Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Làng nghề và Đặc sản Phát triển sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến trong hoạt động du lịch

Phát triển sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến trong hoạt động du lịch

Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến thuộc xã Tăng Tiến huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là một làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng từ rất lâu đời. Hiện nay nghề mây tre đan của Tăng Tiến đã trở thành một thương hiệu làng nghề được ưa chuộng khắp thị trường trong và ngoài nước.
Theo các nhà nghiên cứu làng có lịch sử hình thành nghề đến nay đã khoảng hơn 300 năm (thời nhà Hậu Lê). Trước đây, cả 5 thôn trong xã đều gắn bó với nghề đan lát truyền thống nhưng nó vẫn chỉ được coi là nghề phụ bên cạnh nghề sản xuất nông nghiệp. Bởi là một xã thuần nông, người dân Tăng Tiến lấy canh tác nông nghiệp làm nghề chính. Nhà nào cũng đan lát nhưng mỗi hộ chỉ có vài ba chiếc rổ, chiếc rá hay cái quạt nan… mang đi bán mỗi phiên chợ huyện. Nhưng từ khi hợp tác xã mây tre đan ra đời, bà con trong xã chuyển dần sang nghề đan lát là chính. Hiện nay, có hàng nghìn lao động tham gia làm nghề truyền thống đan sản phẩm mây tre và nghề đan lát mây tre đã trở thành ngành kinh tế chủ đạo trong cơ cấu kinh tế ở địa phương. Thu nhập từ mây tre đan chiếm khoảng tới 80% tổng thu nhập của người dân. Hiện nay, trong xã có nhiều thôn sản xuất nghề mây tre đan, trong đó có 2 thôn nổi tiếng hơn cả là Phúc Long và Phúc Tằng.
Từ khi đan lát mang tính chất sản xuất hàng hóa thì sản phẩm của làng nghề cũng trở nên phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã. Từ những sản phẩm truyền thống của quê hương, thân quen bình dị mộc mạc như: Các loại rổ, các loại rá, dần, sàng hay quang gánh, thúng mủng, gầu tát nước, nong nia, cót thóc, thuyền nan v.v... đến các mâm, khay, đũa, đĩa, lọ hoa, lẵng hoa, bàn ghế, giường, chõng, gối đệm, chiếu tre, mành, quạt….Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường thì sản phẩm làng nghề mây tre đan không chỉ sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu gia dụng mà còn sản xuất thêm nhiều hơn các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt sản phẩm mành tăm được thị trường Nhật Bản và Đài Loan rất ưa chuộng. Ngoài ra, sản xuất các sản phẩm khác là theo nhu cầu đặt hàng khách hàng người thợ nghề sẽ đáp ứng.


