Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Làng nghề và Đặc sản Làng nghề truyền thống và tiềm năng du lịch

Làng nghề truyền thống và tiềm năng du lịch

Thực trạng làng nghề và tiềm năng du lịch
Làng nghề truyền thống có vai trò hết sức to lớn trong đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân nhất là ở khu vực nông thôn, nó mang tính tập tục truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc vùng miền của một địa phương, một dân tộc. Ngày nay, du lịch làng nghề đang là một xu hướng phát triển. Do đó để khai thác và phát triển làng nghề truyền thống trở thành một điểm đến du lịch là một hướng đi tất yếu cần được quan tâm khai thác.
Làng nghề bánh đa Thổ Hà. ảnh Hà Yến
 Tỉnh Bắc Giang nằm trong vùng trung du miền núi Bắc bộ, là một trong những cái nôi của các làng nghề thủ công truyền thống. Các làng nghề thủ công truyền thống ở Bắc Giang hình thành từ xa xưa, xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và một phần phục vụ chính quyền phong kiến. Với những bí quyết cổ truyền đã được đúc kết qua nhiều thế hệ sản xuất ra một số sản phẩm nổi tiếng trong khắp cả nước như: nghề gốm Thổ Hà, rượu làng Vân huyện Việt Yên, nuôi tằm ươm tơ ở Phú Giã thành phố Bắc Giang, Mai Thượng huyện Hiệp Hoà; Bánh đa Kế ở xã Dĩnh Kế thành phố Bắc Giang; mây tre đan Tăng Tiến xã huyện Việt Yên; mỳ Chũ ở Thủ Dương xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn….Trải qua quá trình vận động của lịch sử, một số nghề đã bị mai một, một số nghề sản xuất cầm chừng nhưng cũng có nghề vẫn duy trì phát triển.
Làng nghề ở Thổ Hà. Ảnh Đăng Lâm
 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 435 làng có nghề, trong đó có 33 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề gồm 14 làng nghề truyền thống và 19 làng nghề. Các nghề thủ công khá phong phú ở nhiều lĩnh vực như : mây tre đan ; làng làm mỳ gạo, bún, bánh đa, nấu rượu; sản xuất vôi, cay sỉ; sản xuất mộc dân dụng; 01 làng dệt thổ cẩm; 1 làng làm giấy gió; 1 làng nuôi tằm ươm tơ; 1 làng khâu nón lá; 1 làng sản xuất dây thừng... Các làng nghề tập nằm rải rác các huyện trong toàn tỉnh, trong đó các làng nghề truyền thống chủ yếu nằm dọc theo tuysn sông Cầu thuộc huyện Việt Yên, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang như làng Vân, làng Thổ Hà, làng Song Khê, Tăng Tiến sản xuất các sản phẩm truyền thống như nấu rượu, làm gốm, bánh đa, mây tre đan…Đây là những làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời, sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước. Đó là những điều kiện để có thể khai thác các làng nghề này trở thành điểm đến du lịch.

Sản phẩm làng nghề bánh đa kế. Ảnh Văn Dương
Một số hạn chế phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống
Tuy nhiên làng nghề truyền thống của tỉnh Bắc Giang chưa thực sự phát triển mạnh mẽ, số hộ lao động làm nghề trong các làng ít, nhiều làng nghề chưa thực sự sống bằng nghề, không khí làm nghề trong các làng nghề trầm lắng khó thu hút khách du lịch. Các làng nghề phân tán rải rác cách xa nhau vì vậy việc di chuyển từ làng nghề này đến làng nghề khác mất nhiều thời gian. Cơ sở hạ tầng vật chất như đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, môi trường, khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề còn nhiều hạn chế.
Sản phẩm sản xuất của các làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa phong phú đa dạng, mẫu mã, bao bì nghèo nàn chưa được chú trọng để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm, công tác tiếp thị giới thiệu quảng bá hình ảnh làng nghề, sản phẩm làng nghề còn hạn chế…là những khó khăn cho việc phát triển du lịch làng nghề.
Một số giải pháp phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống
Để xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống, tạo dựng điểm đến du lịch tại các làng nghề và khai thác các làng nghề truyền thống cho phát triển du lịch Bắc Giang cần tập chung cho một số giải pháp như sau:
Trước hết muốn phát triển được du lịch làng nghề truyền thống thì các làng nghề truyền thống phải phát triển mạnh mẽ, sôi động, có nhiều hộ và lao động tham gia hoạt động nghề.
Tỉnh cần có chính sách khôi phục, bảo tồn, hỗ trợ phát triển nghề truyền thống mang bản sắc văn hoá đã bị mai một hoặc sản xuất yếu kém như nghề dệt thổ cẩm, trồng dâu, nuôi tằm, hỗ trợ tìm đầu ra cho các nghề truyền thống.
Trong khi chưa xây dựng phát triển nhiều làng nghề truyền thống để thu hút khách du lịch trước mắt khai thác những làng nghề truyền thống đang hoạt động tốt như các làng nghề mây tre đan xã Tăng Tiến, làn Vân xã Vân Hà huyện Việt Yên với nghề nấu rượu, làm bánh đa..., sản xuất mỳ Chũ xã Nam Dương huyện Luc Ngạn, Bánh đa Kế thành phố Bắc Giang…Để đưa các làng nghề trên địa bàn tỉnh vào khai thác du lịch cần rà soát lại các điều kiện hạ tầng, các dịch vụ phục vụ du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cần hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề như xây dựng đường giao thông thuận tiện, chú trọng xử lý môi trường, xây dựng khu trưng bày sản phẩm của làng nghề…
Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị hình ảnh du lịch làng nghề truyền thống trong chương trình du lịch chung của tỉnh. Định hướng, khuyến khích và có chính sách hỗ trợ sản xuất một số sản phẩm của làng nghề truyền thống phục vụ cho khách du lịch.
Gắn du lịch làng nghề truyền thống với các hoạt động du lịch khác tạo nên sự đan xen phong phú giữa các hình thức du lịch./. 
 Nhật Minh
Ngày cập nhật: 11/09/2015 Lượt xem: 1144