Đền Cầu Khoai, xã Tam Hiệp, huyện Yên ThếDi tích đền Cầu Khoai hay còn gọi là đền Cô, một cách gọi để tưởng nhớ tới công ơn của 2 cô gái được thờ trong đền là Đàm Thị Dung Hoa sinh năm 1507 và Đàm Thị Quế Hoa sinh năm 1510, con của vị quan lớn Đàm Thận Huy dưới triều Lê-Mạc. Ông đã có nhiều công lớn với dân, với nước, được sử sách ghi nhận trong việc chống lại nhà Mạc. Khi Đàm Thận Huy mất, hai người con của ông là Đàm Dung Hoa và Đàm Quế Hoa tiếp tục cầm quân chống giặc thêm 3 ngày nữa. Khi lên đến bản Diễn, xã Tam Tiến, biết không thể chiến đấu được nữa, hai cô mới chịu tuẫn mình xuống dòng sông Sỏi với mục đích bảo toàn danh tiết. Để tưởng nhớ công ơn hai bà, người được dân địa phương lập đền tôn thờ. Sau này nhân dân địa phương lại dựng thêm một ngôi chùa phía sau đền thờ gọi là chùa Hoài Âm để cầu báo ân đức và lưu giữ tiếng thơm của hai cô con gái họ Đàm đã hy sinh ở vùng đất này.
Đền Cầu Khoai là một trong số nhiều điểm căn cứ của nghĩa quân, là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Quần thể di tích còn nằm trong số đất đai do nghĩa quân Yên Thế cai quản, xung quanh khu vực đền là cả một hệ thống đồn lũy. Tại đây, nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp đã nhiều phen ở thế giằng co quyết liệt, nghĩa quân tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Rộng ra cả vùng đất Tam Hiệp là địa phận hoạt động mạnh mẽ của nghĩa quân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy cùng các tướng lĩnh của ông như Cả Trọng, Cả Dinh, Cả Huỳnh... Nhiều trận đánh ở vùng đất này đã được sử sách ghi lại như trận Đồn Hòn, Trại Tre, Đồn Hom, đồn Hang Sọ…Vùng đất và con người nơi đây đã cung cấp lương thực, thực phẩm và nhân lực cho căn cứ đồn Hom, góp phần không nhỏ trong việc đẩy lui cuộc tấn công với quy mô lớn của thực dân Pháp lên Yên Thế ngày 23/5/1892.
Lễ hội đền Cầu Khoai
Đền Cầu Khoai được xây dựng vào năm 1524 và đã được trùng tu tôn tạo qua nhiều giai đoạn. Quần thể di tích hiện nay gồm các hạng mục công trình: Cổng đền, khuôn viên, khu đền chính và chùa Hoài Âm. Tất cả tọa lạc trong khu đất rộng đẹp nhìn ra quốc lộ 17 bên kia là khu căn cứ đồn Hom của nghĩa quân Yên Thế. Ngôi đền hiện có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm tòa tiền tế và hậu cung. Trong hậu cung bài trí tượng thờ 2 cô và các thị nữ hầu cận. Phía sau ngôi đền là chùa Hoài Âm được nhân dân địa phương xây dựng với ý nghĩa cầu báo ân đức siêu thoát cho linh hồn hai cô con gái họ Đàm.
Để tưởng nhớ tới công ơn của hai cô con gái họ Đàm, vào ngày 23 tháng giêng hàng năm, Đảng ủy, UBND xã Tam Hiệp và nhân dân địa phương lại tưng bừng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang, công lao to lớn của Đàm Thận Huy và 2 cô con gái; tôn vinh các tấm gương đã anh dũng, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Lễ hội được tổ chức gồm 2 phần gồm Lễ dâng hương và phần Hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: bịt mắt bắt dê, đập niêu, kéo co, hội diễn văn nghệ quần chúng, ném còn, chọi gà, cờ tướng, bóng đá... thể hiện tinh thần thượng võ và khát vọng tự do của người dân địa phương.
Các đội thi kéo co tại lễ hội Đền Cầu Khoai
Di tích đền Cầu Khoai không chỉ có ý nghĩa và giá trị về mặt lịch sử, Đền còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, là điểm thu hút đông đảo các du khách thập phương trong và ngoài tỉnh về thăm quan, nghiên cứu. Với ý nghĩa lịch sử và giá trị của di tích, ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 548/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế”; trong đó đền Cầu Khoai xã Tam Hiệp là một trong 23 điểm di tích quốc gia đặc biệt./.
Nguyễn Thúy