Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Làng nghề và Đặc sản Thu hút kích cầu du lịch gắn với hoạt động làng nghề truyền thống

Thu hút kích cầu du lịch gắn với hoạt động làng nghề truyền thống

Với sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội hiện nay, yếu tố cổ truyền mang giá trị truyền thống rất có sức hút và được đông đảo cộng đồng dân cư ưa chuộng. Những giá trị truyền thống của các thế hệ đi trước, nay được thế hệ sau trân trọng, gìn giữ và bảo tồn phát huy ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong đời sống xã hội đương đại, trong số đó phải kể đến hệ thống các làng nghề truyền thống trải khắp mọi miền tổ quốc. Hệ thống làng nghề truyền thống ngày càng trở thành một trong những yếu tố thúc đẩy, tạo ra nguồn lực lớn cho sự phát triển của hoạt động du lịch hiện nay.
 Làng nghề truyền thống - nguồn lực hấp dẫn để kích cầu du lịch 
Làng nghề thủ công truyền thống là trung tâm sản xuất hàng thủ công, nơi quy tụ các nghệ nhân và nhiều hộ gia đình chuyên làm nghề mang tính lâu đời, được truyền đi truyền lại qua các thế hệ. Đó là nơi chứa đựng kho tàng kinh nghiệm kỹ thuật, bí quyết nghề nghiệp từ việc sử dụng nguyên liệu, kỹ thuật chế tác đến chủ đề sáng tạo trong việc tạo ra một sản phẩm thủ công truyền thống không những có tính ứng dụng cao mà còn là những sản phẩm độc đáo, ấn tượng, tinh xảo. Bên cạnh đó, làng nghề truyền thống còn chứa đựng trong nó nhiều văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể giá trị khác: Các di tích lịch sử đình, chùa, miếu, các nét sinh hoạt văn hóa của làng, loại hình nghệ thuật truyền thống.... Tất cả tạo thành một nguồn lực quan trọng trong việc thu hút du khách đến với địa phương.
Trong bối cảnh xã hội đương đại, xu hướng các yếu tố cổ lên ngôi và được xã hội hiện đại ưa chuộng, nhất là các yếu tố liên quan đến văn hóa truyền thống. Trong đó làng nghề truyền thống là một trong những điểm đến rất hấp dẫn đối với khách du lịch nhất là du khách quốc tế. 

Sản phẩm Bánh Đa Kế
Đến với làng nghề truyền thống du khách được trải nghiệm và khám phá tìm hiểu về nghề nghiệp lịch sử làng nghề cùng những câu chuyện thú vị xung quanh những sản phẩm tinh xảo,lạ, đẹp, giá trị và mang trong mình nhiều ý nghĩa thậm chí là cả triết lý nhân văn sâu sắc. Điều đặc biệt làm cho đa phần khách du lịch rất thích thú khi đến với mỗi làng nghề chính là họ có thể trực tiếp tham gia vào quá trình chế tạo sản phẩm hay chỉ tham gia vào một số công đoạn chế tác sản phẩm. Khi đó họ được trải nghiệm thực sự, tự mình trực tiếp tạo ra những sản phẩm tuy chưa chuyên nghiệp,chưa tinh xảo nhưng đã khơi dậy tính tò mò, niềm đam mê tìm hiểu khám phá bên trong của mỗi du khách, qua đó càng làm tăng thêm sức hấp dẫn lý thú của loại hình du lịch này. 
 
Sản phẩm Mỳ Chũ
Đến với làng nghề truyền thống khách tham quan còn được chiêm ngưỡng không gian cảnh quan môi trường sinh thái, văn hóa đậm chất làng quê cùng với hệ thống di tích lịch sử giá trị được bảo tồn. Chính những thứ cổ truyền, dân dã đã mang lại nhiều xúc cảm vừa thân quen lại có phần mới lạ tạo cho con người ta cảm giác thoải mái dễ chịu như được trở về với miềm ký ức xa xưa(khách nội) hay đến với một thế giới mới đầy màu sắc và điều lý thú (du khách nước ngoài). Tất cả điều đó đã tạo sức hút lớn, hấp dẫn du khách góp phần làm cho du lịch làng nghề truyền thống ngày một phát triển.

