Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Làng nghề và Đặc sản Sản phẩm" Du lịch làng nghề Bắc Giang"cần được đầu tư, khai thác

Sản phẩm" Du lịch làng nghề Bắc Giang"cần được đầu tư, khai thác

Khách du lịch trong nước cũng như quốc tế, ngoài nhu cầu đi thăm quan, nghỉ dưỡng, mua sắm, nhiều du khách muốn khám phá, nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống, văn hóa của người dân địa phương. Trong những năm gần đây Du lịch làng nghề đang là một loại hình du lịch được nhiều quốc gia trên thế giới khai thác rất có hiệu quả, đây là một loại hình du lịch vốn đầu tư ban đầu không lớn nhưng hiệu quả mang lại rất cao.  Làng nghề thường là nơi thu hút nhiều nhất sự quan tâm của du khách  bởi nó phản ánh đầy đủ các mặt trong đời sống sinh hoạt văn hoá của người dân địa phương. Bắc Giang là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, hầu hết những làng nghề truyền thống ở Bắc Giang đều mang những nét đặc sắc khác biệt, tạo nên một quần thể văn hóa đặc trưng riêng của từng vùng.

Sản phẩm gốm Làng Ngòi( ảnh Văn Dương)


 

Bắc Giang xưa kia là một vùng đất  trù phú, đồng bằng trải dài phì nhiêu, xen lẫn với núi, rừng trùng trùng điệp điệp, rất thuận lợi cho việc canh tác, trồng trọt, chăn nuôi. Đây chính là điểm đến lý tưởng của người dân các tỉnh đồng bằng, miền xuôi do điều kiện đất chật người đông, khí hậu khắc nghiệt tìm đến làm nơi định cư sinh sống. Mỗi người dân của từng địa phương  thường có trong tay những ngón nghề gia truyền, để làm kế sinh nhai, do vậy Bắc Giang đã trở thành  nơi hội tụ của rất nhiều làng nghề truyền thống, mỗi  nghề được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trải qua bao tháng năm biến cố của lịch sử nhưng vẫn giữ được những bí truyền mà không nơi nào có thể so sánh được như nghề: nấu Rượu Làng Vân,  làm gốm Thổ Hà, gốm làng Ngòi, làm giấy gió Bản Ngè,  bánh đa Kế, mỳ Chũ, mỳ thổ Hà làm bún Đa Mai, chè Mỹ Độ, nuôi ong rừng lấy mật, mây tre đan Tăng Tiến....

Một trong những làng nghề truyền thống của tỉnh Bắc Giang đang ngày càng phát triển, phải kể đến làng nghề nấu Rượu làng Vân. Thời Bảo Đại, rựơu làng Vân được cung tiến vào tận Cung Đình Huế để văn võ bá quan mở tiệc chiêu đãi các quan Tây. Sau này nhiều tên quan Pháp mê rượu làng Vân hơn cả rượu Sâm panh của Pháp.

 

                             "Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc

                         Chiến công như nguyệt rạng trời Nam".

Rượu Làng Vân (Ảnh khai thác)

 Rượu làng Vân nấu toàn một thứ gạo nếp thơm ngon trồng trên cánh đồng làng Vân Xá, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Rượu ngon còn phải nhờ vào men tốt, thứ men gia truyền toàn bằng các vị thuốc Bắc quý hiếm. Người chế men giỏi giang, lại thêm người nấu rượi tài tình, cả hai nghề cha truyền con nối đó cứ thế khuôn chặt trong một cái làng nhỏ bé - làng Vân - hàng chục thế kỷ qua, ít nơi sánh kịp. cho nên ca ngợi làng Vân chính là ca ngợi về nghệ thuật nấu rượu thủ công đã ngàn đời của người dân làng Vân. Rượu làng Vân với nhãn hiệu ''ông tiên'' đầu râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, tay cầm gậy trúc, lưng đeo bầu rượu, lơ lửng đi giữa tầng mây đã từng nổi tiếng trên mọi miền đất nước và cả ở một số nước ngoài. Ngày lễ tết thời xưa người ta cố gắng tìm mua bằng được mấy chai rượu làng Vân thứ thiệt để đi biếu hoặc thờ cúng tổ tiên, ngày nay nhiều du khách vẫn không quên hương vị của loại rượu này, nên khi có dịp tới Bắc Giang vẫn mong muốn mua được một vài chai về làm quà. Để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch, năm 2003 tỉnh đã quy hoạch và xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp - Làng nghề Việt Yên để đưa sản xuất thành một quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề.

