tỉnh Quảng Ninh để hình thành một chu trình trọn vẹn và đầy đủ nhất về con đường tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông gắn với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thu hút đầu tư thực hiện dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử; thúc đẩy phát triển du lịch huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Trên đây là những điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua của bất kì du khách nào khi đến Bắc Giang mỗi dịp tết đến xuân về. Đến đây du khách không chỉ đi lễ, thả mình vào không gian trầm mặc chốn tâm linh mà còn được vãn cảnh du xuân, hòa mình cùng thiên nhiên, núi non, mây trời để quên đi những lo âu của cuộc sống thường ngày và cầu nguyện cho một năm mới sức khỏe, bình an./.
  Nguyễn Thúy
Ngày cập nhật: 09/02/2018 Lượt xem: 1282