Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn 1 năm qua khiến nhiều làng nghề ở Bắc Giang bị ảnh hưởng, sản xuất ngưng trệ. Làm thế nào để làng nghề thích ứng, vượt qua khó khăn là vấn đề đặt ra hiện nay.
Khắc phục khó khăn
Tháng 5, trời nắng gắt, vượt qua cả chục chốt kiểm soát dịch Covid-19, chúng tôi đến thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Nắng nóng gây bất lợi cho đa phần cuộc sống, sinh hoạt của người dân nhưng lại là cơ hội thuận lợi cho những hộ làm mỳ gạo. Khắp các sân vườn phủ kín những phên bánh trắng tinh. Làng nghề giữ nhịp sản xuất như chưa có bóng dáng của dịch Covid-19.
Đóng gói sản phẩm mỳ Chũ Xuân Trường, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn). |
Ngừng tay thu xếp những thùng mỳ lớn do các hộ trong làng nghề gửi đến giao cho khách đặt trước, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng thôn Thủ Dương, Giám đốc HTX sản xuất mỳ gạo Chũ Nam Thể chia sẻ, thôn có 287/359 hộ sản xuất mỳ gạo. Nhờ đầu tư hệ thống lò điện, máy tráng nên năng suất và chất lượng mỳ Chũ nâng lên, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Trong làng hiện có 38 hộ cách ly y tế nhưng tất cả vẫn sản xuất bình thường.
Đơn cử hộ ông Tô Văn T, Nguyễn Quang L, nhà bị cách ly nhưng mỗi ngày vẫn sản xuất hàng tạ gạo. Ông Nam cho biết: “Để giúp các hộ bị cách ly tiêu thụ mỳ, hàng ngày, HTX hoặc các nhóm hộ cho xe đến các gia đình để nhận hàng, bảo đảm phòng dịch. Nếu nhà nào hết nguyên liệu, HTX và nhóm hộ sẽ cho xe chở đến. Nhờ đó hiện làng nghề tiêu thụ khoảng 20 tấn mỳ gạo/ngày. Tổng sản lượng có giảm hơn trước khi có dịch nhưng không đáng kể, vì hầu hết mỳ được các đại lý đặt trước”.
Mặc dù không có quy mô sản xuất và duy trì được sản lượng hàng hóa lớn như làng nghề Thủ Dương nhưng nhiều làng nghề sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, như: Làng nghề sản xuất mỳ gạo thôn Mé, tổ dân phố Phú Mỹ, phường Dĩnh Kế; làng nghề bún bánh Đa Mai, phường Đa Mai (cùng TP Bắc Giang) cũng đã có cách làm phù hợp để duy trì hoạt động và thu nhập.
Bắc Giang hiện có 31 làng nghề (giảm 8 làng nghề so với năm 2020), trong đó 11 làng nghề truyền thống. Nguyên nhân do các làng nghề không đạt tiêu chí như: Số lượng người tham gia, thu nhập, lượng hàng hóa, không có phương án bảo vệ môi trường... |
Ông Đoàn Văn Hoan, chủ hộ chuyên sản xuất bún tươi, khô tại tổ dân phố Mai Đọ, phường Đa Mai cho hay, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi ngày gia đình sản xuất và tiêu thụ 5 tạ bún tươi cho các hàng ăn trong TP Bắc Giang, nhưng nay không bán được kg nào vì các nhà hàng đóng cửa.
Ông Hoan chia sẻ: “Để duy trì sản xuất, có thêm nguồn thu, chúng tôi chuyển sang làm bún khô, hiện cũng tiêu thụ được 80 kg/ngày cho thị trường Hà Nội và Đà Nẵng”.
Bà Lương Thị Diện, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Đa Mai, phụ trách làng nghề bún, bánh Đa Mai thông tin, làng nghề có 2 HTX với hơn 40 hộ sản xuất bún (tươi, khô) và các loại bánh: Bánh chưng, bánh gio, bánh cuốn… phục vụ ăn sáng, làm quà, tiệc cỗ cho người dân và các bếp ăn công nghiệp trong tỉnh.
Trước đây, mỗi ngày các hộ xuất bán khoảng 12 tấn bún, bánh các loại. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhất là khi công nhân tạm nghỉ để phòng, chống dịch thì lượng hàng hóa của làng nghề sụt giảm chỉ còn khoảng 12%. Trong đó, các hộ chuyên sản xuất hàng bán giao cho các nhà hàng, bếp ăn công nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất.
“Hiện nhiều hộ chuyển sang vừa sản xuất vừa “ship” hàng tận nơi, hoặc kết nối với các khu cách ly để cung ứng sản phẩm. Dù lượng hàng bán không nhiều như trước nhưng cũng là hướng đi tốt nhất cho làng nghề trong thời điểm này”, bà Diện nói.
Cần năng động thích ứng
Theo Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT), dịch Covid-19 khiến hầu hết làng nghề thủ công như: Mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, nghề mộc, sinh vật cảnh ngừng hoạt động, hoặc sản xuất cầm chừng vì không có đầu ra. Chỉ có những làng nghề liên quan đến chế biến lương thực, thực phẩm vẫn gắng gượng vượt dịch bệnh để giữ nghề và có thêm thu nhập cho người dân bằng cách làm năng động.
Sản xuất mỳ gạo Chũ tại làng nghề Thủ Dương. |
Ngoài dịch Covid-19 còn một số nguyên nhân khiến các làng nghề, đặc biệt là một số làng nghề sản xuất mỳ gạo, như: Thôn Mé và Châu Sơn, xã Việt Ngọc (Tân Yên) hoạt động hiệu quả chưa cao do không có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thiếu chủ động giao hàng cho các đại lý, thụ động trong tiêu thụ.
Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc HTX Mỳ gạo Quế Hằng, xã Việt Ngọc chia sẻ, tới đây, HTX bàn với các hộ, lên kế hoạch phát triển thị trường một cách bài bản, mua sắm phương tiện vận chuyển để chủ động giao hàng cho khách. Bởi hiện tại dịch bệnh khiến xe của các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh… không về làng “ăn” hàng.
Ông Nguyễn Thái Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết, trước khó khăn của các làng nghề, Sở Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu các huyện có làng nghề rà soát hoạt động để có căn cứ tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ. Trước mắt, các làng nghề muốn tồn tại và phát triển trong tình hình mới vẫn phải chủ động phát huy nội lực. Các hộ, HTX cần hoàn thiện sản phẩm theo hướng phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời chủ động liên kết sản xuất và tiêu thụ, thích ứng với diễn biến khó lường của dịch bệnh và biến động của thị trường để giữ gìn và phát triển nghề.