Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Làng nghề và Đặc sản NỘI DUỆ - LÀNG NGHỀ CHÀI LƯỚI BÊN SÔNG

NỘI DUỆ - LÀNG NGHỀ CHÀI LƯỚI BÊN SÔNG

Nằm ở vị trí nhất cận thị, nhị cận giang thôn Nội Duệ xã Tự Lạn huyện Việt Yên là một vùng quê có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Nghe tên làng ta hình dung Nội Duệ phải là một làng thuộc tỉnh Bắc Ninh. Nhưng không phải vậy, cách trung tâm xã Tự Lạn chừng 2km đi men qua con đường đê vắt qua làng ta đến thôn Nội Duệ.


 

Bởi tò mò về tên làng tôi tìm gặp ông Nguyễn Thế Cẩn, trưởng ban Mặt trận khu dân cư của thôn ông cho biết: là một thôn mới định cư (vào khoảng năm 1958) dân ở đây có gốc thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh lên đây lập ấp, lập làng theo chủ trương chung của Nhà nước khi đó. Những ngày đầu lên đây, muốn giữ lại gốc gác của quê hương nên đã đặt tên làng là Nội Duệ.

Khi mới lên lập làng cả thôn chỉ có chừng mươi hộ. Đến nay, cư dân đông đúc thêm, thôn làng cũng thêm trù phú. Do nằm bên con sông Thương hiền hoà gầnlưu vực của một nhánh sông nhỏ từ mạn Thái Nguyên chảy về nênngoài việc làm ruộng cấy lúa, cư dân nơi đây còn phát triển thêm nghề phụ đánh bắt cá ven sông. Nói là nghề phụ, nhưng thu nhập do nghề đem lại đã là những nguồn thu chính cho phần lớn cư dân trong thôn.

Đến Nội Duệ vào mùa nước lên mới thấy không khí nơi này nhộn nhịp tới nhường nào. Cả thôn có tới hơn một nửa số hộ gia đình theo nghề đánh bắt cá tôm. Đàn ông, thanh niên trai tráng khoẻ mạnh trong làng thì đánh lưới, thả vó, thả câu…phụ nữ, trẻ em những khi rảnh thì làm mồi, vá lưới, phân loại cá tôm mỗi khi có mẻ cá về. Hay ra các đầm rìa làng bắt chai, bắt ốc…Mỗi người một việc, công việc cứ thế mà tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác.

Đánh cá tôm cũng theo mùa. Mùa nhiều cá tôm là mùa nước nổi từ tháng 4 cho tới tháng 8 hàng năm. Đánh cá tôm vào mùa này ham lắm. Vào những ngày mưa lớn, nước sông lên một gia đình có vài ba người có thể kéo được vài ba tạ cá. Người dân chỉ lo không có sức mà đánh. Không khí vào vụ thu hoạch tấp nập khắp làng. Các thương lái đến thu mua cũng đông hơn ngày thường.

Dụng cụ đánh bắt của người dân nơi đây chủ yếu là dụng cụ thủ công. Một gia đình đánh bắt có thể trang bị rất nhiều dụng cụ đánh bắt cùng lúc. Nào là chài, lưới, vó, rọ, cần câu lưỡi trùm, ghe, thuyền…Mỗi dụng cụ một cách đánh. Mỗi cách đánh đem lại một nguồn thu khác nhau. Nếu như đánh lưới, đánh chài…có thể đem lại nguồn thu là các loại cá, đặc biệt là cá lớn. Nhưng đánh rọ, vó…thì lại cho nguồn thu chủ yếu là tôm…

