Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Làng nghề và Đặc sản Về với du lịch làng nghề Bắc Giang

Về với du lịch làng nghề Bắc Giang

Làng nghề không chỉ góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân mà còn là nơi lưu giữ nét văn hóa độc đáo. Nằm trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Bắc Giang là một trong những cái nôi của nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Nếu có hướng đi đúng hướng, làng nghề không những giải quyết việc làm, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân mà còn đang mở ra những hướng mới cho phát triển du lịch.
Tiềm năng lớn
Thổ Hà là một trong những ngôi làng đẹp nhất, còn giữ được nhiều di tích. Ngôi nhà cổ truyền thống, với cảnh quan thơ mộng là con sông chảy dọc qua làng. Đường làng, ngõ xóm được thiết kế hình bàn cờ nối tiếp gắn mạch nhau, khá giống làng cổ Đường Lâm và Cự Đà. Tận sâu trong những con ngõ, con hẻm ấy là một mầu đỏ cũ kỹ của những bức tường gạch, gạch lát nghiêng đã mòn vẹt, trưng ra thần thái của dấu ấn thời gian và đậm chất đồng bằng Bắc Bộ. Làng cổ Thổ Hà có nghề làm bánh đa lưu truyền nhiều thế hệ, dù chịu ảnh hưởng của kinh tế thị trường, vẫn còn không ít hộ giữ nghề. Họ muốn níu giữ những ký ức tuyệt đẹp về một nghề truyền thống phát đạt suốt nhiều thập kỷ mà cha ông họ dốc lòng tạo dựng thương hiệu. Thổ Hà cũng là đất của quan họ. Những làn điệu lúng liếng, với lối sống chan hòa, gắn kết góp phần tôn bồi tính cách nhã nhặn, khiêm tốn và mực thước của người dân. Hơn nữa Thổ Hà có vị trí giáp Bắc Ninh, cửa ngõ của thủ đô Hà Nội mỗi năm thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu quy trình sản sản xuất gốm, bánh đa nem, nấu rượu. Ông Cáp Trọng Việt, Trưởng thôn Thổ Hà cho biết: “Thôn có hơn 200 hộ làm bánh đa nem. Đây là nghề gia truyền do cha ông để lại. Ngoài ra, Thổ Hà còn lưu giữ những công trình kiến trúc cổ kính, tiêu biểu của cả nước như đình Thổ Hà, chùa Đoan Minh, cảnh quan không gian đậm chất truyền thống của làng quê thuần Việt. Chị Hoàng Điệp, Phóng viên Báo Tuổi Trẻ TPHCM cho hay: Tôi đã đến hai làng nghề này nhiều lần và cảm thấy rất ấn tượng bởi hầu như gia đình nào ở đây cũng sản xuất bánh đa nem, nấu rượu, sản phẩm được phơi bày đầy rẫy khắp các ngả đường làng, cùng đó là những công trình kiến trúc cổ kính, những nếp nhà gạch chỉ không trát vữa, ngõ nhỏ sâu hút đều tăm tắp, đặc biệt hơn đây còn là vùng đất của những làn điệu dân ca quan họ mượt mà bờ bắc sông Cầu. Và như thế, với chị Điệp đến Thổ Hà không chỉ để tác nghiệp mà còn là dịp được trực tiếp xem người dân làng nghề sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống, tham quan, khám phá, thưởng ngoạn cảnh sắc, không gian văn hóa làng nghề.