Sản phẩm làng nghề Mây tre đan Tăng Tiến
Du lịch làng nghề phát triển đã mang lại hiệu quả tích cực đối với kinh tế xã hội địa phương: Giúp tạo ra nhiều công ăn việc làm tăng thêm thu nhập và góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Thông qua việc bán hàng lưu niệm cho du khách góp phần làm tăng doanh số bán sản phẩm thủ công truyền thống trong các làng nghề cũng như tăng thêm cơ hội đầu tư cho các làng nghề truyền thống. Tạo cơ hội giao lưu văn hóa bản địa và văn hóa của khách du lịch nước ngoài. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ; Kích thích phát triển cơ sở hạ tầng thông qua việc đầu tư phát triển hoạt động du lịch; Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống đã bị mai một...
Khai thác phát triển làng nghề truyền thống Bắc Giang tạo kích cầu du lịch đến với địa phương 
Bắc Giang là một trong những cái nôi của các làng nghề thủ công truyền thống ở nước ta.Theo thống kê, hiện cả tỉnh Bắc Giang có hơn 400 làng có nghề, trong đó có khoảng 33 làng nghề được công nhận với 24 làng nghề truyền thống ở nhiều lĩnh vực như: Gốm sứ, mây tre đan, nấu rượu, sản xuất mỳ gạo… Các làng nghề được hình thành từ xa xưa với những bí quyết cổ truyền đã được đúc kết qua nhiều thế hệ. Trong đó, phải kể đến một số làng nghề tiêu biểu với sản phẩm nổi tiếng trong khắp cả nước như: rượu làng Vân ở Vân Hà; Bánh đa Kế, Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang; mây tre đan Tăng Tiến, xã TăngTiến, huyện Việt Yên; mỳ Chũ Thủ Dương xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn…. Mặc dù vậy, cũng như nhiều làng nghề ở các địa phương khác, trước áp lực của nền kinh tế thị trường các làng nghề truyền thống trong tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ suy giảm, mai một thậm chí có thể khó tồn tại.  
Sản phẩm rượu Làng Vân
Trong vài năm gần đây, nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của các làng nghề nhất là làng nghề truyền thống đối với sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội địa phương, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã rất quan tâm và có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển làng nghề như: Phê duyệt quy hoạch hệ thống làng nghề, xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển, tổ chức xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, năng xuất sản phẩm, cải tiến mẫu mã, cải thiện vệ sinh môi trường làng nghề...Qua đó, một mặt góp phần vực dậy, duy trì sự phát triển của các làng nghề truyền thống mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác phát triển loại hình du lịch làng nghề truyền thống tại các địa phương nói riêng và ngành du lịch tỉnh nói chung.
Để các làng nghề truyền thống tiếp tục là một nguồn lực quan trọng có sức hút lớn tạo đà kích cầu cho sự phát triển mang tính bền vững của ngành du lịch tỉnh cần có những định hướng tích cực như: 
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác bảo tồn làng nghề truyền thống. Hoạt động du lịch làng nghề truyền thống là hoạt động du lịch văn hóa khai thác các yếu tố văn hóa, tinh hoa của các làng nghề. Song các giá trị văn hóa ấy dễ bị các hoạt động du lịch làm biến dạng hoặc mai một đi. Do vậy cần phải có các giải pháp bảo tồn hợp lý. 
Thứ hai: Quan tâm đầu tư xây dựng phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch, trong đó cần xác định vấn đề nguồn vốn đầu tư là vấn đề luôn đóng vai trò chủ chốt. 
Thứ ba: Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ phát triển làng nghề và du lịch làng nghề. Đó là việc xây dựng các điểm đón tiếp du khách với trang thiết bị và hệ thống hạ tầng cơ sở hiện đại đạt tiêu chuẩn; xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm với mô hình gắn với việc phục vụ thăm quan của du khách...
Thứ tư: Tăng cường đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến hình ảnh làng nghề truyền thống đến với du khách thông qua đa dạng các hình thức khác nhau. Đặc biệt cần phát huy hiệu quả loại hình quảng bá qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội nhằm tạo sự lan tỏa nhanh, mạnh mẽ trong cộng đồng... 
Thứ năm: Phát triển nguồn nhân lực tại các làng nghề truyền thống là một trong những điều kiện quan trọng để duy trì phát triển làng nghề và du lịch làng nghề truyền thống. Trong đó, cần trú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh viên tại các làng nghề để giới thiệu về làng nghề cho khách du lịch đảm bảo có sự hiểu biết sâu sắc lịch sử, văn hóa, phong tuc, tập quán, lễ hội, sự tích dân gian, môi trường sinh thái...của địa phương làng nghề. 
Thứ sáu: Để làng nghề có sức hút mang tính bền vững lâu dài đối với du khách thì cần hạn chế tối đa các tác động ảnh hưởng tiêu cực của cộng đồng dân cư cũng như du khách đến môi trường cảnh quan, môi trường văn hoá, không gian làng nghề. Do đó, việc đầu tư trong vấn đề xử lý môi trường như rác, nước thải tại các làng nghề cần được đầu tư. Đồng thời công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, du khách đến các làng nghề cũng cần được chú trọng./.
 Hà Bộ
Ngày cập nhật: 08/09/2020 Lượt xem: 654