Nói về cách đánh tôm thì thú vị lắm. Để có thể nhử được nhiều tôm chui vào rọ thì cần phải chuẩn bị mồi ăn. Mồi cho tôm ăn được làm khá đơn giản. Khâu làm mồi được giành cho phụ nữ và trẻ em. Nguyên liệu làm mồi gồm có bột sắn và cám rang. Bột sắn được cho nước đun lên đảo sánh, khi được bột thì đem trộn lẫn với cám rang, lấy tay thấu đều tạo thành một khối rẻo không dính tay. Sau đó đem đổ ra đất, san đều cho nguội, lấy dao cắt thành viên như kẹo. Khi cắt xong rắc bột cám rang lên để các viên không dính với nhau. Mỗi viên được đưa vào một rọ để làm thức ăn dụ tôm. Tôm ngửi thấy mùi thức ăn thơm, ham ăn, chui vào rọ. Chiếc rọ được thiết kế chỉ chui vào được mà không thể chui ra. Quy trình  đánh bắt tôm khá đơn giản nhưng cần nhiều thời gian, thời gian làm thức ăn, thời gian đi thả rọ, thời gian đi kéo về. Tất cả đều trình tự và khá tỷ mỷ. Tuy không vất vả như kéo lưới, quăng chài nhưng đi đánh tôm cần sự kiên trì, bền bỉ.

Dụng cụ đánh tôm được làm bằng tre. Những chiếc rọ này phải đi mua trên mạn Song Mai, Bắc Giang hay ở Cầu Mây, Thái Nguyên. Mỗi gia đình đánh bắt trung bình sắm khoảng từ 100-200 chiếc rọ. Nhà nhiều từ 300-400 chiếc. Nhà anh Nguyễn Thế Chín trong làng cho biết: gia đình có 250 chiếc, mỗi một mẻ trung bình thu được từ 2-3kg tôm. Mỗi kg anh bán cho thương lái tới mua tại nhà giá thời điểm hiện tại là 140.000đ/kg. Mỗi ngày anh thu trung bình được từ 3-4kg. Tuỳ theo có ngày nhiều hay ngày ít. Anh kể, những năm gần đây nhu cầu của người tiêu dùng càng cao, thương lái về tận làng thu mua nên việc bán sản phẩm cũng dễ dàng và thuận tiên hơn. Chính vì thế anh không ngừng đẩy mạnh phát triển nghề. Ngoài việc chăm chỉ thả lưới giăng vó… gia đình anh còn sắm thêm nhiều dụng cụ đánh bắt để có thể thu hoạch được hiệu quả vào mùa nước nổi. Hiệu quả đánh bắt nhờ vậy mà không ngừng nâng lên. Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình anh cũng như các gia đình trong thôn không ngừng được nâng cao.

Biết là nghề vất vả nhưng những ai đã theo nghề thì không dễ bỏ được vì một lý do ham mê. Ham lắm. Ham nhất là những khi vào mùa nước lớn, cá tôm về nhiều. Người dân thường đánh được cá lớn thậm chí cả ba ba nặng tới hàng vài kg. Mỗi mẻ như thế thu được cả hàng triệu bạc ấy chứ!

Mỗi quê một nghề. Tìm về Nội Duệ vào một ngày tháng 7 nước lên, thấy được niềm vui ánh lên sau những giọt mồ hôi vất vả, nghe những câu chuyện kể vui mừng khi bắt được cá lớn hay ba ba, nhìn ngắm những ngôi nhà kiên cố san sát nhau mới thấy cuộc sống nơi đây trù phú tới nhường nào. Con Sông đã không phụ lòng người chăm chỉ, chịu khó hàng năm đưa cá, tôm về. Những vất vả nhọc nhắn, niềm say mê với nghề của cư dân nơi đây đã được đền đáp xứng đáng. Anh Chín bảo tôi, lớn lên đã biết nghề do theo cha, theo ông đi đánh bắt. Nhờ có gần sông gần bể cá nên theo nghề. Cũng nhờ có sông, có nghề mà cuộc sống gia đình thêm phần sung túc. Con cái được học hành tới nới, tới chốn. Gia đình sắm sang được nhiều đồ dùng sinh hoạt. Anh cười, nụ cười sau một ngày lao động vất vả, nụ cười của niềm vui khi tôm cá về nhiều. Cuộc sống thật đẹp và ý nghĩa!

Nguyễn Mến

Ngày cập nhật: 10/09/2014 Lượt xem: 1414