Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Di tích lịch sử văn hóa Nghệ thuật điêu khắc ở Đình Lỗ Hạnh

Nghệ thuật điêu khắc ở Đình Lỗ Hạnh

Đình Đông Lỗ còn có tên gọi là đình Lỗ Hạnh. Đình thuộc làng Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Là ngôi đình cổ có niên hiệu sớm nhất vùng Kinh Bắc xưa- Bắc Giang ngày nay.

Một góc đình Lỗ Hạnh

          Đình được khởi dựng thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVI (1576) đã được các triều đại phong kiến ban nhiều sắc phong. Với giá trị điêu khắc trong đình mang tính thẩm mỹ dân gian cao nên đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1990. Các tác phẩm điêu khắc ở đình cho thấy sự phong phú của các đề tài: Bức chạm hoa, lá, mây ở đầu các con giường, ổ xà nách, ở ván gió; Rồng mẹ, rồng con quấn quýt ở các đầu dư; hình nghê ở chân cột, giá chiêng và vì nóc; chim, phượng ở các bức cốn; hươu, nai, hổ xen kẽ được bố cục hợp lý. Trên các bức chạm khắc trong đình, hình tượng cô gái cưỡi rồng và người chơi đàn đáy, hai bức sơn mài bát tiên không chỉ cho ta thấy sự độc đáo của nghệ thuật điêu khắc mà còn khẳng định loại tranh sơn mài có từ rất sớm trên vùng đất Kinh Bắc xưa cũng như nghệ thuật âm nhạc dành cho ca trù một loại hình âm nhạc dân gian ở thế kỷ XVI.

Nghệ thuật chạm Khắc ở đình Lỗ Hạnh

          Với giá trị nghệ thuật độc đáo, các bức phù điêu ở đình Lỗ Hạnh đã minh chứng cho thành tựu của nền mỹ thuật cổ Việt Nam. Đó là nghệ thuật hướng tới nhân sinh. Cả về nội dung và hình thức thể hiện, nó giống như chuyện tiếu lâm, chuyện cổ tích và như một cuốn phim sinh động về đời sống, sinh hoạt làng xã.

          Với nghệ thuật trang trí được mô típ hóa và biến đổi theo quy luật với tính tượng trưng của hoa văn theo tư tưởng Nho- Lão- Phật. Tứ linh là Long, Ly, Quy, Phượng hoặc rộng ra là Bát linh có tám con vật. Rồi Tứ thời, Bát tiết mùa nào thức ấy. Và Bát bảo nghĩa là tám thứ quý theo ba hệ tư tưởng Nho-Lão-Phật.

          Theo hệ tư tưởng ấy thì chạm rồng ở cung điện nhà vua quy định rồng có năm móng, còn rồng ở các đình, chùa chỉ được chạm bốn móng. Cũng là rồng xong chỉ một chi tiết nhỏ để phân rõ đẳng cấp trong xã hội.

           Những bức chạm Long, Ly, Quy, Phượng và những biến thể của nó thành vân mây, hoa, lá cho thấy người thợ xưa đã phô diễn hết kha năng tài nghệ của mình. Trúc hóa long, long hóa trúc, rồng hoa mây, mây hóa rồng, các hóa rồng, rồng hóa cá… Sự chuyển hóa ấy hàm chứa tính huyền thoại, nó đòi hỏi trí tưởng tượng cao cùng với nghệ thuật khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân chạm khắc dân gian xưa…Bằng kỹ thuật chạm lộng một lớp trên bề mặt, chạm kênh bóc tách nhiều phần rời một hai lớp ra khỏi bề mặt tấm gỗ và lối chạm lộng tức là chạm xuyên thủng từ bên này sang bên kia để khắc họa đầy đủ các chiều của họa tiết mà nghệ nhân muốn thể hiện. Trong các tác phẩm phù điêu và tranh sơn mài, các nghệ nhân bố cục rất hợp lý giữa các đề tài vào những vị trí thích hợp trong nội thất ngôi đình. Những hình tượng rồng trong mây, tiên cưỡi rồng, tiên cưỡi phượng, các thiếu nữ múa râu rồng… mang đậm phong cách của nghệ thuật dân gian là sự bứt phá trong tư tưởng và nghệ thuật ở thế kỷ XVI một cách tinh tế. Thể hiện cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của người dân nơi làng quê thôn dã cũng như ước vọng của họ muốn vươn tới cái chân-thiện-mỹ.

Ngô Văn Trụ

Ngày cập nhật: 15/09/2014 Lượt xem: 1342