Thực trạng hiện nay Bắc Giang có rất nhiều làng nghề truyền thống vẫn đang được duy trì, phát triển, nhưng sự thành công đó vẫn chủ yếu là sự tự thân vận động, sự hỗ trợ của các cấp các ngành còn rất hạn hẹp, một số làng nghề đang dần mai một chỉ  mang tính cầm canh, nhỏ lẻ, giải quyết công ăn việc làm tạm thời cho một số thanh niên đến tuổi lao động nhưng khi chưa có công ăn việc làm đang đi tìm việc, hoặc mang tính thu nhập thêm cho gia đình. Nhìn trung các sản phẩm làm  ra nhưng chưa có thị trường lớn tiêu thụ, do vậy thu nhập của người lao động không cao, không mang tính ổn định, Không cạnh tranh nổi với các sản phẩm có công nghệ hiện đại, tiên tiến. Một số các làng nghề duy trì sản xuất các sản phẩm thủ công mang tính truyền thống dân gian, hàng  lưu niệm như mây tre đan Tân Tiến, làm giấy gió Bản Nghè, gốm làng Ngòi.... nhưng lượng khách  đến thăm quan chưa nhiều. Bên cạnh đó việc tiêu thụ các sản phẩm làm ra thường phải qua nhiều khâu trung gian, do vậy doanh thu còn lại chẳng đáng là bao.

Để duy trì, gìn giữ, phát triển, khai thác có hiệu quả loại hình du lịch dịch vụ này, chúng ta cần tìm ra những biện pháp, giải pháp tích cực, những giải mang tính bền vững, lâu dài, trước hết là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh,  sự phối hợp chặt trẽ của các cấp các ngành trong tỉnh, như Sở Công Thương, Sở Kế hoạch Đầu Tư, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Sở Giao thông Vận Tải..đây là những cơ quan quản lý nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của các làng nghề.

Công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, hội chợ đó là những việc làm là hết sức cần thiết,  nhằm kêu gọi thu hút các nhà đầu tư và  thị trường tiêu thụ sản phẩm.Trung tâm TTXTDL phối hợp với Phòng NV Du lịch xây dựng kế hoạch liên doanh liên kết với các tỉnh bạn, tạo điều kiện cho các công ty lữ hành trong, ngoài tỉnh tổ chức các tour, tuyến đưa khách đến thăm quan các làng nghề trong tỉnh. Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ cho người dân địa phương vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng. Tư vấn cho người dân các cách thức khai thác dịch vụ đưa đón khách du lịch, khi đến thăm quan các cơ ở sản xuất bằng các phương tiện thô sơ như đi xe đạp lôi, xích lo, xe bò kéo, xe trâu, xe ngựa kéo...chắc chắn với những phương tiện vận chuyển thô sơ như vậy sẽ làm du khách hết sức thích thú vì chúng gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường đồng thời mang đậm những nét quê. Bên cạnh đó  có chương trình  đào tạo người dân có những kiến thức cơ bản về kinh doanh dịch vụ du lịch như cách giao tiếp, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm nguồn gốc xuất sứ, giới thiệu chất lượng các dịch vụ...Hỗ trợ xây dựng các ky ốt, các cửa hàng trưng bày, bán các loại sản phẩm. Với khách du lịch tham quan làng nghề điều quan trọng là môi trường vệ sinh luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu, có được chất lượng môi trường xanh, sạch, đẹp thì mới có những sản phẩm hoàn hảo.

Phát triển mô hình du lịch làng nghề ngoài vấn đề  thác nguồn lợi về kinh tế, đây chính là cơ hội để tuyên truyền quảng bá cho du khách thấy được những nét văn hoá tiêu biểu của người dân địa phương, qua bao thế hệ vẫn duy trì và phát triển, những nét tinh hoa của các nghề truyền thống. Phát huy, bảo vệ, gìn giữ, phát triển các làng nghề truyền thống là nhiệm vụ quan trọng của mỗi con người Việt Nam chúng ta, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hoá khác nhau, thể hiện tính đặc trưng của mỗi vùng miền. Tất cả những điều đó đã làm đa dạng hoá cho một nước Việt Nam đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc ./.

Trần Anh Tuấn

Ngày cập nhật: 15/09/2014 Lượt xem: 699