Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Làng nghề và Đặc sản Đặc sản ẩm thực ngày tết của người Cao Lan vùng Tây Yên Tử

Đặc sản ẩm thực ngày tết của người Cao Lan vùng Tây Yên Tử

Tết đến. Mùa Xuân về. Trong hành trang du Xuân có chuyến phượt phía Bắc với Tây Yên Tử. Trong màu xanh tưởng như bất tận của đất trời xuân. Xanh trời, xanh rừng, xanh núi. Ngược lên phía Bắc, bạt ngàn những đồi hoa vải thiều màu hoa trắng như ngọc, hương thơm như rải khắp đất trời. Đâu đây, thắng cảnh Suối Mỡ huyền ảo với truyền thuyết Quế Mỵ Nương gọi mời, rồi ngược lên tới đền Từ Hả, chùa Am Vãi; trải lòng mình với hồ Khuôn Thần và mênh mông, hồ Cấm Sơn thơ mộng... Cả một vùng Xuân. Nơi đồng bào các dân tộc sinh sống mà ở đó mỗi tên đất, tên làng chứa bao trầm tích văn hóa. Trong chuyến du Xuân ngược rừng, ngược núi, ta có dịp đến với đồng bào Cao Lan vùng Lục Sơn ( Lục Nam), Đeò Gia ( Lục Ngạn) hay Yên Định, An Bá ( Sơn Động) phía Tây Yên Tử để một lần được chứng kiến và tham dự lễ mở cối đầu Xuân, hay lễ mở cửa rừng độc đáo có một không hai; hòa cùng các tốp trai gái thanh tân trong tiếng hát Sình ca gọi bạn. Đến nơi đây trong dịp này, bạn sẽ có dịp được thưởng thức những món ngon trong ẩm thực ngày Tết của bà con dân tộc, luôn chân tình và hiếu khách. Chắc chắn, hình ảnh và dư vị đặc sắc của những món ẩm thực với xôi ngũ sắc, bánh vắt vai của người Cao Lan sẽ chẳng dễ gì quên.


Xôi ngũ sắc “ gói cả trời đất trong tay”: ngũ phúc lâm môn.

Trong phiên chợ vùng cao phía Bắc, tổ chức tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam xuân 2013, tại gian trưng bày của tỉnh Bắc Giang không chỉ có mật ong vải thiều; mì Chũ; bánh đa Kế; nấm lim xanh Đèo Gia; mây tre đan Tăng Tiến mà đặc sản xôi trứng kiến của đồng bào Cao Lan ở Đèo Gia đã thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước, trong đó có nhiều phóng viên của các báo, tạp chí và truyền hình tới thưởng lãm, bởi sự độc đáo, đặc sắc của món ẩm thực đặc biệt này. Sự độc đáo của sản phẩm bao gồm cả nguyên liệu chế tác, sự cẩn trọng, khéo léo của người thực hiện. Về nguyên liệu, phải tìm và lấy được lá cây thau từ tháng 7 đến tháng 10, khi lá vừa đủ độ già. Lá cây thau được giã lọc lấy nước sẽ được màu tím. Màu xanh được lấy từ lá cây gừng; màu đỏ được lấy từ lá cây cẩm hồng hoắc cẩm tía; còn màu vàng được lấy từ củ nghệ hoặc quả dành dành( cũng giống như màu vàng của tranh Đông Hồ). Đối với từng loại lá, quả, củ đều được nghiền kỹ, lọc lấy nước đặc để dùng. Riêng màu trắng là của chính thứ gạo nếp thơm của vựa nếp Phì Điền. Từng phần gạo được ngâm riêng với từng loại nước màu cho ngấm, trong khoảng 3 canh giờ ( khoảng 6-7 tiếng) thì cho vào chõ để đồ xôi, Khi xôi chín được cho vào khuôn đã có sẵn. Xúc xôi vào từng ngăn ô trong khuôn với 5 màu riêng biệt. 5 màu thường là: Đỏ, đen, trắng, vàng, xanh ( hoặc tím). Những màu tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Dân gian cho rằng, thưởng thức món xôi ngũ sắc là ngũ phúc lâm môn. Nếu khuôn bánh to bằng chiếc mâm thì có thể trang trí các hình và chữ nổi, bằng chữ Hán hoặc chữ Việt. Du khách một lần được thưởng lãm và thưởng thức món xôi ngũ sắc của đồng bào Cao Lan vùng Tây Yên Tử thì mãi nhớ.

Bánh vắt vai, “ bánh thương, bánh nhớ”

Đối với người cao Lan, trong những ngày Tết, không thể không có bánh vắt vai trên bàn thờ tổ tiên. Trong dịp vui xuân, chơi hội, bánh vắt vai được coi là thứ vật phẩm tiện lợi cho các nam thanh nữ tú đường xa vui hát giao duyên. Để làm loại bánh này, nguyên liệu gồm có gạo nếp, đỗ xanh, đường, ngải cứu và lá chuối ( dùng cả tàu lá), những nguyên liệu vốn có sẵn. Gạo nếp vẫn phải là loại nếp Phì Điền nổi tiếng thơm ngon được nghiền nhỏ... Lá ngải cứu luộc bằng nước vôi trong cho bớt vị chát, đắng nghiền nhỏ, trộn cùng bột nếp. Bánh được làm bằng cách nắm viên, ở giữa cho nhân bánh đường, đậu xanh. Dùng tàu lá chuối tươi đã được hơ qua cho khỏi rách để gói. Bánh gói có hai múi vắt sang hai bên thành chiếc bánh, rồi cho vào luộc cách thủy khoảng 2 giờ là bánh chín. Bánh vớt ra, để cho ráo nước. Bánh được làm tách thành hai phần riêng biệt ở hai đầu, giữa thắt lại, có thể vắt vai đi lại nên bà con gọi là Bánh vắt vai. Mùa xuân dường như thật gần trong niềm vui tuổi trẻ trước mùa hội Soọng cô đang đến./.
 Trần Thái
Ngày cập nhật: 02/02/2015 Lượt xem: 658