“Đình Cổ Trang linh lang đánh vật/ Gái Cổ Trang xinh thật là xinh/ Ước gì ta lấy được mình/ Thì ta treo giải giữa đình Cổ Trang/ Ngắt lá khoai lang, ngắt ngọn khoai lang/ Ai về làm rể Cổ Trang thì về/ Cổ Trang có cây bồ đề/ Có sông tắm mát ai về thì đi ”
Câu ca da diết, xao động lòng người chứa đựng tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương bản quán ấy như vẫy mời du khách về với vùng Bo Giàu, thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang. Đình Cổ Trang còn có một tên gọi khác là đình Bo Giàu. Hiện, đình Bo Giàu nằm ở giữa hai thôn Giữa và Chằm thuộc xã Nghĩa Hưng huyện Lạng Giang.
Đình có từ thời Lê Trung Hưng, qua nhiều lần sửa chữa đến năm Nhâm Tuất 1922 (năm thứ 6 đời vua Khải Định) làng đã trùng tu mới lại ngôi đình. Đình thờ thành hoàng làng là Đức thánh Cao Sơn Quí Minh. Đình Bo Giàu có một qui mô bề thế, kiến trúc bằng gỗ đẹp, vững chãi. Trước khi vào đình, du khách sẽ đi qua cổng tam quan xây dựng năm 1931 và tu tạo năm 1993. Hai cột đồng trụ ở cửa chính, phần trên đầu cột cách điệu hình đèn lồng có đắp nổi tứ linh bên trên cùng là 4 con phượng quay đuôi vào với nhau (còn gọi là hình cổ lượn chân quì). Hai cột đồng trụ hai bên phần cách điệu hình đèn lồng thì lại đắp nổi đề tài “tứ quí hoá rồng”, bên trên tạo tác hình búp sen. Hai cửa bên, phía trên là hai tầng mái chồng diêm. Hai cột phía ngoài cùng đắp hình con nghê ở đầu cột với ý nghĩa để kiểm soát tâm linh của mọi người khi bước vào đình. Phần trên thân các cột đồng trụ đều đắp nổi các câu đối chữ Hán với nội dung ca ngợi quê hương, đạo lý làm người.
Đình Bo Giàu có bố cục mặt bằng theo kiểu chữ đinh (J) gồm toà tiền tế và hậu cung. Đây là một trong những ngôi đình có qui mô bề thế đẹp và vững chãi nhất nhì trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Mái đình được lợp bằng ngói mũi, bốn đầu đao mái cong vút được các nghệ nhân khéo léo tạo tác hình lá cúc lật và con sấu; ở góc mái đắp con kìm - những yếu tố này khiến cho ngôi đình thêm phần linh thiêng cổ kính cũng như làm cho đình thanh thoát, đẹp đẽ hơn. Toà tiền tế có 3 gian 2 chái gồm 4 vì chính, 2 vì chái, mỗi vì có 4 hàng chân cột. Kết cấu vì là trụ giá chiêng, tiền bẩy, hậu bẩy. Đỡ lấy hoành mái là các đầu trụ được các nghệ nhân khắc hình vân mây, lá lật; đầu dư ở mỗi cột được biến thể thành đầu rồng và các hoa văn hình chữ thọ, lá cúc, vân mây….Những chi tiết trên đã làm cho kiến trúc đình thêm phần mềm mại, uyển chuyển mà bớt đi phần thô cứng, giản đơn.
Hậu cung đình được nối ngay với toà tiền tế có 2 gian, trên cửa cấm hậu cung là hệ thống vì ván mê được chạm kênh bong với đề tài “Long vân khánh hội ”. Kết cấu vì trong hậu cung là thượng chồng giường, hạ kẻ chàng.
Trong đình còn lưu giữ một số hiện vật quí có giá trị, tiêu biểu là một ngai bành cổ đặt ở trong hậu cung mang phong cách tạo tác thời Lê Trung Hưng. Ngai bành khá đẹp, các nét chạm khắc tinh xảo mang giá trị nghệ thuật cao, hai tay ngai là 2 con rồng ngậm ngọc, phía xung quanh ngai chạm các hình nghê chầu, phượng múa…
Hàng năm xuân thu nhị kỳ đình mở cửa để dân làng tổ chức tế lễ tưởng nhớ công lao của Đức thánh Cao Sơn Quí Minh đã có công đánh giặc, giúp dân giúp nước. Hội chính của đình là vào mùng 7 tháng Giêng, còn vào ngày mồng 2/8 Âm lịch dân làng tổ chức giỗ chỉ có lễ tế nói về công lao của Đức thánh. Trong lễ hội chính 7 tháng Giêng có rước thánh từ điếm làng ra đình và ban tế tổ chức 3 tuần tế lễ, buổi chiều có các trò chơi dân gian như: Chọi gà, đu quay, cờ người, bịt mắt đập niêu, đi cầu kiều…buổi tối có hát nhà trò và hát cung văn…Không chỉ là một công trình tín ngưỡng có kiến trúc đẹp mà đình Bo Giàu là nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ hai vào trung tuần tháng 7 năm 1949. Khi đó đã có gần 200 đại biểu thay mặt trên 7.000 đảng viên trong tỉnh đã về dự Đại hội.
Đình Bo Giàu có giá trị cao về văn hoá nghệ thuật đồng thời đình còn một giá trị tiêu biêu về lịch sử. Đình chính là một tư liệu vật chất quan trọng phản ánh sâu sắc về truyền thống văn hoá, truyền thống yêu nước, quá trình đấu tranh gian khổvì độc lập tự do của cha ông. Tất cả các giá trị của đình Bo Giàu không chỉ tô đẹp hơn cho vùng đất con người nơi đây mà còn góp phần làm phong phú thêm vốn di sản văn hoá của tỉnh Bắc Giang./.