Thông tin du lịch Bắc Giang

Vùng quê ca trù xứ Bắc

Vùng quê Hiệp Hoà ( Bắc Giang), nơi có con sông Cầu lơ thơ nước chảy, bao quanh hơn một nửa số làng xã của huyện. Đây là vùng đất cổ với hàng loạt các di chỉ khảo cổ học về thời kỳ kim khí ở Đông Lâm xã Hương Lâm, trống đồng ở Lý Viên xã Bắc Lý và Xuân Giang xã Mai Trung, các lăng, mộ đá còn có ở nhiều nơi như lăng họ Ngọ, lăng Dinh Hương, lăng Bầu…cùng với những truyền thuyết, lễ và đặc biệt Hiệp Hòa còn là vùng quê của Ca trù xứ Bắc, mà ở đó những dấu ấn hiện hữu là vật chứng cho ca trù tồn tại và phát triển trên vùng đất Bắc Giang-một đại diện của ca trù xứ Bắc .
Những cứ liệu về sự tồn tại của ca trù trên đất Bắc Giang được hiện diện tại một trong 6 ngôi đình cổ nhất Việt Nam là đình Lỗ Hạnh thuộc xã Đông Lỗ huyện Hiệp Hoà. Đình được xây dựng vào thế kỷ 16 thời Lê Mạc. Ngôi đình được mệnh danh " đệ nhất Kinh Bắc". Trên bức cốn của đình có bức chạm một cô gái ngồi trên mình hươu và đang chơi đàn đáy- loại đàn chỉ duy nhất dành cho nghệ thuật Ca trù. Còn ở một bức chạm khác lại chạm cảnh hoà nhạc vui vẻ trong đó có cảnh người đàn ông đang chơi đàn đáy. Có thể nói, với những bức chạm khắc này đã khẳng định nghệ thuật ca trù đã có mặt ở vùng đất này và hiện diện trong sinh hoạt văn hoá làng xã. Theo sử sách, trong 6 ngôi đình cổ thì chỉ có đình Lỗ Hạnh ( Hiệp Hoà, Bắc Giang) và đình Tây Đằng ( Ba Vì, Hà Nội) là có bức chạm về người chơi đàn đáy. Nằm ven sông Cầu tại đình Trung Việt thuộc xã Hợp Thịnh có tấm bia đá “Bản huyện giáo phường lập bi” viết về một giáo phường Ca trù nơi đây. Theo sách “Góp phần tìm hiểu lịch sử Ca trù” của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết: Thác bản bia dựng năm Vĩnh Trị 5 ( 1681) có ghi việc "một số vị trong giáo phường xã Đông Lâm, huyện Hiệp Hoà, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc, vì có ngoại tổ họ Hà là Phúc Đạo, ở xã Trung Trật trước có mở nghiệp giáo phường, sinh con gái là Hà Thị Khánh lấy chồng họ Nguyễn ở Đông Lâm và tạo nên giáo phường ở đây. Nay các vị trong giáo phường xã Đông Lâm nhớ đến ân nghĩa sinh thành của ngoại tổ, tỏ lòng báo đáp, đặt ra lệ, hễ đình Trung Trật có mở tiệc thì các khoản tiền tiệc, tiền khao và tiền lễ xông đình, các khoản tiền làm cỗ, thảy đều do giáo phường Đông Lâm trang trải…". Như vậy, có thể hiểu rằng, Hà Thị Khánh là người của giáo phường Ca trù xã Trung Trật đã lập nên giáo phường ca trù của xã Đông Lâm. Trong một văn bản của dòng họ Phạm chép về sự tích ca công nói về vị Phạm tướng công ở xã Cẩm Bào ( Xã Xuân Cẩm, Hiệp Hoà) tự mình bỏ tiền ba trăm quan cấp cho ca công. Các giáo phường ca công đã họp bàn thiết lập một toà nhà thờ tổ giáo đặt ở làng Cảnh Đoan đồng thời lập ra các điều ước, quy định về lệ hát và quyền lợi cụ thể giáo phường, ca công được hưởng trong dịp hát. Ở một văn bản khác, Khoán lệ xã Đức Thắng, tổng Đức Thắng, huyện Hiệp Hoà có ghi:" hàng năm vào những ngày lệ nhập tịch, thờ thần có hát xướng Ca trù, số tiền thưởng ca hát, các khoản trù tính, tiền giải…".
Như vậy, liên tục trong hơn hai thế kỷ, Ca trù đã khá đậm đặc ở Hiệp Hoà, các giáo phường, các ca nương, tay đàn được tổ chức ngày càng mở rộng. Sinh hoạt ca trù tại các hội lễ nơi làng quê ven sông Cầu ngày càng phát triển. Cần khẳng định thêm rằng ngôi đình cổ Lỗ Hạnh và tấm bia đa ở đình Trung Trật, thế kỷ 16 -17 là 2 di sản vật thể cực kỳ quý hiếm giúp cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về Ca trù, không chỉ đối với tỉnh ta mà đối với cả nước.
Những năm gần đây,nhất là từ khi ca trù được UNESCO ghi danh di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, cùng với việc Nhà nước tiến hành tu bổ, tôn tạo đình Lỗ Hạnh, huyện Hiệp Hoà đã có nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đáng quý này. Xã Đông Lỗ đã thành lập 4 câu lạc bộ Ca trù ở 4 thôn là Chằm; Khoát; Chúng và thôn Hưng Đạo với tổng số 38 học viên. Các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh hỗ trợ các nhạc cụ và trang thiết bị hoạt động, đồng thời trực tiếp mời các nghệ nhân của câu lạc bộ ca trù Thanh Khương ( Thuận Thành, Băc Ninh) về truyền dạy lối hát Ca trù. Với hơn 1 tháng dạy lời, rèn giọng, nhiều ca nương, kép đàn "chân lấm tay bùn" vùng chiêm trũng Đông Lỗ đã có thể ca thành thục 5-6 bài thuộc 4 giọng ở các thể : hát nói, hát ru, xẩm huê tình, đào hồng đào tuyết và thành thạo những ngón đàn cơ bản "vê', "vẩy". Ngoài ra, các ca nương của CLB ở Đông Lỗ và Trung tâm VHTT huyện còn được đi tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Văn hoá tỉnh và Nhà hát Chèo Bắc Giang mời các nghệ nhân của CLB ca trù Lỗ Khê ( Đông Anh, Hà Nội) về truyền dạy. Ông Đào Xuân Dương, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Hiệp Hoà cho biết : Xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển ca trù hiện nay, cấp uỷ, chính quyền ở Đông Lỗ rất quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho các CLB ở cơ sở. Huyện và tỉnh cũng đã có những hỗ trợ cần thiết cho các CLB ca trù của Đông Lỗ… Ông nói thêm rằng, tại Hiệp Hoà có một số tác giả như Đăng Bạ, Hoàng Hợp ở các CLB thơ của huyên đã sáng tác những tác phẩm hát nói, với nội dung mới, phù hợp với thể loai ca trù, đó là điều thuận lợi để vùng quê Ca trù bên sông Cầu được hồi sinh trở lại ./. 
 Trần Thái
Ngày cập nhật: 10/12/2014 Lượt xem: 708