Sản phẩm tăm tre sau khi được nhuộm màu
Bên cạnh giá trị về mặt kinh tế, xã hội mà nghề mây tre đan mang lại thì hiện nay làng nghề đang dần trở thành địa chỉ có tiềm năng khai thác du lịch và phát triển các tour, tuyến du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng. Chính sự độc đáo từ khâu nguyên liệu đến quy trình sản xuất thủ công để tạo ra những sản phẩm đặc sắc của làng nghề đã rất hấp dẫn, thu hút sự quan tâm hiếu kỳ của du khách, đặc biệt là đối tượng khách nước ngoài. Có thể khẳng định đây là một trong những tiềm năng lớn có thể đưa vào khai thác nhằm kích cầu du lịch tại đây.
Mành Tăm được dệt trên Khung
Nguồn nguyên liệu chủ yếu để làm ra sản phẩm thủ công truyền thống của xã Tăng Tiến là cây dùng, cây tre và mây. Đây là những nguyên liệu truyền thống của làng nghề mây tre đan xã Tăng Tiến. Có thể thấy rằng những nguyên liệu này rất dễ kiếm và rất quen thuộc với người Việt Nam. Tại tất cả các làng quê xưa kia đều có cây tre, cây Dùng phấn, thậm chí cây tre đã trở thành một hình ảnh ví von đi vào tâm thức của người dân mỗi khi nhắc đến làng quê Việt. Trong số đó cây Dùng phấn trở thành nguồn nguyên liệu chủ yếu nhất hiện nay. Đây là loại cây có gióng rất thẳng, dài, lạt mịn đẹp, dẻo dai, có thể dùng để uốn thành những sản phẩm rất kỹ, nhỏ mà không sợ bị gẫy, phá nan như cây tre. Yêu cầu khi chọn Dùng phấn là cây thẳng, gióng dài. Dùng khi chẻ phải thật mỏng, mịn, nuột, dài mà người dân địa phương vẫn gọi là tôm nhỏ, thịt lỳ. Đặc điểm ưu việt của nghề mây tre đan là tiêu thụ ít nguyên liệu và thải ra rất ít phế liệu. Do vậy, nguồn nguyên liệu cung cấp cho làng nghề hiện nay dồi dào và ổn định.
Sản phầm đồ dùng gia đình
Bên cạnh tính cổ truyền, dung dị mộc mạc của nguyên liệu sản xuất sản phẩm thì quy trình sản xuất thủ công của làng nghề cũng là điểm hấp dẫn du khách thăm quan. Để tạo ra hầu hết các sản phẩm mây tre phải trải qua nhiều công đoạn: Chọn mua nguyên vật liệu; Pha tre, chẻ nan; Hun; Đan, dệt sản phẩm; Xử lý mẫu mã, sản phẩm. Tuy nhiên tùy vào mỗi loại sản phẩm có đặc tính riêng thì các công đoạn trên sẽ có những quy trình nhỏ khác nhau.
Hình ảnh xưởng sản xuất thủ công sản phẩm mây tre đan làng nghề
Du khách đến thăm làng nghề có thể được mục sở thị thấy các nghệ nhân với đôi bàn tay tinh hoa của mình thực hiện điêu luyện thành thục các thao tác để tạo ra các sản phẩm. Đặc biệt, du khách có thể tự mình trực tiếp trải nghiệm tham gia vào một số khâu sản xuất sản phẩm và tự mình có thể đóng góp vào việc tạo ra một vật phẩm làm kỷ niệm vô cùng ý nghĩa khi đến thăm quan làng nghề. Đây là một nét rất hấp dẫn và thu hút sự thích thú của đông đảo du khách mỗi khi đến đây. Ngoài việc tham quan quy trình sản xuất sản phẩm du khách còn được chiêm ngưỡng và tìm hiểu về nhiều sản phẩm tinh hoa của làng nghề mà được các nghệ nhân chế tác. Đó thực sự là các sản phẩm không chỉ có tính nghệ thuật thẩm mỹ cao mà còn mang nhiều giá trị văn hóa xã hội lớn khác được tiềm ẩn trong những sản phẩm truyền thống bình dị mà đặc sắc. Các sản phẩm mây tre đan ở đây cũng sẽ là những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa mà các du khách chọn mua để tặng người thân và bạn bè khi có dịp về thăm làng nghề mây tre đan Tăng Tiến. Tiềm năng phát triển du lịch ở đây rất lớn xuất phát từ chính nội tại của việc sản xuất trong làng nghề, đến đây du khách không chỉ du lịch thăm quan làng nghề mà còn có thể kết hợp du lịch tâm linh, thăm quan tìm hiểu thắng tích chùa Bổ Đà cách đó khoảng 10km, làng cổ Thổ Hà… hay chùa Sùng Quang gần đó.
Sản phẩm mành tăm trang trí
Như vậy có thể khẳng định việc duy trì và phát triển làng nghề truyền thống ở Tăng Tiến là một việc làm có ý nghĩa trong đời sống kinh tế và văn hóa nói chung và ngành du lịch nói riêng. Để gắn sự phát triển của làng nghề tạo động lực kích cầu du lịch hơn nữa trong thời gian tới cần tập chung phát triển hơn nữa nguồn vốn đầu tư cũng như nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất của làng nghề thông qua chương trình đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn; Cần đa dạng hóa các sản phẩm đặc biệt các sản phẩm, tập chung sản xuất những những mặt hàng thị hiếu phù hợp với nhu cầu của thị trường, hướng tới thị trường mục tiêu nhằm tăng sức cạnh tranh thu lợi nhuận; Hình thành xây dựng các tour du lịch phục vụ du khách thăm quan làng nghề mang tính chuyên nghiệp; Đặc biệt chú ý tập chung vào việc tăng cường quảng bá tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các hội chợ thương mại du lịch, các triển lãm….để cho du khách trong và ngoài nước biết đến tên tuổi của một làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng tại Bắc Giang./. 
 Hà Bộ
Ngày cập nhật: 12/12/2018 Lượt xem: 899