Làng nghề mang lại nguồn thu nhập tương đối cao và ổn định đã hút một lượng lớn lao động nông nghiệp dôi dư trong quá trình phát triển công nghiệp. Như làng nghề Tăng Tiến, hiện có khoảng 70% số hộ (6.000 lao động) làm nghề đan lát; xã Dĩnh Kế có 80% số lao động làm bánh đa, mỳ; làng Vân gần 100% số dân biết nấu rượu và bán rượu; làng bún Ða Mai cung cấp khoảng một tấn bún/ngày ra thị trường; làng Thủ Dương gần như cả làng đều làm mỳ; hay như vùng Nghĩa Hồ thuộc huyện Lục Ngạn, hình thành cả một hợp tác xã nuôi ong mật với cả trăm hộ tham gia... Ông Thân Văn Giang, Bí thư Đảng bộ xã Tăng Tiến nói: Những năm gần đây không ít các đoàn khách trong và ngoài nước như: Đức, Anh, Liên bang Nga, Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan…đến đây tham quan. Du khách tìm hiểu mô hình sản xuất thủ công truyền thống, mặt khác họ cũng là những doanh nhân đến tìm kiếm nguồn hàng, vậy nên du lịch của xã bước đầu có những chuyển biến tích cực.
Đầu tư đồng bộ
Thống kê cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 39 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó 14 làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm cùng những nét văn hóa, phong tục tập quán tiêu biểu, độc đáo. Từ điều kiện ấy nếu được đầu tư xây dựng, khai thác tốt sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách bốn phương. Những làng nghề thu hút đông du khách như Thổ Hà, Yên Viên, Tăng Tiến (Việt Yên), Thủ Dương (Lục Ngạn), bánh đa làng Kế (TP. Bắc Giang)… Đã có nhiều đoàn khách đến tham quan tại những làng nghề này. Thực tế cho thấy khi du lịch tại các làng nghề phát triển không những là điều kiện để quảng bá thương hiệu sản phẩm mà còn tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân có thêm thu nhập từ các loại hình dịch vụ. Được xem là nhiều tiềm năng song để du lịch làng nghề của Bắc Giang phát triển thì cần sự quan tâm hơn nữa. Trong đó mấu chốt là phải tạo một sức bật mạnh mẽ bằng các chủ trương, chính sách của nhà nước. Theo ước tính mỗi năm tỉnh ta đón hàng vạn lượt du khách đến các làng nghề nhưng chủ yếu vẫn là những đoàn khách nhỏ lẻ, tự phát nên người dân được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch chưa nhiều. Đáng ngại nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề chưa có biện pháp xử lý hiệu quả như Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh (Việt Yên); mộc Mai Đình (Hiệp Hòa)...
Gắn kết du lịch với làng nghề truyền thống đang mở ra những cơ hội giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu văn hóa. Bắc Giang có số lượng làng nghề thủ công tương đối lớn song để khai thác, đáp ứng cho phát triển du lịch thì vẫn cần một chiến lược dài hơi. Có nhiều lý do khiến tiềm năng du lịch làng nghề vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Trong đó chủ yếu do thiếu sự đầu tư đồng bộ, chuyên sâu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu, cách làm chưa chuyên nghiệp, cộng thêm người dân trong làng nghề chưa tích cực chủ động làm du lịch. Người dân thiếu kỹ năng làm du lịch, dịch vụ nghèo nàn, thiếu liên kết, môi trường ô nhiễm trầm trọng… đang đẩy lùi bước phát triển của du lịch làng nghề. Trong khi, đây là ngành mang lại lợi ích không nhỏ về kinh tế, xã hội, góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa tại chính địa phương. Các tour du lịch làng nghề ở Bắc Giang hiện nay chưa được khai thác triệt để, nhiều nơi mới chỉ dừng ở hình thức tham quan. Ngay tại làng cổ Thổ Hà và mây tre đan Tăng Tiến là hai làng nghề nổi tiếng tỉnh, người dân vẫn chủ yếu tập trung tìm đầu ra cho sản phẩm, chứ ít quan tâm đến việc giới thiệu cho du khách về lịch sử, văn hóa, giá trị nghề truyền thống của làng...
Những hạn chế trên khiến du lịch làng nghề của tỉnh mới dừng lại ở dạng tiềm năng, ở những kết quả còn rất khiêm tốn, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Để du lịch làng nghề phát triển tương xứng với tiềm năng đó là một chiến lược dài hơi, mà mấu chốt là chúng ta cần “thổi hồn” bằng các cơ chế, chính sách của nhà nước và địa phương. Trong đó, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng như giao thông, các dịch vụ điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn thì các địa phương cũng cần xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển du lịch làng nghề cụ thể, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, phong phú đa dạng về mẫu mã, chủng loại, có thể nghiên cứu cải tiến sản phẩm sao cho phù hợp với việc đóng gói, dễ dàng vận chuyển đi xa. Các địa phương nên tạo sự liên kết hợp tác, kêu gọi đầu tư đối với các doanh nghiệp du lịch; quan tâm bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa truyền thống tại những địa phương có làng nghề. Cùng đó cần làm tốt công tác quản lý điểm đến, toàn bộ các quy trình kết nối du lịch, kiểm soát an ninh, vệ sinh môi trường cần đặc biệt được chú trọng... Những giải pháp trên được thực hiện đồng bộ thì tương lai không xa du lịch làng nghề Bắc Giang sẽ có những chuyển biến rõ rệt./. 
 Nguyễn Hưởng
Ngày cập nhật: 23/12/2015 Lượt xem: 853