Xôi trứng kiếnNgười đi đánh kiến chọn mùa vào cuối xuân, đầu hạ, lúc tiết trời nắng đẹp, khô ráo… Thời điểm này trứng kiến vừa nở căng mẩy. Ở vùng rừng núi Mai Sưu, Đan Hội (Lục Nam), Kiên Lao, Kiên Thành, Nam Dương, Mỹ An (Lục Ngạn)… xưa có nhiều người rất thạo nghề đánh trứng kiến. Đồ nghề gồm: Câu liêm, dao quắm, rá, khăn mặt…
Khi phát hiện tổ kiến, tổ nào mẩy thì lấy câu liêm kéo vít, đốn cành kéo tổ về một chỗ thoáng rộng rồi dùng dao sắc vạc dần từng miếng tổ, lấy sống dao gõ, từ nhẹ đến mạnh dần vào cành cây để trứng rơi vào rá. Tổ nào nhìn có màu đen bạc, thớ tổ gờ to, cành cây hơi trĩu, khi chặt cành nâng lên thấy nặng tay là tổ kiến mẩy. Tổ nào trông đen xì, xốp… thì ít trứng. Nhìn màu tổ và vỏ tổ kiến để quyết định có nên chặt đốn hay để gây dành đến mùa sau.
Khi đã được lưng rá trứng kiến đem về nhà, người ta sàng sảy nhẹ nhàng cho hết lá cây và tạp chất từ tổ kiến. Cẩn thận hơn có thể bỏ trứng kiến vào chậu nước sạch ấm, đãi thêm lần nữa để kiến già và tạp chất nổi lên, hớt đi là có mẻ trứng kiến an toàn vệ sinh tuyệt đối.
Từng hạt trứng căng mọng sẽ được đồng bào nơi đây chế biến thành nhiều món ăn độc đáo. Trứng kiến là thức ăn ngon, bổ dưỡng. Du khách đến các vùng này thường được thưởng thức: Trứng kiến hấp hai lửa (làm thức ăn với cơm hoặc xôi), bánh kiến, xôi trứng kiến. Nhiều người dân ở vùng Kiên Lao, Kiên Thành (Lục Ngạn) còn có món trứng kiến sống ăn cùng bánh đa, nhắm rượu cũng rất thú vị. Gần đây người ta dùng trứng kiến để ngâm rượu nghe nói có tác dụng bổ thận tráng dương.
Bà Nguyễn Thị Hợp, thôn Biềng, xã An Lạc (Sơn Động) rũ trứng kiến vào giá. Ảnh: Nguyễn Hưởng
Các món ăn chế biến từ trứng kiến không cầu kỳ. Món trứng kiến hai lửa là trứng kiến đã làm sạch, bỏ vào nồi, ướp ít bột canh (có thể thêm chút nước, mì chính), mắm ngon đảo đều, để chừng mươi phút cho ngấm gia vị. Hành khô băm nhỏ, phi thơm. Gia vị đã ngấm, đặt nồi trứng kiến lên bếp chưng, rải hành phi lên trên đậy vung kín. Chờ sôi mươi phút cho chín tới, đảo đều bắc ra. Để trứng qua đêm, sáng hôm sau đặt lại trên bếp cho sôi vài phút, để nguội hẳn mới được ăn. Trứng kiến khi chưng nóng ra nước xẹp lép, để sáng sau hút nước căng mọng, béo ngậy. Có thể ăn với cơm hay xôi trắng đều rất đặc biệt.
Trong nhiều món ăn được chế biến từ trứng kiến thì xôi trứng kiến là phổ biến nhất. Thực hiện như đồ xôi gà cách thủy, đặt xôi dưới, trứng kiến và gia vị bên trên. Xôi chín tới, xới tơi trộn đều với trứng kiến rồi cho ra đĩa, thưởng thức nóng sẽ cảm nhận được vị thơm đậm đà, quyến rũ của lúa nếp nương, vị ngọt, bùi và ngậy của trứng kiến. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này. Bất kỳ ai dù một lần được thưởng thức xôi trứng kiến sẽ nhớ mãi.
Ngoài ra còn có bánh trứng kiến: Trứng kiến đảo đều chín tới bắc ra để nguội. Bột gạo nếp, tẻ mịn tỷ lệ 1/3. Đem bột, trứng kiến trộn đều với nước dừa, gia vị cho sền sệt rồi hấp chín (có người trộn thêm bột lòng đỏ trứng gà mới hấp rồi đem rán cho thơm). Bánh trứng kiến thường to bằng chiếc đĩa, khi ăn xắt thành miếng nhỏ vuông vuông, ăn cùng rau thơm sẽ thú vị hơn.
Trong một số bản thần tích ở đình, chùa một số làng xã thuộc các huyện vùng cao này đều thấy ghi rằng, vào các dịp lễ tế thành hoàng phải có món xôi hoặc bánh trứng kiến. Thế mới biết, từ xưa trứng kiến đã là món ngon quý, đâu phải món ăn dân dã quê mùa.